Nhân rộng “hình mẫu Kim Sơn” để nuôi dưỡng nguồn sáng

Cuộc gặp gỡ tình cờ giữa người nhận và gia đình người hiến giác mạc tại lễ tôn vinh người hiến giác mạc do Bệnh viện Mắt Trung ương và Ủy ban nhân dân huyện Kim Sơn (Ninh Bình) tổ chức mới đây thật xúc động. Bên cạnh những cái ôm thân tình, lời tri ân là những nụ cười hạnh phúc, khi tìm lại được ánh sáng và cuộc sống như được hồi sinh…
0:00 / 0:00
0:00
Nhiều người dân ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. (Ảnh THANH HẢI)
Nhiều người dân ở huyện Kim Sơn, tỉnh Ninh Bình đăng ký hiến mô, tạng sau khi qua đời. (Ảnh THANH HẢI)

Chị Tô Thị Thắm bị bệnh giác mạc khi mới 12 tuổi. Cuộc sống của chị trở nên khó khăn, tự ti trong gần 20 năm... Nhưng rồi vào năm 2019 và 2020, chị được ghép hai giác mạc từ nguồn hiến tặng. Cảm giác vỡ òa khi bác sĩ gỡ băng mắt, mọi thứ chung quanh hiện lên rõ nét… làm cho Thắm không dám tin đó là sự thật.

Tại lễ tôn vinh người hiến giác mạc, chị Thắm được gặp lại hai gia đình có người thân hiến tặng giác mạc cho chị. Giữa họ là những cái ôm ấm áp, những lời hỏi thăm sức khỏe và sự xúc động. “Tôi mãi biết ơn những gia đình đã hiến tặng giác mạc của người thân để sự sống của tôi được hồi sinh, tiếp nối khi tôi còn trẻ. Tôi mong muốn rằng, nghĩa cử cao đẹp từ các gia đình hiến giác mạc sẽ lan tỏa, giúp thêm nhiều người được thấy lại ánh sáng như tôi”- chị Tô Thị Thắm xúc động chia sẻ.

Tôn vinh nghĩa cử cao đẹp của người hiến tặng giác mạc là hoạt động thường niên được Bệnh viện Mắt Trung ương tổ chức từ năm 2007, kể từ khi Việt Nam có người đầu tiên tại Kim Sơn, Ninh Bình tự nguyện hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, mở ra cơ hội cho hàng trăm nghìn người mù tìm lại ánh sáng. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động tôn vinh đó bị gián đoạn trong ba năm, nay đã được tổ chức trở lại.

Mọi người dự lễ tôn vinh hôm đó tại rạp Kim Mâu ở trung tâm huyện Kim Sơn, dành một phút tưởng niệm và tri ân nghĩa cử cao đẹp của những người đã tử vong, hiến tặng giác mạc để đem lại nguồn sáng cho hàng nghìn người khác. Ðã có nhiều giọt nước mắt xúc động của những người thân của người đã mất rơi xuống.

Ngày 5/4/2007 đã đánh một dấu mốc quan trọng trong phong trào hiến, ghép giác mạc tại Việt Nam khi lần đầu tiên có người hiến tặng giác mạc sau khi qua đời, đó là cụ bà Nguyễn Thị Hoa (ở Cồn Thoi, Kim Sơn, Ninh Bình). Tấm lòng và nghĩa cử cao đẹp của cụ đã trở thành tấm gương sáng tiên phong, thúc đẩy phong trào hiến tặng giác mạc trong cả nước phát triển, lan rộng. Noi theo tấm gương cụ Nguyễn Thị Hoa, người dân Cồn Thoi, Kim Sơn đã tạo nên một phong trào hiến tặng giác mạc trong toàn vùng, toàn tỉnh. Giờ đây, các gia đình có người hiến giác mạc tự hào vì việc làm có ý nghĩa thiết thực sau khi qua đời đó đã giúp người mù lòa nhìn lại được ánh sáng.

