Ðường lối cách mạng của Đảng, tư tưởng nhân ái Hồ Chí Minh là nguồn gốc của chiến thắng (*)

Tháng 4-1999, tại bang Texas - Hoa Kỳ đã diễn ra "Cuộc Hội thảo khoa học lần thứ 3 về chiến tranh Việt Nam". Một trong hai quan chức về phía Mỹ ngồi ghế Chủ trì Hội thảo là ngài Elmoro Zumwalt, nguyên là Ðô đốc Tư lệnh Hải quân Mỹ trong chiến tranh Việt Nam.  Chính ông ta đã ra lệnh rải chất độc hóa học xuống miền nam Việt Nam để rồi chính con trai ông ta, một đại úy Hải quân rất hiếu chiến khi đi "tìm diệt Việt cộng" đã nhiễm chất độc dioxin. Từ đó ngài Ðô đốc vẫn đau đáu về "sự quả báo" từ chất độc mầu da cam. Bởi vậy, không chỉ cả nước Mỹ và ngay bản thân ông, nỗi ám ảnh về chiến tranh Việt Nam nó sâu đậm và vô cùng day dứt - một cường quốc khổng lồ, giàu nhất thế giới mà chịu thua một dân tộc nhỏ bé, nền kinh tế nghèo nàn lạc hậu cũng vào bậc nhất thế giới thì thật là khó hiểu. Người Mỹ đã, đang và sẽ tìm từ nhiều hướng, nhiều cách để cố lý giải sự thật chua cay đó; mà những cuộc hội thảo cởi mở như ở Texas là một trong nhiều phương cách đó.

Ðối với riêng tôi, từ lâu tôi đã rất tâm huyết với công việc "Tổng kết chiến tranh", bởi vậy ở cuối  nhiệm kỳ Ðại hội Ðảng VI tôi đề nghị với Bộ Chính trị cho tôi nghỉ công tác quản lý để tập trung tâm sức cho việc tổng kết. Vì tôi cho rằng làm được việc này một cách đầy đủ, thấu đáo có ngọn có ngành thì nó có ý nghĩa rất to lớn. Trước hết nó sẽ lý giải được một cách thuyết phục là vì sao ta, một nước nhỏ, nghèo, nền kinh tế lạc  hậu  mà  lại thắng được hai đế quốc to là thực dân Pháp và nhất là đế quốc Mỹ, quốc gia giàu mạnh nhất thế giới, ở thế kỷ 20 nó mạnh quá, đến Liên Xô cũng ngại, còn Trung Quốc với một triệu Chí nguyện quân cùng với Triều Tiên cố gắng như vậy mà cũng chỉ được phần nửa đất nước. Nếu không lý giải được ngọn ngành thì các thế hệ sau này sẽ không tin chuyện ta đánh thắng Mỹ và cho đây là huyền thoại, thế hệ chúng ta là thần thánh ma quỷ chứ không phải người bình thường, người bình thường thì không thể thắng được đế quốc Hoa Kỳ. Như vậy sẽ đánh mất lòng tự tin vào chính mình, dân tộc mình và sẽ luôn mang tư tưởng sợ Mỹ, đề cao Mỹ. Hai là, nếu ta tổng kết một cách khoa học và nghiêm túc thì sẽ có ích cho công cuộc giữ nước hôm nay và mai sau. Ðiều này cần lắm vì Việt Nam ta nằm ở một vị trí địa chiến lược rất quan trọng của khu vực Ðông - Nam Á.

Hôm nay, chúng ta trân trọng kỷ niệm 30 năm Ðại thắng mùa Xuân 1975. Ðộ lùi lịch sử cho phép chúng ta nghiên cứu, phân tích, đánh giá cuộc chiến tranh giải phóng vĩ đại của dân tộc ta đủ hơn, khách quan và khoa học hơn.

Cuộc chiến tranh chống Mỹ có 3 thời điểm quan trọng, đó là: Việc ra đời Nghị quyết 15 Trung ương; cuộc Tổng tiến công Mậu Thân 1968 và giai đoạn đánh bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" tiến tới Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975.

