Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye chia sẻ về “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris”

NDO - Quyên Gavoye (tên thật là Phạm Thị Thanh Quyên), sinh năm 1980, chuyên gia di sản, hiện đang sinh sống và làm việc tại thành phố Besançon, Cộng hòa Pháp. Chị tích cực viết sách, các bài nghiên cứu, cộng tác với nhiều tờ báo trong nước. Ngày 5/11 vừa qua, loạt bài “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” của chị đã vinh dự nhận giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII. Chị chia sẻ về công việc hiện nay của mình.
0:00 / 0:00
0:00
Tác giả Quyên Gavoye và bố tại lễ trao giải.
Tác giả Quyên Gavoye và bố tại lễ trao giải.

Phóng viên: Duyên cớ nào đưa chị tìm đến bộ hồ sơ “Nguyễn Tất Thành bí danh Nguyễn Ái Quốc, bí danh Hồ Chí Minh (từ 1911 đến 1955)” hiện đang được lưu giữ tại Cục lưu trữ quốc gia hải ngoại Pháp (ANOM - Archives Nationales d’Outre-Mer)?

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye: Là một người làm trong ngành văn hóa với vai trò là chuyên viên bảo tồn di sản và văn hóa thư viện, tôi có điều kiện tiếp xúc với rất nhiều tài liệu thuộc lĩnh vực này. Vì đặc thù của công việc và xuất xứ của bản thân nên tôi thường xuyên quan tâm đến các tài liệu liên quan Việt Nam.

Bộ hồ sơ “Nguyễn Ái Quốc bí danh Hồ Chí Minh (từ 1911 đến 1955)” là một trong những tài liệu di sản có tính chất lịch sử đang được lưu trữ tại Cục lưu trữ quốc gia hải ngoại của Cộng hòa Pháp là một trong những tài liệu mà tôi tiếp cận khá sớm ngay sau khi vào nghề. Ngay từ đầu tôi đã rất ấn tượng với mức độ đồ sộ, tính chi tiết và sự vẹn toàn của tập tài liệu, và vì thế nên tôi luôn ao ước được khai thác tập hồ sơ một cách hiệu quả nhất. Đó là điều tôi đang làm và sẽ tiếp tục làm.

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye chia sẻ về “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” ảnh 1

Tác giả Quyên Gavoye tại lễ trao giải.

Phóng viên: Bộ hồ sơ đồ sộ với dung lượng hơn 9.000 trang, vậy tiêu chí để chị lựa chọn vấn đề để truyền tải tới độc giả trong loạt bài dài kỳ đăng tải trên báo?

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye: Tôi đã dành rất nhiều năm để đọc các trang tài liệu. Hồ sơ lịch sử ẩn chứa rất nhiều chi tiết và những kiến thức xã hội, lịch sử, thậm chí cả những yếu tố cá nhân của các nhân vật được đề cập đến trong hồ sơ nên dù tập hồ sơ được sắp xếp theo trật tự logic thời gian của các tài liệu nhưng để khai thác được đầy đủ những yếu tố nêu ra trong mỗi tài liệu một cách logic và chuẩn xác thì cần có một sự tìm tòi rất nhiều những tài liệu khác liên quan giúp gắn kết và hiểu đúng một số chi tiết dù là nhỏ nhặt nhưng vẫn có giá trị lịch sử rất cao.

Những tài liệu mà tôi đang giới thiệu và tiếp tục giới thiệu mới chỉ là một phần của tập hồ sơ. Mục tiêu sắp tới của tôi là sẽ tiếp tục khai thác và giới thiệu tất cả các trang tài liệu một cách đầy đủ và hấp dẫn nhất bởi đây không chỉ là tài liệu lịch sử của dân tộc mà còn có cả tình yêu mà tôi dành cho quê hương.

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye chia sẻ về “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” ảnh 2

Chân dung Nguyễn Ái Quốc (trái) và một số nhà hoạt động cách mạng Việt Nam được mật thám Pháp đặt tên là “Nhóm Ngũ long” và lập hồ sơ theo dõi.

Phóng viên: Điều khiến chị bất ngờ khi tiếp cận bộ hồ sơ tư liệu đặc biệt này?

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye: Rất nhiều. Có rất nhiều những chi tiết mà nếu chỉ đọc một cách khách quan chúng ta sẽ khó có thể hiểu hết tại sao lại như thế. Đó chính là lý do của rất nhiều những hiểu lầm và có thể trở thành những chi tiết mà để dễ dàng xuyên tạc lịch sử. Chỉ khi tìm hiểu sâu hơn trong những tài liệu bên ngoài tập hồ sơ, tôi đã hiểu ra rất nhiều điều. Đó chính là những bất ngờ của người khai thác tài liệu lịch sử.

Ngoài ra, sự chi tiết và sự toàn vẹn (gần như đầy đủ của tập hồ sơ) cũng khiến tôi ngạc nhiên bởi tài liệu lịch sử thường có sự thất lạc rất nhiều vậy mà riêng tập hồ sơ về Nguyễn Ái Quốc còn lưu giữ được rất nhiều.

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye chia sẻ về “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” ảnh 3

Giấy tờ tùy thân của Nguyễn Ái Quốc được lưu trữ tại Pháp.

Phóng viên: Chị có thể chia sẻ về công việc hiện này của mình?

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye: Hiện tôi là một chuyên viên di sản (Assistant de conservation du patrimoine et des bibliothèques - Chuyên viên bảo tồn di sản và văn hóa thư viện) với công việc chính là văn hóa trẻ. Ngoài việc của chuyên viên văn hóa thư viện, tôi còn tham gia rất nhiều vào những dự án quảng bá văn hóa đọc và văn hóa xã hội tới giới trẻ tại Pháp. Đây là một công việc rất thú vị bởi nó cho phép tôi có thêm cái nhìn rộng hơn để từ đó định hướng được làm thế nào giúp giới trẻ bây giờ có niềm đam mê hơn dành cho những kiến thức lịch sử.

