Ngoại giao cũng như cuộc chạy tiếp sức
* Một ngày làm việc bình thường của ông như thế nào?
- Kể một ngày hơi bó gọn. Nhưng nếu một tuần thì lúc nào cũng có 3 mảng: đến văn phòng làm việc, nghiên cứu hồ sơ, nắm bắt thông tin, liên hệ với Paris; gặp gỡ các đối tác quan trọng từ phía chính phủ Việt Nam cũng như các doanh nghiệp Pháp; và cuối cùng là đi ra phố, gặp gỡ mọi người tìm hiểu xem người dân sống như thế nào. Có thể nói một cách hình ảnh, nhiệm kỳ đại sứ của tôi tại Việt Nam như là một thành viên trong đội tuyển chạy tiếp sức. Khi tôi bắt đầu nhiệm kỳ tức là tôi nhận lấy chiếc gậy từ vị đại sứ trước, khi đó quan hệ ngoại giao Pháp và Việt Nam đã ở một mức độ nhất định, nhiệm vụ của tôi trong ba năm làm đại sứ phải làm sao cho mối quan hệ giữa Pháp và Việt Nam phát triển xa nhất có thể để có thể chuyển tiếp cho người kế nhiệm của mình.
* Khi đóng vai trò là vận động viên tiếp sức trong cuộc chạy đua, điều gì quan trọng nhất giúp ông hoàn thành nhiệm vụ của mình?
- Với một vận động viên, điều quan trọng là đường chạy thế nào. Tôi đang có một đường chạy thuận lợi. Chúng ta đang có một quyết tâm chúng để đưa quan hệ Pháp –Việt Nam ngày càng phát triển hơn nữa. Thứ hai, với tư cách cá nhân tôi cho rằng mình cũng có những hiểu biết nhất định về Việt Nam. Đây là đất nước mà tôi đã quan tâm từ lúc còn rất trẻ. Chính vì vậy tôi có thể tạo điều kiện cho sự phát triển của Pháp và Việt Nam, làm sao tránh được những hiểu lầm trong quan hệ đối tác hai bên.
* Liệu những thế mạnh về mặt cá nhân có phải xuất phát từ việc ông đã học tiếng Việt từ lúc còn nhỏ không?
- Khi còn là cậu học sinh 15 tuổi, tôi đã biết rằng sau khi tốt nghiệp phổ thông, tôi sẽ thi vào trường ngôn ngữ Phương Đông và học tiếng của khu vực này, trong đó có tiếng Việt. Khi đó tôi còn chưa biết sau này tôi sẽ làm nghề gì, nhưng tôi biết chắc chắn đây sẽ là khu vực tôi quan tâm nhất trên thế giới. Và quả thực đó là một trong những yếu tố khiến cho công việc của tôi hiện nay thuận lợi hơn.
* Đâu là nguyên nhân khiến ông quan tâm đến khu vực này từ sớm như vậy?
- Quả thực điều này rất khó giải thích, nó là một điều gì đó sâu thẳm trong con người tôi. Như các bạn đã biết, rất nhiều người Pháp có ấn tượng đối với khu vực Đông Dương và Việt Nam. Ngay như gia đình tôi, bà nội tôi sinh ra ở Đà Nẵng, cụ nội tôi từng là bác sĩ quân y trong thời kỳ chiến tranh ở Việt Nam. Hơn nữa, ngay từ bé tôi đã được nhìn những bức ảnh gia đình mình chụp ở Việt Nam, đứa bé là bà nội tôi được ẵm trong tay bà vú nuôi người Việt. Ngoài ra, tôi chịu ảnh hưởng những thông tin về lịch sử Việt Nam. Tôi sinh năm 1962, thời kỳ đó những tin tức quốc tế mà tôi nhận được có rất nhiều tin tức chiến tranh ở Việt Nam. Nó cũng đã ảnh hưởng đến sự quan tâm của tôi đến khu vực này.
Phở hay Giao thông đều…thú vị!
* Tôi biết ông thích phở bò, có phải không?
- Đúng. Không chỉ thích phở bò. Hôm qua, khi đi dạo phố tôi đã ăn bánh cuốn ở một tiệm ăn nhỏ rất ngon.
Nói đến chuyện món phở, người Pháp cũng có một món ăn rất giống với phở Việt Nam. Tuy nhiên, thay vì cắt ra từng miếng, người ta đưa một miếng thịt lớn vào nồi nước dùng. Dĩ nhiên, hương vị của món ăn này khác phở vì có các gia vị đặc trưng Pháp. Sau khi sống ở TP Hồ Chí Minh từ 2000-2004 (ông là Tổng lãnh sự Pháp trong thời gian này – PV), cách làm món Pháp của tôi cũng đã thay đổi. Tôi đã thêm vào đó các loại hồi quế vào nước dùng, còn thịt thì tôi không để cả tảng lớn như ở Pháp nữa mà lại cắt nhỏ ra theo cách người Việt chuẩn bị cho món phở của mình. Vì vậy có thể nói, món Pháp đó theo cách chuẩn bị của tôi là một sự dung hòa giữa món ăn Pháp và món phở của Việt Nam.
Điều tôi cảm nhận trong món phở Việt Nam là sự cân bằng giữa các nguyên liệu. Bánh phở được làm từ gạo, món ăn nền tảng của người Việt. Đạm thịt không quá nhiều mà vừa đủ cho nhu cầu của cơ thể, chứ không phải cả miếng nửa cân như người phương Tây. Nước dùng tiếp nước, rau ăn cùng thêm chất xơ. Cách chế biến món phở cũng rất tốt cho cơ thể. Nói một cách tổng thể, trong món ăn của người Việt, tính cân bằng rất cao. Đó có lẽ vì sao mà phụ nữ Việt Nam không sợ béo.” (Cười) – Đại sứ Poirier.
