Qua ba năm thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP:

Nhận diện một số khó khăn, vướng mắc

NDO -

NDĐT- Theo báo cáo của các cơ quan Thi hành án dân sự (THADS) địa phương, qua kết quả tổng hợp đến nay có 58 nội dung (gồm 4 nhóm) khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP. Đến nay ở một số nơi cơ quan THADS địa phương thực hiện chưa thống nhất, trong đó có nguyên nhân do Nghị định chưa hướng dẫn cụ thể hoặc quy định của Nghị định hết hiệu lực.

Bảo đảm tính khả thi trong tổ chức thi hành án

Trong 58 nội dung khó khăn, vướng mắc khi triển khai thực hiện Nghị định số 62/2015/NĐ-CP, có hai nhóm vấn đề (gồm 39 nội dung) Bộ Tư pháp đã và sẽ tiếp tục chỉ đạo Tổng cục THADS phối hợp các ban, ngành, đơn vị liên quan xem xét, giải quyết.

Đáng chú ý, chung quanh nội dung đề xuất sửa đổi, gồm 11 nội dung, cụ thể. Về từ chối yêu cầu THADS (Điều 7 Nghị định), theo khoản 4 Điều 7 Nghị định quy định: “Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án và nghĩa vụ phải thi hành án”.

Về nguyên tắc, cơ quan THADS phải tổ chức thi hành các bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án. Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi trong việc tổ chức thi hành án một số trường hợp bản án, quyết định của Tòa án tuyên không rõ đối tượng thi hành án và nghĩa vụ thi hành án dẫn đến khi thụ lý hồ sơ cơ quan THADS không có khả năng tổ chức thi hành dẫn đến Nghị định số 62/NĐ-CP đã bổ sung quy định cơ quan THADS từ chối đơn yêu cầu thi hành án khi bản án, quyết định không xác định cụ thể người phải thi hành án nghĩa vụ phải thi hành án. Trên thực tế, nhiều vụ việc chỉ cần một tiêu chí “không xác định được người phải thi hành án” hoặc “không xác định được nghĩa vụ phải thi hành án” là đã không tổ chức thi hành án được.

Do đó, đề xuất sửa đổi khoản 4 Điều 7 Nghị định theo hướng: Cơ quan THADS từ chối yêu cầu thi hành án theo quy định tại điểm a khoản 5 Điều 31 Luật THADS trong trường hợp bản án, quyết định “không xác định được người phải thi hành án” hoặc “không xác định được nghĩa vụ phải thi hành án”. Tuy nhiên, đề xuất sửa đổi, bổ sung việc từ chối nhận đơn yêu cầu thi hành án khi có một trong hai tiêu chí cần phải được nghiên cứu kỹ cụ thể, đánh giá tác động xã hội trước khi đề xuất cơ quan có thẩm quyền xem xét, sửa đổi.

Xác minh điều kiện thi hành án

Về ủy quyền xác minh điều kiện thi hành án (khoản Điều 9): Khoản 2 Điều 9 Nghị định đã bổ sung quy định về ủy quyền xác minh, nhưng chưa quy định rõ việc xử lý trong trường hợp nếu bên nhận ủy quyền không trả lời hoặc trả lời quá thời hạn, dẫn đến việc chậm trễ trong tổ chức thi hành án. Do đó, đề nghị sửa đổi theo hướng: Trong trường hợp ủy quyền xác minh, nếu bên được ủy quyền không trả lời hoặc trả lời quá thời hạn, dẫn đến gây hậu quả thiệt hại cho đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì phải bồi thường theo quyết định của người có thẩm quyền (nếu có).

