Nhận diện cơ hội đầu tư năm 2025

NDO - Ngày 12/12, tại Hà Nội, Báo Đầu tư tổ chức Hội thảo "Đầu tư 2025: Giải mã biến số - Nhận diện cơ hội" với sự tham gia của các nhà quản lý, các chuyên gia và nhà đầu tư cùng nhìn nhận phân tích các biến số vĩ mô và vi mô cả trong nước và quốc tế để nhận diện cơ hội đầu tư mới.
0:00 / 0:00
0:00
Toàn cảnh hội thảo.
Toàn cảnh hội thảo.

Phát biểu khai mạc hội thảo, Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh cho biết, tại hội thảo, các chuyên gia và nhà đầu tư sẽ tiếp tục hành trình tìm câu trả lời cho rất nhiều câu hỏi đã đặt ra từ nửa năm trước và cùng tiếp tục giải mã những biến số cả cũ và mới để việc tìm kiếm và sàng lọc cơ hội đầu tư hiệu quả hơn.

"Các biến số vĩ mô và vi mô cả trong nước và quốc tế luôn là điều được các nhà đầu tư quan tâm đặc biệt. Những biến số này sẽ ảnh hưởng thế nào đến môi trường kinh doanh và đầu tư năm 2025? Các kênh đầu tư trong thời gian tới sẽ diễn biến theo xu hướng nào? Các lớp tài sản nào sẽ là lựa chọn tốt của năm tới? Đó sẽ là những nội dung của hai phiên thảo luận tại hội thảo, sẽ đáp ứng phần nào nhu cầu thông tin của quý nhà đầu tư đang theo dõi chương trình", ông Lê Trọng Minh nhấn mạnh.

Nhận diện cơ hội đầu tư năm 2025 ảnh 1

Tổng Biên tập Báo Đầu tư Lê Trọng Minh phát biểu khai mạc hội thảo.

Chia sẻ tại phiên thảo luận, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu - Viện trưởng Viện nghiên cứu và Phát triển Thị trường Tài chính và Bất động sản toàn cầu nhìn nhận, bước sang năm 2025, Việt Nam sẽ đối mặt với những tác động từ năm 2024, sẽ tiếp tục kéo dài, kèm theo những biến cố mới, nhất là trên mặt trận địa chính trị. “Trong nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump, thế giới sẽ phải đối mặt với những chính sách bảo hộ thương mại quyết liệt, trong đó Việt Nam cũng sẽ chịu tác động mạnh. Điều này đặt ra yêu cầu phải chuẩn bị kỹ lưỡng, vì năm 2025 có thể sẽ là năm đầy thử thách cho nền kinh tế Việt Nam”, Tiến sĩ Hiếu nhận định.

Nhưng dù đối diện nhiều thách thức, Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu cũng cho rằng Việt Nam có cơ hội đón nhận dòng vốn đầu tư từ các công ty Mỹ, đặc biệt trong lĩnh vực công nghệ cao và bán dẫn. Điều này có thể thúc đẩy quá trình hiện đại hóa công nghiệp.

“Gần đây công ty công nghệ bán dẫn hàng đầu của Mỹ, Nvidia, đã quyết định chọn Việt Nam làm địa điểm đặt trung tâm R&D đầu tiên của Nvidia tại ASEAN. Về nội tại, Việt Nam đang trong giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế, tạo nền tảng để cho một giai đoạn phát triển mới. Dẫu vậy, những chuyển động của kinh tế thế giới đòi hỏi Việt Nam phải tiếp tục thích ứng với điều kiện và môi trường toàn cầu luôn biến động để khai thác tối đa lợi ích từ hội nhập quốc tế, đồng thời ứng phó hiệu quả với các rủi ro và rào cản", ông Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh.

Nhận diện cơ hội đầu tư năm 2025 ảnh 2

Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu phát biểu tại phiên thảo luận.

Trong khi đó, theo Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lương Văn Khôi, tuy tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 ước đạt 7,04%, là mức cao nhất trong khu vực ASEAN (theo dự báo của IMF đưa ra tháng 10/2024), nhưng Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức. Đơn cử, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp dù có sự cải thiện đáng kể so với 10 năm trước, song mức độ hiệu quả chung vẫn chưa đáp ứng kỳ vọng. Các ngành xuất khẩu chủ lực như da giày, may mặc và điện tử dù mang lại giá trị ngoại hối lớn nhưng hiệu quả chỉ đạt khoảng 50%, chủ yếu do doanh nghiệp vẫn dựa vào mô hình gia công…

Do vậy, để hướng đến tăng trưởng GDP năm 2025 có thể lên tới 8%, thậm chí có thể lên đến hai con số thì một trong các yếu tố cốt lõi nằm ở việc nâng cao hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Nếu khai thông được hiệu quả doanh nghiệp, tăng trưởng hai con số không phải là điều khó khăn.

Nhận diện cơ hội đầu tư năm 2025 ảnh 3

Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) Lương Văn Khôi phát biểu tại hội thảo.

Ngoài ra, ông Lương Văn Khôi cũng chỉ ra một trong các động lực cho tăng trưởng kinh tế 2025 là: Một số chính sách mới được ban hành sẽ giúp hình thành khung thể chế tốt hơn cho phát triển kinh tế, nhất là các luật mới được ban hành trong năm 2023 và năm 2024 như Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đấu thầu có hiệu lực và được thể chế chi tiết.

“Thể chế phát triển cho năm 2025 sẽ thuận lợi hơn nhờ nội dung hoàn thiện thể chế có những đổi mới dễ nhận diện, dễ quan sát hơn”, ông Khôi cho biết thêm.