Cụ thể, kinh phí ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chỉ được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch; không được sử dụng để chi hoạt động quản lý bộ máy của Quỹ và chi cho các mục đích khác.
Nguồn ngân sách nhà nước cấp cho Quỹ chỉ được sử dụng để hỗ trợ tối đa 50% kinh phí thực hiện nhiệm vụ do các tổ chức, doanh nghiệp về du lịch chủ trì, đề xuất (hỗ trợ tối đa 1 hoạt động và 1 lần trong năm).
Hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng phát triển nguồn nhân lực du lịch
Thông tư nêu rõ, Quỹ thực hiện hỗ trợ doanh nghiệp, tổ chức về du lịch một phần kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ kỹ năng nghề cho lao động nghề du lịch:
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề đến 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo mức thu học phí của cơ sở đào tạo nghề nghiệp và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 4,5 triệu đồng/người/khóa đào tạo;
Đối với người tham gia khóa đào tạo nghề trên 3 tháng: Mức hỗ trợ tính theo tháng, mức thu học phí và thời gian học nghề thực tế nhưng tối đa không quá 1,5 triệu đồng/người/tháng và thời gian hỗ trợ tối đa không quá 6 tháng.
Ngoài ra, Quỹ cũng hỗ trợ triển khai thực hiện kế hoạch, chương trình, nhiệm vụ tuyên truyền nâng cao nhận thức xã hội về du lịch, góp phần bảo đảm môi trường du lịch an toàn, lành mạnh, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Việt Nam; hỗ trợ triển khai các chương trình truyền thông nhằm nâng cao ứng xử văn minh, tôn trọng phong tục, tập quán, bản sắc văn hóa, bảo vệ và giữ gìn tài nguyên du lịch, môi trường du lịch tại các điểm du lịch, khu du lịch.
Đối với chi tổ chức các cuộc thi trong nước tìm hiểu, sáng kiến về xúc tiến, quảng bá du lịch nhằm khẳng định thương hiệu du lịch Việt Nam do Quỹ tổ chức: Mức chi giải tập thể tối đa 20 triệu đồng/giải thưởng; giải cá nhân tối đa 15 triệu đồng/giải thưởng.
Thông tư này có hiệu lực thi hành từ 9/4/2022.