Trong số văn nghệ sĩ thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Vũ Hạnh là một gương mặt nổi bật. Ông là một trong số ít người hoạt động cùng thời còn sống ở TP Hồ Chí Minh hiện nay dù tuổi cao nhưng vẫn còn minh mẫn và tiếp tục sáng tác không ngừng nghỉ.
Nhắc đến ông, bạn đọc nhớ ngay đến truyện ngắn và cũng là tên tập truyện ngắn "Bút máu" nổi tiếng một thời. Bằng lối viết cổ kính, mượn câu chuyện xưa, nhà văn Vũ Hạnh đã nói lên một thực trạng lúc bấy giờ khi một số trí thức bị chính quyền họ Ngô lôi kéo trở thành những tay bồi bút chỉ viết vì danh lợi mà đi ngược lại với sự nghiệp giải phóng dân tộc. Tác phẩm được xem như là tuyên ngôn của nhà văn về văn học nghệ thuật. Và sau 60 năm ra đời, "Bút máu" vẫn vẹn nguyên những giá trị đạo đức, giá trị thời sự.
Nhà văn Vũ Hạnh là một cây bút có thể tung hoành trên nhiều địa hạt khác nhau như truyện ngắn, tiểu thuyết, tiểu luận, phê bình…và ở thể loại nào ông cũng thành công, có dấu ấn riêng. Tập tiểu luận “Đọc lại Truyện Kiều” là minh chứng cho sự đa dạng, xuất sắc đó. Ông bình Kiều theo cách riêng của mình, không bênh vực ai mà chỉ là người “ngẫm” Truyện Kiều, ngẫm lại thế thái nhân tình qua cuộc đời lưu lạc, đoạn trường suốt mười lăm năm của Kiều. Chính vì thế mà có tác giả từng gọi nhà văn Vũ Hạnh là một nhà Kiều học độc đáo.
Trong buổi giao lưu, nhà văn Vũ Hạnh cũng đã giới thiệu đến bạn đọc tác phẩm mới của mình, tiểu thuyết "Người nhà Trời". Tác phẩm được ông sáng tác trong vòng ba năm trở lại đây.
Nhà văn Vũ Hạnh chia sẻ, cách đây hơn 50 năm, ông được nhà văn Mặc Khải, người con của đất Vĩnh Long, kể lại cuộc đời nhiều tay anh chị đã ghi dấu ấn khá đậm ở trong xã hội miền nam, dưới thời thuộc Pháp. Những con người ấy, vốn là sản phẩm của một hoàn cảnh đặc biệt, hoàn cảnh một vùng đất mới đã được tổ tiên khai thác trên vài trăm năm, nhiều nơi còn mang đậm nét hoang vu với những đầm lầy, kênh rạch, nhưng sớm tiếp nhận bằng xương máu mình một thứ chế độ trực trị của thực dân Pháp mang lại từ phương trời Tây. Những con người ấy phải rời nơi đã chôn nhau cắt rốn, rời xa mồ mả tổ tiên, ra đi trong sự phiêu lưu với niềm khát vọng về một sự đổi đời đã phải va chạm đủ loại bất trắc không sao lường được. Nhà văn Vũ Hạnh đã lý giải chọn hình tượng “những tay anh chị” mang danh người nhà trời trong tác phẩm mới nhất: Hiện tượng những tay “anh chị” không phải thuộc riêng của đất nước nào. Bất kỳ ở đâu có sự áp bức, bất công và suy đồi về luật pháp thì sẽ nảy sinh những người tự nhận “thế thiên hành đạo”, những người tự động tạo ra một thứ luật rừng để mà xử lý theo sự công minh từ sự nhận thức của mình. Thời Pháp thuộc, xã hội miền nam sản sinh nhiều tay anh chị là vì lẽ đó. Và trong số này, có cả những người trí thức đã từng xuất dương du học. Những anh, chị này, thời ấy, có đặc điểm riêng mang nặng sắc màu Việt Nam, và đó là điều chúng ta vẫn muốn tìm hiểu.
95 tuổi đời với 80 năm cầm bút, nhà văn Vũ Hạnh luôn là một tên tuổi lớn, một tấm gương về nhân cách sống, về tình yêu dành cho văn học với ý nghĩa cao đẹp nhất của người cầm bút.
Đến chung vui với nhà văn Vũ Hạnh, tác giả Chinh Văn nhận xét, từ khi xuất hiện trên làng văn cho đến bây giờ, nhà văn Vũ Hạnh vẫn cầm bút mạnh mẽ như một chiến sĩ tiền phong trên mặt trận tư tưởng- văn hóa .
Nhiều người cho rằng, nhà văn Vũ Hạnh đang hưởng lộc của trời, nên ông vẫn còn đủ sức khỏe để chạy xe thong dong đến gặp gỡ bạn bè, vẫn miệt mài trên từng trang viết ở cái tuổi “xưa nay hiếm”.
Nhà văn Vũ Hạnh cho hay ông đang viết hồi ký “Cũng một kiếp người” như một sự chiêm nghiệm những giai đoạn đáng nhớ trong cuộc đời mình, nhất là những năm tháng chiến tranh. “Tôi muốn viết về những người nằm xuống ở biển khơi, nơi rừng sâu không tìm ra xác hay những nấm mồ không xác định danh tính. Những con người đó có tuổi trẻ, có tình yêu cũng có tài năng, hoài bão…họ một lòng chiến đấu và hy sinh không trở về nữa. Mình còn sống là hạnh phúc lắm rồi nên tôi không thắc mắc gì nữa, tôi sống tiếp và tiếp tục cống hiến cho cuộc đời”- nhà văn Vũ Hạnh tâm sự.