Ông Nguyễn Cao Khải- Giám đốc Hợp tác xã Thuận Tiến cho biết: Giống lúa OM5451 được lựa chọn để gieo sạ trên cánh đồng thí điểm với lượng giống 60 kg/ha. Các công nghệ gieo sạ được ứng dụng sẽ giúp cây lúa khỏe, cho năng suất cao hơn, đồng thời giúp giảm lượng phân bón, nước tưới, rủi ro dịch bệnh, đổ ngã và tổn thất sau thu hoạch. Bên cạnh đó, các biện pháp kỹ thuật tiên tiến cũng được triển khai như: Quản lý nước áp dụng tưới ướt, khô xen kẽ; áp dụng bón phân chuyên vùng chuyên biệt “4 đúng”, sử dụng phân bón hữu cơ và tuần hoàn phụ phẩm đạt mục đích tăng trưởng xanh; quản lý dịch hại tổng hợp, bảo tồn đa dạng sinh học, giảm độc hại môi trường và không dư lượng thuốc trừ sâu trong sản phẩm gạo.
Khi thu hoạch sẽ tiến hành đúng thời điểm, áp dụng máy gặt đập liên hợp, máy sấy và các công nghệ bảo quản tốt, tối ưu quản lý vận chuyển, giảm chi phí năng lượng và giảm tổn thất sau thu hoạch; quản lý rơm rạ theo nguyên lý nông nghiệp tuần hoàn, thu rơm rạ khỏi đồng làm nấm rơm, thức ăn cho bò, phân hữu cơ...
“Các thành viên của hợp tác xã rất đồng lòng thực hiện thí điểm quy trình canh tác này vì trước đó cũng đã được trao đổi, tập huấn nên có đủ năng lực tham gia. Tổng diện tích trồng lúa của hợp tác xã hiện là 512 ha. Nếu mô hình 50 ha thí điểm này thành công, chúng tôi hy vọng sẽ nhân rộng được ra toàn bộ diện tích còn lại, hướng tới mục tiêu hình thành hợp tác xã trồng lúa giảm phát thải. Dự kiến đầu tháng 7/2024, cánh đồng sẽ cho thu hoạch” - ông Nguyễn Cao Khải nhấn mạnh.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, việc triển khai cánh đồng giảm phát thải có thuận lợi là các hợp tác xã đăng ký tham gia Đề án phần lớn đã tham gia Dự án “Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam” (VnSAT) nên đã được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật và áp dụng quy trình canh tác bền vững... Một số hợp tác xã được các cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế hỗ trợ mua sắm trang thiết bị, máy móc phục vụ sản xuất thông qua các dự án hỗ trợ Đồng bằng sông Cửu Long...
Tuy nhiên, nhìn chung quy mô và khả năng đáp ứng các tiêu chí theo Đề án của hợp tác xã còn hạn chế. Các hợp tác xã chủ yếu có quy mô nhỏ cả về diện tích, thành viên, dịch vụ. Tổng diện tích của các thành viên trong 400 hợp tác xã nông nghiệp đăng ký tham gia đề án là 94.400 ha (chiếm 51,3% so với 180.000 ha theo diện tích các tỉnh đăng ký tham gia Đề án năm 2025).
Diện tích vùng canh tác lúa trung bình một hợp tác xã quản lý tại các tỉnh có sự dao động lớn, từ 58-497 ha, bình quân chung toàn vùng là 223 ha/hợp tác xã. Số lượng thành viên trung bình trong từng hợp tác xã cũng dao động rất lớn, từ 26 đến 179 thành viên.
Các dịch vụ do hợp tác xã thực hiện phục vụ thành viên trong chuỗi lúa gạo còn chưa đa dạng, phần lớn cung cấp một số dịch vụ đầu vào như: Tưới tiêu, làm đất, vật tư phân bón... mà chưa có sự liên kết theo chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.
Bốn chương trình/nhiệm vụ ưu tiên thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, là: Chương trình nâng cao năng lực cho hợp tác xã và doanh nghiệp tham gia Đề án; Chương trình tín dụng hỗ trợ liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm lúa gạo chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long giữa hợp tác xã với các doanh nghiệp; Chương trình hiện đại hóa hạ tầng sản xuất cho một triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long; Chương trình thí điểm chi trả các-bon dựa vào kết quả cho một triệu héc-ta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
(Nguồn: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn)
Trước thực tế đó, Thứ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Bộ sẽ xây dựng kế hoạch nâng cao năng lực cho hợp tác xã và các chủ thể tham gia Đề án. Theo đó, đội ngũ cán bộ quản lý nông nghiệp, khuyến nông cộng đồng cần hỗ trợ hợp tác xã hướng tới mục tiêu 100% số cán bộ quản lý hợp tác xã nông nghiệp tham gia Đề án được đào tạo, tập huấn về các vấn đề liên quan; rà soát, bổ sung cơ chế, chính sách tạo động lực thu hút lao động trẻ, sinh viên tốt nghiệp các trường đại học, cao đẳng, trung cấp làm việc trong các hợp tác xã nông nghiệp; trang bị kiến thức cho hợp tác xã về các vấn đề mới như: Quy trình sản xuất và thực hành đo đạc, báo cáo, thẩm định (MRV) các hoạt động giảm phát thải; tín chỉ các-bon; thị trường các-bon và xây dựng thương hiệu lúa phát thải thấp.
Bộ sẽ phối hợp Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhanh chóng hoàn thiện chính sách tín dụng, xây dựng gói tín dụng hỗ trợ cho hợp tác xã cũng như các doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu, các doanh nghiệp cung ứng đầu vào và đầu ra cho ngành hàng lúa gạo.