Nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế trước các cú sốc

NDO -

Tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 chưa lường hết được đã nảy sinh áp lực mới từ cuộc xung đột Nga-Ukraine, khiến cho quá trình phục hồi và phát triển của kinh tế Việt Nam trở nên vô cùng thách thức. 

Tiến sĩ Võ Trí Thành. nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương
Tiến sĩ Võ Trí Thành. nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Với kinh nghiệm phân tích kinh tế, tư vấn về các vấn đề thương mại tự do, hội nhập kinh tế khu vực và chính sách vĩ mô, Tiến sĩ Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) đã trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân về vấn đề này.

Đột phá, quyết liệt và phải nhanh

Phóng viên: Xung đột Nga-Ukrane đang đè nặng lên hoạt động kinh tế của nhiều quốc gia, sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam ra sao trước biến động bất ngờ này, thưa ông?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Xung đột ở Ukraine và các đòn trừng phạt tài chính của phương Tây lên Nga đã có những tác động nhất định đến tình hình kinh tế, thương mại thế giới, khiến giá dầu và hàng hóa tăng. Sức chống chịu của mỗi nền kinh tế trước biến số bất ngờ này là khác nhau. 

Để đánh giá tác động đến Việt Nam, cần nhìn nhận về năng lực của nền kinh tế. Về nền tảng vĩ mô, Việt Nam là quốc gia vẫn còn thâm hụt ngân sách, song những năm qua, tính bền vững của ngân sách đã tốt lên, biểu hiện ở tỷ lệ nợ công/GDP giảm, thâm hụt ngân sách không còn theo chiều hướng gia tăng, giữ được lạm phát tương đối thấp, hệ thống tài chính ngân hàng cũng lành mạnh hơn. 

Tuy nhiên, từ cuối tháng 2 đã nảy sinh áp lực mới. Đó là xung đột giữa Nga và Ukraine tác động rất tiêu cực với kinh tế thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng. Tác động ở hai khía cạnh, gồm quan hệ trực tiếp của Việt Nam với hai quốc gia này với vị thế là đối tác thương mại, đầu tư; bên cạnh đó, là biến động của kinh tế thế giới ảnh hưởng đến một nền kinh tế có độ mở cao. Phục hồi kinh tế thế giới từ năm 2022 vốn được dự báo là chững lại, do cuộc chiến này sẽ còn giảm nữa, trong đó có nhiều đối tác của Việt Nam. 

Hơn nữa, áp lực lạm phát vốn dĩ đã có và ta phải hạn chế nó, nhưng nay lại đứt gãy, nguyên liệu, giá xăng tăng, càng phải quyết liệt linh hoạt thực hiện chương trình hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế. 

Phóng viên: Giải pháp điều hành lúc này cần tính đến các mục tiêu ưu tiên nào, thưa ông?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Yêu cầu đặt ra lúc này về công tác điều hành không chỉ là linh hoạt, quyết liệt mà còn phải nhanh. Từ áp lực lạm phát gia tăng, chúng ta đã có phản ứng ngay đối với mặt hàng xăng dầu. Bộ Công thương có giải pháp hài hoà giữa nâng công suất nguồn cung trong nước với nhập khẩu và giám sát để các cây xăng vẫn bán hàng đầy đủ. 

Để tránh biến động quá lớn giá bán lẻ xăng dầu, Bộ Tài chính đã đề xuất giảm thuế bảo vệ môi trường 1.000 đồng/lít xăng nhưng sau khi có ý kiến của các bên, Bộ Tài chính đã lắng nghe và điều chỉnh mức đề xuất giảm thuế lên 2.000 đồng/lít, đồng thời tính toán thêm các giải pháp khác liên quan đến thuế, phí. 

Tình hình biến động rất nhanh nên việc trình phương án không thể kéo quá dài, chúng ta đã nghe nói sẽ giảm thuế để giảm giá xăng dầu thì hiệu lực chính sách phải nhanh. Có thể không cần phải giảm thuế kéo dài đến hết ngày 31/12/2022 vì biết đâu trời hửng sáng nhanh hơn, mọi thứ không phải trong tầm tay, không phải do mình quyết định mà do tình hình thế giới. 

Trước cú sốc từ bên ngoài không thể đoán định được, cái mà chúng ta cần làm là đưa ra kịch bản ứng phó linh hoạt và nhanh chóng vào cuộc, từ chính sách vĩ mô đến những vấn đề sát sườn của doanh nghiệp như thị trường, khách hàng, đối tác, logistics… Phải đặt lên bàn các kịch bản, tính toán những giải pháp để không phá vỡ ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát dềnh lên quá mức.

