Tại chương trình, nghệ sĩ nhân dân, đạo diễn Nguyễn Quang Thập, Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình cho biết, không chỉ gây tiếng vang và khẳng định vị thế của đơn vị trên lĩnh vực nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc, Nhà hát Chèo Ninh Bình còn bám sát các nhiệm vụ chính trị của tỉnh, tìm tòi, đổi mới, sáng tạo, dàn dựng công phu hàng nghìn chương trình ca múa nhạc dân gian, trống hội, các tích trò múa rối nước, triển khai đề án khôi phục và phát triển nghệ thuật hát xẩm; hợp tác giao lưu giới thiệu nghệ thuật chèo thông qua việc tham gia các sự kiện trong nước, quốc tế; giao lưu biểu diễn ở nước ngoài … là những hoạt động phục vụ đắc lực cho phát triển công nghiệp văn hóa của tỉnh.
Giám đốc Nhà hát Chèo Ninh Bình Nguyễn Quang Thập phát biểu tại chương trình. |
Trải qua chặng đường 65 năm, nhà hát Chèo đã dàn dựng trên 100 vở diễn, trích đoạn chèo truyền thống và đương đại, phục vụ hàng triệu lượt người xem, hàng chục vở diễn xuất sắc đoạt huy chương vàng, huy chương bạc, bằng khen của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, hơn 100 Huy chương Vàng, Bạc, bằng khen, giải diễn viên trẻ triển vọng tài năng tại các cuộc thi, các kỳ liên hoan, hội diễn sân khấu chuyên nghiệp toàn quốc và khu vực cho tập thể và các cá nhân nghệ sĩ.
Nhà hát Chèo Ninh Bình đã vinh dự 3 lần được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba và hạng Nhì; 13 nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú.
Đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, phát biểu tại chương trình. |
Phát biểu tại chương trình, đồng chí Phạm Quang Ngọc, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình đề nghị các cơ quan, đơn vị, đặc biệt là Sở Văn hóa và Thể thao, trong đó có tập thể Nhà hát Chèo tập trung nghiên cứu, phát huy tiềm năng, lợi thế nổi trội, riêng biệt của tỉnh, nhất là phát huy giá trị các loại hình nghệ thuật truyền thống mà trọng tâm là nghệ thuật chèo, nghệ thuật hát xẩm để xây dựng các sản phẩm văn hóa nghệ thuật giá trị, khẳng định giá trị nghệ thuật chèo Ninh Bình xứng đáng với truyền thống của vùng đất Cố đô, một trong những cái nôi của nghệ thuật chèo ở nước ta.
Cần mạnh dạn đưa công nghiệp văn hóa vào Quy hoạch tỉnh Ninh Bình
Bên cạnh đó, các đơn vị ứng dụng các tiến bộ của công nghệ kỹ thuật và truyền thông để đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, tạo sức lan tỏa của nghệ thuật Chèo đến đông đảo nhân dân và du khách, nhất là thế hệ trẻ; đẩy mạnh công tác thu hút, bồi dưỡng, đào tạo các mầm non nghệ thuật nói chung, nghệ thuật Chèo nói riêng, xây dựng đội ngũ diễn viên, nghệ sĩ thực sự tài năng, tâm huyết và có sức ảnh hưởng trong cộng đồng...
Một tiết mục biểu diễn tại chương trình. |
Riêng đối với Nhà hát Chèo cần thực hiện các giải pháp định hướng khán giả, tạo hiệu ứng xã hội tích cực trong nghiên cứu, tìm hiểu và thưởng thức nghệ thuật chèo; từng bước xây dựng thói quen, nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân, lan tỏa các giá trị nhân văn, các tri thức dân gian, văn hóa ứng xử xã hội thông qua loại hình nghệ thuật vốn rất giàu hàm nghĩa, giàu tính biểu tượng của chèo; đổi mới, nâng cao chất lượng công tác quản lý, tổ chức bộ máy Nhà hát để Nhà hát thực sự trở thành cái nôi đào tạo, bồi dưỡng tài năng nghệ thuật truyền thống và là đơn vị đi đầu thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa của Ninh Bình và cả nước.
Nhân dịp này, 2 tập thể và 8 cá nhân đã có thành tích xuất sắc trong công tác nhân dịp kỷ niệm 65 năm thành lập Nhà hát Chèo Ninh Bình (1959-2024) được Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình tặng Bằng khen.
Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Bình Tống Quang Thìn trao tặng Bằng khen cho các cá nhân. |