Về vụ việc chưa có điều kiện thi hành đưa vào sổ theo dõi riêng (khoản 5, 6 Điều 9), theo quy định tại Khoản 5, 6 Điều 9 Nghị định 62/2015/NĐ-CP thì những trường hợp người phải thi hành án chưa có điều kiện thi hành, sau hai lần xác minh vẫn chưa có điều kiện thi hành thì Cơ quan THADS chuyển những vụ việc đó sang sổ theo dõi riêng. Đối với loại việc chưa có điều kiện thi hành, cơ quan THADS đã cố gắng thực hiện các trình tự, thủ tục luật định nhưng vẫn không có kết quả, đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành nhưng vẫn phải thống kê, báo cáo là vụ việc đang tổ chức thi hành hàng năm… dẫn đến tình trạng vừa không phản ánh được đầy đủ, toàn diện về công tác THADS nhưng lại vừa gây ra sự chồng chéo trong quản lý, khai thác số liệu.

Do đó, cần quy định sửa đổi theo hướng: Đối với những vụ việc chưa có điều kiện thi hành đã được chuyển sang sổ theo dõi riêng thì được thống kê riêng theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Nghị định số 62/2015/NĐ-CP ngày 18-7-2015 của Chính phủ. Đối với những vụ việc đã ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành nhưng chưa đủ điều kiện chuyển sang sổ theo dõi riêng thì cơ quan THADS tiếp tục xác minh tổ chức thi hành và báo cáo thống kê theo quy định.

Về công khai thông tin của người phải thi hành án (Điều 11): Tại khoản 1 Điều 11 Nghị định quy định: “Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án …; gửi quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án cho UBND cấp xã nơi xác minh để niêm yết công khai. Thời gian niêm yết công khai quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án là ba tháng, kể từ ngày niêm yết”.

Theo quy định trên, quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án là do UBND cấp xã niêm yết. Tuy vậy, Nghị định chưa quy định UBND cấp xã sau khi niêm yết phải gửi biên bản cho cơ quan THADS. Thực tế, nhiều UBND cấp xã sau khi niêm yết không gửi biên bản niêm yết về cho cơ quan THADS gây khó khăn cho việc xác định thời gian niêm yết công khai đối với việc chưa có điều kiện thi hành án. Nhiều địa phương, Viện Kiểm sát cùng cấp trong quá trình kiểm sát đã có kiến nghị đối với nội dung này.

Do đó, đề nghị sửa đổi quy định theo hướng: “Trong thời hạn năm ngày làm việc, kể từ ngày ra quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án …; gửi quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án cho UBND cấp xã nơi xác minh để niêm yết công khai. Sau khi niêm yết, UBND cấp xã lập biên bản niêm yết và gửi cho cơ quan THADS để lưu hồ sơ. Thời gian niêm yết công khai quyết định về việc chưa có điều kiện thi hành án là ba tháng, kể từ ngày niêm yết”.

Về thông báo thi hành án (Điều 12), theo khoản 2 Điều 12 Nghị định quy định: “Trường hợp đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự”.

Trên thực tế hiện nay, rất nhiều vụ việc, theo yêu cầu của đương sự, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, Chấp hành viên đã thực hiện quy định trên và thông báo việc thi hành án cho đương sự qua điện thoại. Tuy nhiên, điều luật chưa quy định về việc thông báo này cần thể hiện bằng hình thức cụ thể như thế nào để lưu hồ sơ thi hành án nên Chấp hành viên phải đối diện với tình trạng một số trường hợp, sau khi nhận được thông báo, những đối tượng này lại khiếu nại cho rằng họ chưa nhận được các văn bản đã được thông báo.

Do đó, đề nghị quy định sửa đổi theo hướng: “Trường hợp đương sự, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan yêu cầu được nhận thông báo bằng điện tín, fax, email hoặc hình thức khác thì việc thông báo trực tiếp có thể được thực hiện theo hình thức đó nếu không gây trở ngại cho cơ quan thi hành án dân sự. Chấp hành viên tiến hành lập biên bản và giải thích cho người yêu cầu biết về việc không tiến hành tiến hành thủ tục tống đạt văn bản hoặc sẽ sao lưu tài liệu thể hiện việc đã thông báo để lưu hồ sơ và chi phí của việc sao lưu do người yêu cầu chịu”...