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye chia sẻ về “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” ảnh 4

Ba trang viết tay “Bản Yêu sách của nhân dân An Nam” lưu trữ tại Pháp.

Phóng viên: Dõi theo các hoạt động của chị, có thể thấy không chỉ là yêu cầu công việc mà ở góc độ cá nhân chị luôn dành mối quan tâm đặc biệt đến lịch sử và di sản?

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye: Vâng, ngoài yếu tố công việc thì đây còn là niềm đam mê của cá nhân bởi không ai có thể tồn tại mà không có một quá khứ. Quá khứ đó chính là động lực giúp chúng ta nhìn nhận và định hướng cho cuộc sống tương lai.

Là một người có may mắn được đi nhiều và tham gia nhiều những hoạt động văn hóa xã hội, tôi rất quan tâm đến những yếu tố văn hóa và lịch sử của những vùng đất nơi mình đặt chân để có thể sống hòa mình với con người và mảnh đất nơi đó. Từ suy nghĩ thiết thực về cuộc sống như vậy nên tôi rất tích cực truyền tải đến mọi người ngay khi có thể những câu chuyện lịch sử, văn hóa để chúng ta cùng nhau chia sẻ và phát triển.

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye chia sẻ về “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” ảnh 5

Phòng lưu trữ hồ sơ tại ANOM.

Phóng viên: Là một người Việt đam mê lịch sử, văn hóa dân tộc, tuy nhiên việc sống xa Tổ quốc có khiến chị gặp nhiều khó khăn trong việc theo đuổi đam mê của mình?

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye: Thực ra tôi luôn tìm cách biến những khó khăn thành điểm mạnh để khai thác nên việc sống xa tổ quốc thì ngoài sự nhớ nhung quê hương, tôi không có nhiều khó khăn. Ngược lại đó là cơ hội để tôi góp phần vào việc bảo tồn văn hóa dân tộc bằng việc tìm kiếm những tài liệu của dân tộc được bảo lưu ở nước ngoài hay việc phản ánh những hoạt động của người Việt tại hải ngoại để lưu giữ văn hóa dân tộc.

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye chia sẻ về “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” ảnh 6

Một bức thư viết tay của Bác được mật thám Pháp lưu trữ.

Phóng viên: Không ít người lo ngại về nguy cơ phai nhạt bản sắc dân tộc ở những người Việt sống ở nước ngoài, nhất là các thế hệ F1,… Chị nghĩ gì về điều này?

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye: Đó cũng là mối lo của tôi hiện nay. Một ngày nào đó, các con của tôi, những đứa trẻ sinh ra và lớn lên bên ngoài lãnh thổ Việt Nam có còn nhớ và biết đến văn hóa quê hương? Vì thế theo tôi ngoài sự chú ý gìn giữ văn hóa của những cá nhân thế hệ F1,… thì sự quan tâm và năng động của các đại sứ quán, những người đại diện của Chính phủ ở nước ngoài cũng góp phần rất quan trọng vào việc truyền bá hình ảnh của dân tộc. Những hoạt động thường xuyên, liên tục và ưu tiên cho giới trẻ sẽ là giải pháp hiệu quả giúp giữ gìn bản sắc dân tộc ở ngoài biên giới.

Phóng viên: Chuyến trở về Việt Nam vừa qua để dự lễ trao Giải thưởng toàn quốc về thông tin đối ngoại lần thứ VIII, chị có chia sẻ rằng là một bất ngờ, một niềm tự hào của cá nhân. Giải thưởng này có ý nghĩa như thế nào với chị?

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye: Giải thưởng lần này giúp tôi có thêm sự tự tin để tiếp tục cống hiến cho quê hương.

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye chia sẻ về “100 năm lật lại hồ sơ Nguyễn Ái Quốc ở Paris” ảnh 7

Một bài báo của Nguyễn Ái Quốc trên báo Nhân Đạo số ra ngày 2/8/1919.

Phóng viên: Chị tâm sự rằng: “Như đàn chim thiên di, những đứa con lưu hương trở về quê mẹ, tôi là một trong những đứa con thiên di hồi hương”. Chị nghĩ thế nào về xu thế hồi hương đang có chiều hướng gia tăng trong cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài?

Nhà nghiên cứu Quyên Gavoye: Đó là một xu thế chung và chưa bao giờ phai giảm bởi đất nước thì có nhiều nhưng quê hương thì chỉ duy nhất vậy nên dù đi xa đến đâu thì nơi duy nhất mà chúng ta muốn trở về vẫn là quê hương. Đối với những người Việt Nam sống ở nước ngoài như chúng tôi thì Việt Nam luôn là nơi để chúng tôi trở về. Nhất là bây giờ giao thông ngày càng thuận lợi. Có rất nhiều Việt kiều chọn trở về vì ngoài yếu tố hồi hương thì họ cũng hiểu rằng Việt Nam đang là thị trường phát triển kinh tế nhiều tiềm năng bởi xã hội Việt Nam ổn định, đồng đều và đặc biệt nhân công có kiến thức chuyên ngành tương đối cao. Ngoài ra thì những chính sách đơn giản hóa các thủ tục xuất nhập cảnh, tôi lấy thí dụ việc miễn thị thực cho một số nước, cũng là yếu tố quan trọng giúp sự hồi hương của các Việt kiều ngày một dễ dàng.

Phóng viên: Xin cảm ơn chị về cuộc trò chuyện!