Có thể nói, nỗi đau lớn nhất của cách mạng Việt Nam là ngay sau Hiệp định Geneva 1954, đồng bào miền nam thì tay không đấu tranh đòi thi hành hiệp định, còn đế quốc Mỹ và chính quyền tay sai Ngô Ðình Diệm thì dùng bạo lực thực hiện một đại chiến dịch đàn áp dã man, kể cả những người muốn "Tổng tuyển cử" thi hành đúng hiệp định, bản hiệp định mà những nội dung quan trọng nhất đã có sự dàn xếp của các nước lớn. Chúng bắn giết và tìm mọi cách khuất phục những người yêu nước, chống xâm lược của ngoại bang, quyết dìm cuộc đấu tranh chính nghĩa của đồng bào miền nam trong bể máu (1). Thực chất đây là cuộc chiến tranh xâm lược một phía nhằm chiếm miền nam làm bàn đạp xâm lược cả nước ta. Quần chúng không còn con đường nào khác hơn là phải vùng lên, sống chết với Mỹ - Diệm. Tình thế cách mạng cho các cuộc khởi nghĩa từng phần đã chín muồi (2).

Trong bối cảnh đó, "Ðề cương cách mạng miền nam" của Xứ ủy Nam Bộ đã ra đời. Tiếp đó, tháng 1-1959, Ðảng ta ra Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 15.

Nhưng chúng ta còn nhớ, khi chưa có Nghị quyết 15, ở trong nước thì ngay trong lãnh đạo Trung ương có những ý kiến chưa thật đồng nhất; còn quốc tế thì cả hai người "bạn lớn" của ta đều không muốn ta phát động đấu tranh vũ trang, vì vậy lúc đầu họ không giúp ta súng, pháo lớn và vũ khí tiến công thông thường cho miền nam. Có thể nói, đây là một trong những thời kỳ phức tạp nhất về chính trị đối với việc hoạch định đường lối, chỉ đạo cách mạng. Những lời khuyên, những ý kiến của Liên Xô, Trung Quốc và bè bạn gần xa dù ở khía cạnh, quan điểm nào, Ðảng và Bác Hồ cũng đều phải suy nghĩ, nghiên cứu nghiêm túc, tính toán thận trọng khi xác định đường lối cách mạng của mình, vừa giữ vững độc lập tự chủ, vừa tranh thủ được sự đồng tình, ủng hộ của các nước anh em đối với sự nghiệp cách mạng của nhân dân ta. Nghị quyết 15 của Trung ương ra đời trong hoàn cảnh khó khăn và phức tạp như vậy chứng tỏ kinh nghiệm dày dạn và trưởng thành vượt bậc của Ðảng ta cả về lý luận và thực tiễn, cả về đường lối và phương pháp cách mạng. Nó thể hiện rõ đường lối độc lập, tự chủ và sách lược mềm dẻo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, phù hợp với tình hình quốc tế và trong nội bộ lãnh đạo của ta lúc bấy giờ, đáp ứng được nguyện vọng bức thiết của cán bộ, đảng viên và quảng đại quần chúng nhân dân ở miền nam. Nghị quyết 15 thật sự là một nghị quyết về "Chuyển chiến lược" - Từ đấu tranh chính trị đơn thuần sang đấu tranh chính trị kết hợp với đấu tranh vũ trang, dùng bạo lực cách mạng để chống lại bạo lực phản cách mạng tàn bạo của kẻ địch, vận dụng và phát huy phương pháp cách mạng của cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám 1945 trong hoàn cảnh mới. Nghị quyết 15 đã cắm mốc lịch sử vô cùng quan trọng của cách mạng Việt Nam, nó phù hợp với tình hình thực tế nên đã tạo bước tiến nhảy vọt cho phong trào cách mạng miền nam.

"Nghị quyết 15 của Trung ương khóa II là sản phẩm trí tuệ của toàn Ðảng, của tập thể Ban Chấp hành Trung ương Ðảng và Bộ Chính trị khóa II, Xuất phát từ những định hướng chiến lược đầu tiên của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ tháng 7-1954 khi hòa bình vừa mới lập lại trên một nửa đất nước, có sự trực tiếp chỉ đạo công phu của đồng chí Lê Duẩn, Quyền Tổng Bí thư lúc bấy giờ, cùng một số đồng chí trong Bộ Chính trị và trong Trung ương. Nghị quyết phản ánh đúng nguyện vọng của đồng bào, đồng chí ở miền nam nước ta lúc đó" (3).

