Chính phủ và các địa phương triển khai nhiều ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, như: Miễn tiền sử dụng đất; Ðược dành 20% tổng diện tích đất ở trong phạm vi dự án để đầu tư xây dựng nhà ở thương mại; Giảm 50% thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp; Hỗ trợ đầu tư hạ tầng kỹ thuật trong và ngoài dự án; Cho vay ưu đãi lãi suất thấp; Chi phí mua hoặc thuê nhà ở cho công nhân được tính là chi phí hợp lý trong giá thành sản xuất khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp… Công nhân làm việc ở các khu, cụm công nghiệp cũng thuộc nhóm đối tượng được mua nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp ở khu vực đô thị (quy định tại Ðiều 49 Luật Nhà ở).
Ðặc biệt, ngày 30/1/2022 Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội. Một nội dung quan trọng là bảo đảm an sinh xã hội và đời sống (trong đó có nhà ở) của người dân, nhất là người lao động, người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh.
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, cả nước hiện đã có 276 dự án nhà ở xã hội với tổng diện tích hơn 7,3 triệu mét vuông. Trong đó, nhà ở dành cho công nhân khu công nghiệp có 122 dự án, với tổng diện tích khoảng 2,7 triệu mét vuông sàn, đáp ứng khoảng 40% nhu cầu nhà ở của công nhân. Số lao động còn lại, hoặc là đi làm và về trong ngày hoặc thuê nhà trọ của người dân chung quanh nơi làm việc. Qua kiểm tra cho thấy, đa phần những khu nhà trọ thiếu tiện nghi, thiếu an toàn và tương đối phức tạp về an ninh trật tự.
Tuy nhiên, thực tế ở một số địa phương cho thấy, nhiều công nhân không "mặn mà" với những khu nhà ở cho công nhân mới được xây dựng. Nguyên nhân chủ yếu có thể thấy ở những khu nhà ở mới là: Chi phí cao, bao gồm tiền điện, nước, dịch vụ gửi xe, các loại phí; đi lại bất tiện; thủ tục xin vào ở khó khăn. Bên cạnh đó, doanh nghiệp nơi người lao động làm việc không hỗ trợ trong khi hoạt động của nhiều doanh nghiệp không ổn định, dẫn đến việc làm bấp bênh, thu nhập thấp, tình trạng nghỉ việc, mất việc khá phổ biến. Tiện ích, dịch vụ đi kèm thiếu và chưa phù hợp với mức thu nhập. Sự tồn tại của nhiều nhà trọ giá rẻ, tiện lợi ở chung quanh các khu, cụm công nghiệp đang là lựa chọn của nhiều người…
Bên cạnh việc tạo điều kiện, cơ chế về chính sách thu hút doanh nghiệp tham gia xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở cho công nhân, các bộ, ngành và địa phương cần có chính sách thu hút, tạo điều kiện cho công nhân dễ dàng tiếp cận ưu đãi về nhà ở (có thể thuê hoặc mua). Sự phát triển nhanh chóng của các khu, cụm công nghiệp trong thời gian qua ở nước ta đặt ra yêu cầu cần thiết phải sửa đổi, bổ sung một số điều quy định tại Luật Nhà ở 2014 cũng như các chính sách vĩ mô khác về nội dung nêu trên.
Mới đây, Bộ Xây dựng đề xuất 2 gói hỗ trợ thúc đẩy cung và cầu đối với nhà ở xã hội, nhà ở công nhân. Ðó là cho vay xây dựng (đối tượng là doanh nghiệp xây dựng - thông qua ngân hàng thương mại) và vay để thuê, mua (đối với cá nhân, hộ gia đình - thông qua Ngân hàng Chính sách xã hội). Bộ Xây dựng cũng đề xuất cơ chế kiểm tra, giám sát nhằm phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi tiêu cực, tham nhũng, trục lợi chính sách… Bên cạnh đó, cần triển khai đồng bộ trong vận hành, quản lý, bố trí các dịch vụ tiện ích, bảo đảm an ninh trật tự… tại các khu nhà ở công nhân. Nếu được chấp thuận, hy vọng đó sẽ là yếu tố kích cầu quan trọng để hoàn thành một trong những nhiệm vụ trọng tâm về phát triển kinh tế-xã hội mà Ðảng và Nhà nước ta đã đề ra.