Khẳng định vị thế hàng Việt Nam

Chị Nguyễn Thị Ngọc Bích, ở phường Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), cho biết, phần lớn đồ dùng trong gia đình chị đều là hàng Việt. Từ các loại thực phẩm thiết yếu, thực phẩm công nghệ, hàng tiêu dùng, hóa phẩm; nhất là hàng may mặc đều sản xuất trong nước, giá cả hợp lý, chất liệu tốt, nguồn gốc xuất xứ rõ ràng... Anh Nguyễn Trung (phường Quan Hoa, Cầu Giấy, Hà Nội), chia sẻ: “Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, trong nhiều sản phẩm phòng dịch, khẩu trang chống giọt bắn bằng vải kháng khuẩn sản xuất trong nước là lựa chọn tối ưu của nhiều người, gia đình tôi hoàn toàn yên tâm khi sử dụng khẩu trang vải kháng khuẩn của các công ty trong nước.

Nông sản OCOP ở Hội chợ Xuân Nhâm Dần 2022 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: TRUNG QUÂN
Nông sản OCOP ở Hội chợ Xuân Nhâm Dần 2022 tại Trung tâm Xúc tiến thương mại nông nghiệp (Cầu Giấy, Hà Nội). Ảnh: TRUNG QUÂN

Không chỉ dễ chịu khi sử dụng, góp phần phòng dịch tốt, mà giá bán rất hợp lý”. Cùng chung quan điểm với chị Bích và anh Trung; chị Hương Trà (quận Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết: Hiện trong các hệ thống siêu thị luôn có chương trình giảm giá các mặt hàng rau, củ, trái cây sạch, có nguồn gốc xuất xứ rõ ràng. Từ ly, chén, đũa, đồ điện, đến dầu gội, sữa tắm, quần áo... nhà mình cũng đều đến siêu thị mua và phần lớn là hàng Việt. Từ chỗ phải ủng hộ, đến nay hàng Việt thuyết phục khách hàng bằng cách nỗ lực cải thiện chất lượng, mẫu mã. Hàng trong nước đã có mặt ở hầu hết chuỗi siêu thị lớn nhỏ và hàng loạt cửa hàng tiện lợi. Các mặt hàng thiết yếu do doanh nghiệp Việt sản xuất đang đóng vai trò nòng cốt trong chuỗi cung ứng.

Theo Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công thương), trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, việc hàng Việt chiếm được lòng tin người tiêu dùng chính là “bệ đỡ” cho doanh nghiệp vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế-xã hội. Khảo sát tại một số siêu thị ở Hà Nội như Co.opmart, Vinmart, Hapro... cho thấy, 90-95% số sản phẩm là hàng Việt. Tại hệ thống siêu thị của doanh nghiệp nước ngoài như AEON, Mega Market, Big C, hàng Việt Nam cũng chiếm tỷ lệ từ 60-96%. Tại kênh phân phối là các chợ, các cửa hàng tiện lợi, tỷ lệ hàng Việt Nam từ 60% trở lên.

Bà Trần Thị Phương Lan, Quyền Giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, ảnh hưởng các chỉ tiêu kinh tế-xã hội, từ đầu năm đến nay, ngành công thương thành phố đã triển khai hàng loạt chương trình hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh, kích cầu nội địa, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng, bảo đảm tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát. Các hội chợ, phiên chợ hàng Việt được đông đảo người dân tham quan, mua sắm, góp phần đẩy mạnh thương mại, bình ổn thị trường, đưa hàng Việt chất lượng cao gần hơn với người tiêu dùng. Đáng chú ý, các doanh nghiệp Hà Nội đã chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, áp dụng khoa học quản lý, tiết kiệm chi phí gián tiếp để nâng cao chất lượng hàng hóa, tạo sự đa dạng mẫu mã sản phẩm, giảm giá thành, tăng cường quảng bá sản phẩm...
 
Mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận, song theo ý kiến đánh giá của các chuyên gia, hiện hàng Việt trên thị trường vẫn còn những khó khăn. Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên công tác tuyên truyền cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” chưa thường xuyên, đồng bộ. Một số doanh nghiệp chưa quan tâm xây dựng, bảo vệ thương hiệu của sản phẩm, hàng hóa. Cùng với đó, tình trạng hàng giả, hàng nhập lậu, kém chất lượng vẫn khó kiểm soát dẫn đến phần nào giảm lòng tin của người tiêu dùng. 

Thời gian tới, để hàng Việt khẳng định được chỗ đứng tại thị trường trong nước, đồng thời mở ra nhiều cơ hội tiếp cận thị trường mới, nhất là trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, các chuyên gia kinh tế cho rằng, doanh nghiệp cần chủ động đầu tư, thay đổi công nghệ tiên tiến, tăng năng suất lao động, hạ giá thành, nhưng vẫn bảo đảm chất lượng sản phẩm. Bên cạnh đó, ngành công thương cần thực hiện tốt nhiệm vụ quản lý thị trường, giá cả sản phẩm, chống hàng giả, hàng kém chất lượng, phòng, chống buôn lậu, hàng cấm và gian lận thương mại, góp phần kiềm chế lạm phát, bình ổn giá đối với mặt hàng thiết yếu, bảo đảm an sinh xã hội và tăng trưởng bền vững. Tiếp tục triển khai chương trình kích cầu trong nước, tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa, doanh thu dịch vụ tiêu dùng thành phố Hà Nội; rà soát, hỗ trợ xây dựng nhãn hiệu, thương hiệu các sản phẩm có thế mạnh của địa phương; xây dựng các trang thông tin điện tử giới thiệu sản phẩm, hàng hóa...