Ở trong miền nam bắt đầu nổ ra các trận đánh đầu tiên, trong đó đặc biệt là trận đánh Tua Hai đêm 26-1-1960. Các cuộc nổi dậy phá ấp chiến lược, trở về quê cũ, nhất là cuộc khởi nghĩa Trà Bồng (Quảng Ngãi) tiến tới cuộc "Ðồng khởi" của Bến Tre, rồi phong trào nhanh chóng phát triển khắp miền nam. Ngay sau đó, lực lượng vũ trang ba thứ quân và lực lượng chính trị được xây dựng và phát triển rộng khắp trên cả ba vùng chiến lược của miền nam, cùng lúc với sự chi viện sức người sức  của từ hậu phương lớn miền bắc đã nhanh chóng làm thay đổi cục diện của cuộc chiến tranh. Từ đấu lý đơn phương và bị động "chịu đòn", chúng ta chuyển sang chủ động tiến công. Các chiến dịch Bình Giã và Ðồng Xoài của Nam Bộ, An Lão của Khu 5, Hoài Ðức - Bắc Ruộng của Khu 6 và hàng loạt trận đánh nhổ đồn bốt, diệt ác trừ gian, phá ấp chiến lược, xây dựng làng xã chiến đấu kết hợp với phong trào đấu tranh chính trị của các tầng lớp nhân dân đô thị và vùng tạm chiếm đã làm phá sản hoàn toàn chiến lược "Chiến tranh đặc biệt".

Ðế quốc Mỹ buộc phải chuyển sang chiến lược "chiến tranh cục bộ" trong tình thế bị động đối phó, đưa quân viễn chinh Mỹ ồ ạt vào miền nam Việt Nam, cùng với đội quân của một số nước chư hầu và lực lượng quân ngụy Sài Gòn cùng với một khối lượng vũ khí và phương tiện chiến tranh chưa từng có với kỹ nghệ hiện đại tối tân; chúng quyết liệt và táo bạo mở liên tục các cuộc hành quân với hai gọng kìm "tìm diệt" và "bình định" hòng giải quyết chiến tranh trong một thời gian ngắn.

Nhưng, dưới sự lãnh đạo của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh với đường lối chiến tranh nhân dân vô địch, quân và dân ta đã đánh bại cả hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967 của chúng ở miền nam, đồng thời đánh bại một bước chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ trên miền bắc.

Ðến nửa cuối 1967, một mặt Mỹ tiếp tục tăng quân và phương tiện chiến tranh để toan tính một cuộc phản công lần thứ ba với số quân 120 vạn, trong đó có 50 vạn quân chiến đấu Mỹ, một mặt chúng bắt đầu lộ rõ sự dao động và lúng túng.

Giữa lúc đế quốc Mỹ đang ở thế ngập ngừng về chiến lược, giới cầm quyền Mỹ có dấu hiệu dao động rõ  và đúng thời điểm rất nhạy cảm của năm bầu cử Tổng thống Mỹ, lãnh đạo Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã quyết định giáng một đòn bất ngờ thật mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ, bằng cách chọn hướng chiến lược hiểm và dùng cách đánh mới, tạo ra một bước ngoặt lớn làm thay đổi cục diện chiến tranh.

Quân và dân miền nam đã nhằm đúng vào đêm giao thừa của Tết Nguyên đán đồng loạt tiến công và nổi dậy trên toàn miền, đánh vào hầu hết các đô thị, các bộ tư lệnh quân đoàn và sư đoàn địch, 30 sân bay và gần 100 cơ sở hậu cần của chúng.

Trong đó có những trận đánh đã gây chấn động lớn trong giới cầm quyền Mỹ và có tiếng vang mạnh mẽ trên thế giới như trận đánh vào tòa Ðại sứ Mỹ, vào Dinh Tổng thống ngụy, Bộ tổng Tham mưu, Ðài phát thanh Sài Gòn, 25 ngày làm chủ thành phố Huế...