Ðến nay, tất cả các huyện và thành phố của tỉnh Ninh Bình đã có người đăng ký hiến mô, tạng, đứng đầu cả nước với con số 15.000 người, trong đó có 437 người hiến giác mạc. Nghĩa cử nhân văn này đã được lan tỏa, ngày càng nhiều địa phương có người đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời như: Hà Nội, Thanh Hóa, Hòa Bình, Nam Ðịnh, Nghệ An, Quảng Ninh, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Bắc Giang, Thái Bình, Bắc Ninh… Sau khi tiếp nhận, Bệnh viện Mắt Trung ương đã thu nhận và ghép, tìm lại được ánh sáng cho hàng trăm người bệnh bị mù do các bệnh lý giác mạc.

Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn khẳng định công cuộc vận động hiến tặng giác mạc của ngành y tế không thể thành công nếu không có sự ủng hộ của các cấp chính quyền, các đoàn thể, tổ chức trong xã hội, và nhất là sự ủng hộ của nhân dân. Phong trào hiến tặng giác mạc ở Kim Sơn (Ninh Bình) đã và đang nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các cấp chính quyền, nhiều lãnh đạo địa phương, Hội chữ thập đỏ, các tổ chức tôn giáo, các tình nguyện viên đã luôn quan tâm và ủng hộ hoạt động hết sức nhân văn này.

Bên cạnh đó, phong trào hiến tặng giác mạc trong cộng đồng dân cư huyện Kim Sơn đã cổ vũ và hình thành một mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên nhiệt tình tham gia vận động, tuyên truyền về hiến tặng giác mạc. Thông qua đó, nâng cao nhận thức trong cộng đồng dân cư về công tác chăm sóc và bảo vệ đôi mắt nói chung cũng như về các vấn đề liên quan đến hiến tặng giác mạc và các bệnh lý về giác mạc nói riêng.

Phẫu thuật ghép giác mạc là phương pháp duy nhất trên thế giới hiện nay mang lại ánh sáng cho người mù do bệnh lý giác mạc. Mặc dù kỹ thuật phẫu thuật ghép giác mạc ở Việt Nam đạt trình độ tiên tiến, nhưng do nguồn giác mạc khan hiếm, lượng hiến tặng giác mạc thời gian qua mới chỉ đáp ứng được số lượng rất nhỏ so với nhu cầu thực tế, cho nên khá nhiều người bệnh phải chấp nhận sống trong cảnh mù lòa, chờ đợi nguồn giác mạc duy nhất từ người hiến sau khi qua đời. Trong 16 năm qua (2007-2023), cả nước có hơn 45.000 người đăng ký hiến tặng giác mạc nhưng mới có 936 người hiến giác mạc sau khi qua đời. Trong khi đó, theo ước tính Việt Nam hiện có hơn 30.000 người mù do bệnh lý giác mạc, cần được thực hiện phẫu thuật ghép giác mạc để tìm lại ánh sáng. Tại Bệnh viện Mắt Trung ương, danh sách người đăng ký chờ ghép giác mạc là khoảng 1.000 người, con số này ngày càng tăng lên theo thời gian. Chính vì vậy, Bệnh viện Mắt Trung ương và các đơn vị có liên quan đang phối hợp cùng nhiều tổ chức đoàn thể, chính quyền, nhiều cơ quan thông tấn, báo chí góp sức tuyên truyền, vận động người dân đăng ký hiến tặng giác mạc sau khi qua đời. Tuy nhiên nhiều nơi, nhiều người dân chưa hiểu rõ về hoạt động có ý nghĩa này, bên cạnh đó còn gặp nhiều trở ngại lớn từ quan niệm của người dân, rào cản do tập tục, tín ngưỡng...

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Ninh Bình Bùi Trọng Kỳ khẳng định, tinh thần nhân đạo, nghĩa cử hiến mô, tạng đã lan tỏa đến mọi người, khi khỏe mạnh cùng chia sẻ yêu thương với người khó khăn; khi không may qua đời hiến tặng giác mạc để đem lại ánh sáng cho người mù. Và nếu như trong cả nước có nhiều phong trào như ở Kim Sơn hơn nữa thì chắc chắn sẽ có nhiều người tìm lại được ánh sáng, niềm vui, hạnh phúc.