* Ông có nói rằng một trong những công việc của đại sứ là đi ra phố và tìm hiểu xem cuộc sống của người dân như thế nào. Ông ấn tượng gì về cuộc sống tại Hà Nội?
- Ở đây có một điều mà tôi rất ấn tượng đó là thông thường người Hà Nội ăn tối từ 6 giờ 30. Nhưng nếu nhìn ra đường phố Hà Nội thì có thể thấy họ ăn suốt đêm, lúc nào cũng thấy quán đông người ăn uống. Nhưng qua một vài đặc điểm có thể cảm nhận được lòng hiếu khách và sự thân thiện của người Hà Nội. Đó là đặc tính mà tôi cảm thấy rất dễ chịu. Cũng rất thú vị nếu có thời gian buổi tối đi dạo qua các con phố, thăm rất nhiều hồ ở Hà Nội. Qua đó cũng thấy rằng người Việt Nam là dân tộc rất cần cù. Lúc nào cũng thấy họ làm việc, vào bất cứ thời gian nào trong ngày, bất kể giờ giấc.
* Lúc nào cũng thấy phụ nữ làm việc phải không ạ?
- Nói đến phụ nữ thì tôi đặc biệt ấn tượng đến việc làm cần mẫn ngày này qua ngày khác một công việc rất khó nhọc, đó là các chị lao công trong đêm. Hà Nội là một thành phố khá bụi bặm. Hơn nữa, người dân vứt rác ra đường rất nhiều. Nhưng đêm nào cũng có những chị lao công cần mẫn quét sạch từng cọng rác, đẩy xe rất nặng. Phần lớn, phụ nữ là những người làm công việc này. Tôi rất ngưỡng mộ họ. Họ làm việc một cách thầm lặng, trong những điều kiện không thuận lợi, trong khi giao thông vẫn diễn ra xung quanh.
* Giao thông ở Hà Nội có gây trở ngại gì cho thói quen dạo phố của ông không?
- Giao thông là vấn đề đặc thù của Hà Nội. Có thể lấy giao thông là một minh chứng cho những mâu thuẫn của người Việt. Một mặt tôi thấy rằng người Việt Nam rất tôn trọng các quy tắc đặt ra như quy tắc trong gia đình, thể chế quyền lực, quan hệ giáo viên học sinh, thủ trưởng nhân viên ở cơ quan. Trong khi đó chính những con người đó vượt đèn đỏ một cách ngang nhiên. Họ vẫn làm như không mặc dù biết rõ là mình sai.
Tôi kể chuyện này cho các bạn nghe, tôi vừa gặp khi đi dạo ở ngoài phố ban tối. Khi vừa đến góc phố thì đèn đỏ bật nhưng tôi vẫn thấy một anh đi xe máy ngang nhiên vượt qua, một tay cầm điện thoại nói chuyện, một tay lái xe. Trong khi đó, những người khác đã bắt đầu đi qua ngã tư và họ va chạm với nhau. Cũng rất may ở Việt Nam giao thông lộn xộn nhưng mọi người lại đi chậm nên ít có chuyện đáng tiếc xảy ra. Nhưng trước mặt họ có một anh công an, anh ấy không có phản ứng gì cả. Đấy là một thí dụ thôi. Nếu kể ra về hoàn cảnh giao thông ở Hà Nội thì có thể đủ tư liệu để viết một cuốn sách!
* Là một người Pháp, ông cảm thấy như thế nào khi sống ở Hà Nội, một nơi chịu ảnh hưởng nhiều từ Pháp, đặc biệt là kiến trúc?
- Đối với cá nhân tôi thì rất là thoải mái. Tôi cảm tưởng như mình đang sống ở nhà. Điều đó không chỉ đơn thuần tôi là một người rất quan tâm đến Việt Nam. Mà khi sống ở đây, tôi cảm thấy một bầu không khí rất Pháp. Thế nên, tôi chẳng nhớ nhà đâu!
* Đại sứ Jean-Noel Poirier từng giữ vị trí Tổng lãnh sự Pháp tại TP Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2000-2004. Trở lại Hà Nội tháng 10-2012, ông bắt đầu vai trò Đại sứ bằng một cuộc ra mắt báo chí đầy ấn tượng khi sử dụng tiếng Việt khá thành thạo với một “lý lịch” cá nhân đậm chất Việt: bà nội sinh ra tại Việt Nam, vợ là Việt kiều, học tiếng Việt khi còn trẻ,…Trong một lần đi công tác ở Đà Lạt, ông đã thuê xe máy tự đi lên đỉnh Langbiang, ăn bún bò Huế ở ven đường. Lần khác, khi một doanh nhân Pháp không ký kết được hợp đồng với đối tác Việt Nam dù đối tác này lúc nào cũng tươi cười vui vẻ, Đại sứ đã giải thích: “người Việt Nam rất tế nhị nên thường không bao giờ từ chối thẳng.” nhưng cũng nhắn nhủ thêm với người Việt Nam rằng sự khéo léo đó không phải lúc nào cũng được đối tác đến từ nền văn hóa khác hiểu đúng.
Trong năm thứ 40 của quan hệ Pháp - Việt 2013, Đại sứ Poirier kỳ vọng sẽ tổ chức được những sự kiện lớn và ấn tượng để “5, 10 năm nữa người ta vẫn còn nhớ và nói về chúng”. Đó sẽ là lễ hội ánh sáng đúng kiểu Pháp tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, các cuộc triển lãm, hội thảo, diễn đàn,…trải rộng trên các lĩnh vực văn hóa, thương mại, kinh tế…