Chúng ta đã ra những đòn sấm sét ngay trong lúc mà lực lượng Mỹ - ngụy và chư hầu còn đông trên 1 triệu 20 vạn tên, nắm trong tay những phương tiện chiến tranh hiện đại và khổng lồ (4), đứng chân trong những căn cứ được phòng thủ chặt chẽ, chúng ta đã đánh vào tận hang ổ của chúng và đã giành thắng lợi chưa từng có.

Ðòn tiến công Mậu Thân - 1968 đã gây kinh hoàng cho cả nước Mỹ. Khắp các bang của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ rộ lên những cuộc biểu tình chống chiến tranh. Nhiều người trong chính giới Mỹ đòi xét lại chính sách của Mỹ với cuộc chiến này. Nội bộ các cố vấn thân cận của Tổng thống Mỹ diễn ra sự chia rẽ gay gắt. Tướng Westmoreland, Tổng chỉ huy quân Mỹ ở nam Việt Nam bị cách chức, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mc Namara thôi việc. Ngày 25 và 26-3-1968, Tổng thống Johnson và Bộ trưởng Quốc phòng Clipford phải triệu tập một cuộc họp gọi là "những người am hiểu và khôn ngoan nhất", mà thực chất là 14 quan chức cấp cao "diều hâu nhất trong phái diều hâu". Sau ba ngày tranh cãi, 10/14. (5) vị đã tán đồng chấm dứt leo thang chiến tranh và có biện pháp rút lui ra khỏi cuộc chiến. Và, ngày 31-3-1968, Johnson buộc phải tuyên bố ngừng ném bom miền bắc Việt Nam từ vĩ tuyến 20 trở ra, chấp nhận ngồi vào bàn hội nghị đàm phán song phương với ta tại Paris và tuyên bố không ra tranh cử Tổng thống nhiệm kỳ thứ 2.

Ðây là sự công khai thừa nhận chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Mỹ đã phá sản, ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ hiếu chiến đã thật sự bị lung lay. Chiến lược "Chiến tranh cục bộ" của Hoa Kỳ là chiến lược quan trọng nhất, có tính quyết định nhất trong toàn bộ cuộc chiến tranh đã thất bại và đi vào một bước ngoặt đi xuống. Tuy chúng ta có khuyết điểm là sau đợt hai đã chậm chuyển hướng tiến công về vùng nông thôn nên tổn thất; nhưng thất bại của đế quốc Mỹ trong chiến tranh cục bộ đã không thể nào cứu vãn được.

Với tầm nhìn xa trông rộng, từ lâu Chủ tịch Hồ Chí Minh và Bộ Chính trị đã nhận thấy rằng ta không đủ sức để đánh bại cùng một lúc cả Mỹ và ngụy để giành thắng lợi hoàn toàn, nên đã chủ trương đánh cho "Mỹ cút" rồi tiến tới đánh cho "ngụy nhào", chứ cứ nói "đánh tiêu diệt" là không đúng ý của Chủ tịch Hồ Chí Minh, của Ðảng, và cũng không thể thực hiện được.

Và, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt Tết Mậu Thân cùng những cú "đánh bồi" (đợt 2...) tiếp theo đó, đã thật sự tạo nên một đòn đánh "đủ đô", đủ sức nặng làm nhụt ý chí của đế quốc Mỹ, tạo ra bước ngoặt mới về chiến lược của cuộc chiến tranh, buộc chúng phải xuống thang, ngồi vào bàn đàm phán để dẫn tới ký kết Hiệp định Paris năm 1973, thừa nhận "Ðộc lập, chủ quyền, và toàn vẹn lãnh thổ của Việt Nam", rút hết quân Mỹ và không điều kiện ra khỏi nam Việt Nam.

Nhưng ngay sau Hiệp định Paris, Mỹ-ngụy đánh khá quyết liệt vào các vùng giải phóng. Nhiều nơi ta mất đất, mất dân. Từ chỗ "tìm diệt và bình định", chúng chuyển sang "bình định" - chủ yếu là giành dân, xây dựng ngụy quân, ngụy quyền. Trước đó nó đã đánh, và nhất là sau khi ký Hiệp định, nó đánh mạnh và nó tưởng rằng nó đã thành công chiến lược Việt Nam hóa và quân ngụy dư sức đánh với ta. Do đó Mỹ ký rồi thì yên tâm mà rút. Thêm sự kiện trận Rạch Bắp ta dùng một trung đoàn bộ binh chủ lực được tăng cường xe tăng và pháo để đánh một đại đội mà đánh không thành công, làm cho Mỹ-ngụy càng chủ quan.