Ba nhóm chính sách chủ đạo

Phóng viên: Ông có lo ngại gì khi đã sắp hết quý I/2022, vẫn còn một số nhiệm vụ của chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội chưa được rõ nét trong khi khó khăn thì đã dày lên?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Có một số chương trình liên quan nhiều đến khuôn khổ pháp lý thì các bộ ngành đang cân nhắc, còn người dân, doanh nghiệp mong muốn nhiều hơn. Thông điệp chính sách hiện nay, sự nhất quán trong tư duy mở cửa chưa rõ. Nhìn từ ngành du lịch, những nỗ lực của các cơ quan điều hành trong việc đưa chính sách hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội vào cuộc sống chưa được như mong muốn. 

Ở đây phải nhắc lại rằng, trong điều kiện có nhiều yếu tố bất thường cần những quyết sách nhanh, kịp thời, để xử lý các vấn đề chưa có tiền lệ. Không thể đòi hỏi việc hoạch định chính sách vừa nhanh, vừa hoàn hảo, lại vừa bảo đảm tuân thủ đúng mọi quy trình như thông lệ được. 

Tình hình khó khăn, nhiều rủi ro thế này thì phải lấy đại cục làm mục tiêu. Thí dụ, đối với gói hỗ trợ lãi suất 2% cho các doanh nghiệp gặp khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, Ngân hàng Nhà nước đang xây dựng nghị định với tinh thần là có hiệu lực thi hành ngay mà không cần ban hành thông tư hướng dẫn. Đối tượng giữ vai trò trung tâm của gói hỗ trợ này là doanh nghiệp thì phải hướng vào phục vụ doanh nghiệp chứ không phải vì lý do phải có sự phối hợp, phải có sự kết nối... rồi đẩy khó cho doanh nghiệp. Hơn nữa, đã sắp hết quý I/2022 rồi.

Hoặc chính sách giảm thuế VAT, cái khó của chúng ta là không có đủ nguồn lực cho tất cả nên phải lựa chọn đối tượng thụ hưởng chỉ là một mảng trong nền kinh tế. Khi đã đánh giá đầy đủ rồi thì ban hành để chính sách nhanh chóng được thực thi, quá trình này phải bám sát thực tiễn để có vấn đề phát sinh thì điều chỉnh ngay, đó mới là điều quan trọng. Lúc này không nhất thiết cứ phải ban hành chính sách dài hạn cho hai năm, ba năm mà vừa phải nhanh, vừa thiết thực, vừa bảo đảm minh bạch, gắn với đòi hỏi của thực tiễn cuộc sống. 

Phóng viên: Nhiều dự báo cho rằng, nền kinh tế thế giới sẽ đi vào thời kỳ suy thoái trong bối cảnh lạm phát, nghĩa là vừa lạm phát cao mà nền kinh tế lại đình trệ. Việt Nam cần làm gì để nâng cao sức chống chịu của nền kinh tế?

Tiến sĩ Võ Trí Thành: Đó là kịch bản có khả năng sẽ xảy ra với kinh tế thế giới, nếu tình hình căng thẳng địa chính trị hiện nay tiếp tục kéo dài. Trước khi xảy ra cuộc xung đột Nga-Ukraine, dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam có khả năng đạt 6-6,5%, thậm chí là 7%, nhưng hiện nay là khó. Không thể nói trước được điều gì vì tình hình ngày càng bất định. Xu hướng chung là kinh tế sẽ phục hồi song có thể không như kỳ vọng, mục tiêu kiềm chế lạm phát dưới 4% cũng khó có được.

Để nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế có ba nhóm vấn đề. Một là, duy trì ổn định vĩ mô, liên quan tính bền vững của cân đối ngân sách, sự lành mạnh của hệ thống tài chính ngân hàng, điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt của Ngân hàng Nhà nước. Hai là, với một nền kinh tế mở thì phải chú trọng cân đối giữa khả năng cạnh tranh, tận dụng các cơ hội đem lại từ hội nhập và thị trường trong nước. Đối với doanh nghiệp là nâng cao năng lực cạnh tranh, không chỉ những vấn đề nền tảng mà còn là năng lực quản trị rủi ro.

Nhóm vấn đề thứ ba rất quan trọng là hệ thống an sinh xã hội. Bên cạnh việc xây dựng chính sách bảo hiểm, an sinh xã hội có thể học hỏi kinh nghiệm từ các quốc gia khác, phải đặc biệt gắn với tinh thần tương thân tương ái của dân tộc để làm nên sức mạnh của Việt Nam, điều này rất có ý nghĩa trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông!