Tăng vai trò chủ động của doanh nghiệp
Nằm ở “tâm dịch” TP Hồ Chí Minh, trước bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, Công ty TNHH Việt Thắng Jeans đã chủ động triển khai các phương án chống dịch ngay tại khu vực sản xuất. Ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch Hội đồng quản trị Việt Thắng Jeans chia sẻ, không quá hoang mang như những ngày đầu, đến nay, công ty đã quen hơn với việc có các ca mắc mới trong công nhân. “Trong trường hợp đó, chúng tôi khoanh vùng nhỏ, cho công nhân nhiễm bệnh nghỉ để điều trị, đồng thời vẫn duy trì hoạt động ở những khâu khác để giữ nhịp sản xuất, kịp đơn hàng”.
“Đến thời điểm này, doanh nghiệp đang sản xuất hàng phục vụ Tết, đồng thời tiếp tục đàm phán với đối tác để nhận thêm đơn hàng cho mùa xuân-hè 2022”, ông Việt chia sẻ.
Tại Công ty TNHH EXEDY Việt Nam, một doanh nghiệp 100% vốn đầu tư Nhật Bản chuyên sản xuất các chi tiết động cơ, bộ ly hợp, hộp số xe máy cung cấp cho các nhà sản xuất, lắp ráp xe máy, để ổn định và phát triển trong bối cảnh dịch bệnh, công ty đã linh hoạt trong điều hành, tổ chức sản xuất.
Bên cạnh đó, yêu cầu 100% người lao động thực hiện tốt quy định 5K; tập trung nâng cao chất lượng sản phẩm, chủ động tìm kiếm nguồn nguyên liệu sản xuất; điều động bố trí lao động, thiết bị máy móc phù hợp từng giai đoạn, bảo đảm sản xuất kinh doanh phù hợp, đúng tiến độ, kế hoạch đề ra. Đặc biệt, thực hiện tốt việc chăm lo đời sống để giữ chân lao động.
Nhờ chủ động các giải pháp, tính đến thời điểm này, mọi hoạt động sản xuất, kinh doanh ở Exedy diễn ra suôn sẻ. Công ty đang có nhu cầu tuyển dụng thêm lao động để kịp hoàn thành đơn hàng giao cho các đối tác dịp cuối năm. Với đà này, năm 2021, công ty sẽ đạt và vượt kế hoạch doanh thu hơn 500 tỷ đồng, tăng từ 5-10% so năm ngoái. Đây là những tín hiệu tích cực để công ty có kế hoạch dài hơi trong năm 2022.
Đó là hai trong số rất nhiều doanh nghiệp đã và đang nỗ lực vượt khó từng ngày, chủ động xây dựng các kịch bản để thích ứng trong điều kiện thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch gắn với duy trì sản xuất kinh doanh. Nỗ lực của doanh nghiệp đã và đang mang lại bức tranh tươi sáng hơn cho nền kinh tế trong giai đoạn cuối của năm 2021.
Báo cáo Bộ Công thương cho thấy, 11 tháng năm 2021, các lĩnh vực sản xuất hàng dệt may, máy móc, thiết bị, phụ tùng… đang có dấu hiệu phục hồi rất khả quan. Theo đó, chỉ số toàn ngành công nghiệp 11 tháng tăng 3,6% so cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành chế biến, chế tạo tăng 4,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 4,7%); ngành sản xuất và phân phối điện tăng 3,8% (cùng kỳ năm 2020 tăng 3,2%)… Đáng chú ý, chỉ số sản xuất 11 tháng năm 2021 của một số ngành trọng điểm thuộc ngành công nghiệp cấp II tăng trên 10% so cùng kỳ năm trước như: sản xuất kim loại tăng 23,4%; sản xuất xe có động cơ tăng 10,7%.
Các con số này cho thấy, hoạt động sản xuất công nghiệp tháng 11 đã từng bước phục hồi do các địa phương cơ bản đã tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch trong tình hình mới, ban hành hướng dẫn và xây dựng kế hoạch về phòng, chống dịch và phục hồi kinh tế.
Bộ Công thương cũng thông tin, các ngành hàng xuất khẩu chủ lực như dệt may, da-giày, điện tử được các Hiệp hội dự báo sẽ có kim ngạch xuất khẩu trong năm 2021 tăng khá cao so năm 2020, khi các doanh nghiệp dần được tiếp cận trở lại với nhiều đơn hàng quốc tế lớn.
Tạo nền tảng cho năm 2022
Dự báo về chỉ số sản xuất công nghiệp cuối năm 2021, Bộ Công thương cho biết, mặc dù vẫn còn khó khăn, nếu như các doanh nghiệp ở khu vực miền bắc, miền trung tăng tốc sản xuất thì khả năng chỉ số sản xuất công nghiệp năm 2021 tăng khoảng 6% so năm 2020. Con số này mặc dù thấp hơn chỉ tiêu ngành công thương đặt ra ban đầu (tăng 8-9%) nhưng cũng đã cho thấy sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan Trung ương và địa phương trong việc kiểm soát dịch bệnh, khôi phục sản xuất. Đồng thời, cho thấy thành quả từ sự nỗ lực của cộng đồng doanh nghiệp trong thời gian qua. Đặc biệt, kết quả này cũng cho thấy doanh nghiệp đã khắc phục tốt khó khăn, tạo nền tảng tốt cho sự phát triển bứt phá hơn trong năm 2022.
Ông Trần Việt Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn chia sẻ, sau đợt dịch này, các doanh nghiệp đều hiểu rằng, việc tái cấu trúc là bắt buộc và rút ra bài học lớn là sắp xếp lại quy trình làm việc trực tiếp, trực tuyến để mang lại hiệu quả.
Tuy vậy, hiện chúng ta vẫn chưa có thuốc đặc hiệu với dịch Covid-19, diễn biến dịch trên thế giới vẫn rất phức tạp, tiềm ẩn nguy cơ bùng phát các đợt dịch mới, nhất là có sự xuất hiện biến chủng mới Omicron. Do đó, các chuyên gia kinh tế cho rằng, chiến lược chống dịch của Việt Nam trong giai đoạn tới là làm sao thích ứng an toàn, linh hoạt, hiệu quả, thực hiện được mục tiêu vừa phát triển, vừa kiểm soát dịch bệnh. Với mỗi doanh nghiệp, để sản xuất, kinh doanh an toàn, hiệu quả, bản thân mỗi doanh nghiệp cũng cần chủ động hơn trong phòng, chống dịch bằng cách quan tâm nhiều hơn đến vấn đề y tế để bảo vệ sức khỏe người lao động.
Dưới góc độ cơ quan quản lý, Bộ Công thương đang tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc đối với các dự án công nghiệp quan trọng; hỗ trợ tối đa các nhà máy duy trì và khôi phục sản xuất để giữ đơn hàng, chuỗi cung ứng.
Trong dài hạn, tiếp tục xây dựng chính sách thu hút đầu tư trong nước và nước ngoài các dự án công nghiệp quy mô lớn, có gắn với chuyển giao và làm chủ công nghệ; tăng cường hợp tác quốc tế, xúc tiến thị trường ngoài nước để thúc đẩy xuất khẩu các ngành hàng chủ lực; liên kết doanh nghiệp trong nước và các chuỗi sản xuất toàn cầu, từ đó thúc đẩy sản xuất công nghiệp phát triển bền vững.