Khi Bộ chỉ huy B2 chúng tôi có kế hoạch quân sự mùa khô rồi thì hai anh Phạm Hùng, Bí thư Trung ương Cục và Trần Văn Trà, Tư lệnh B2 mới ra Trung ương họp. Trong khi ngoài đó đang họp thì trong này quân ta giải phóng Phước Long. Có thể nói, chiến thắng Ðường 14 - Phước Long và núi Bà Ðen đối với Mặt trận B2 đã tạo ra một địa bàn chiến lược quan trọng, uy hiếp trực tiếp hệ thống phòng thủ của địch trên hướng bắc Sài Gòn, làm thay đổi đáng kể tương quan về thế trận trên chiến trường Ðông Nam Bộ có lợi cho ta. Ðối với Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương, Trung ương Ðảng thì chiến thắng Ðồng Xoài - Ðường 14 - Phước Long có ý nghĩa là "Trận trinh sát chiến lược" thăm dò khả năng quân ngụy và sự can thiệp của Mỹ. Ta đánh thắng trận này trong một tình thế mới - tình thế quân ngụy thua đau mà quân Mỹ không dám quay trở lại. Và trận thắng Ðồng Xoài - Phước Long đã thật sự trở thành cơ sở đáng tin cậy để Trung ương hạ quyết tâm giải phóng miền nam trong hai năm 1975 - 1976 khi thời cơ lớn đã thật sự mở ra.

Thực tế sau khi đánh được Phước Long, Bộ chỉ huy Miền chúng tôi đã làm kế hoạch tiến công giải phóng Sài Gòn. Cả Trung ương Cục và Bộ chỉ huy Miền gần như thống nhất là sẽ tiến công giải phóng Sài Gòn vào tháng Tư vì sang tháng 5 đã vào đầu mùa mưa, việc cơ động của ta, nhất là tăng, pháo và cơ giới sẽ khó khăn.

Cùng với việc soạn thảo kế hoạch là xây dựng "Quyết tâm chiến đấu", sơ đồ đã phác ra năm hướng tiến công vào sào huyệt cuối cùng của quân thù. Bởi vậy khi hai anh Lê Ðức Thọ và Văn Tiến Dũng được Bộ Chính trị cử vào, các anh xem và nói "Kế hoạch làm tốt, nhưng phải thêm quân". Và các anh cũng thấy nơi khó nhất là hướng Tây - Tây Nam vì sình lầy nhưng đây là một hướng tiến công rất quan trọng vì nhất định ta phải nhanh chóng chia cắt quân địch trên tuyến quốc lộ số 4 để quân địch ở Sài Gòn không thể co cụm xuống cố thủ ở Tây Ðô (Cần Thơ); và ngược lại, nếu ta chia cắt lộ 4 thì Quân đoàn 4 và quân ngụy ở vùng đồng bằng sông Cửu Long sẽ không thể kéo về ứng cứu cho Sài Gòn. Tôi và anh Hai Tưởng được đảm trách cánh quân tiến công trên hướng Tây - Tây Nam. Một trong năm hướng tiến công của trận quyết chiến cuối cùng, được mang tên Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử.

Trên hướng Tây - Tây Nam mà tôi được đảm nhiệm, sau khi đã chia cắt được lộ 4, mở tuyến sông Vàm Cỏ, đánh chiếm Hậu Nghĩa và các vị trí phòng thủ, một mũi tiến công ra Bộ Tư lệnh Hải quân thì quân ngụy cũng chạy hết rồi, dân ta đã vào đó, khi bộ đội Giải phóng tiến vào thì tiếp thu và quản lý. Ðặc biệt là ở Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát, Cảnh sát Ðô thành và Khu lưu trữ ở bến Bạch Ðằng, khi quân ta tiến vào, quân địch bỏ chạy và đầu hàng (trong số hàng có tướng Lâm Văn Phát, Tư lệnh Biệt khu Thủ đô) lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị tại chỗ đã cùng bộ đội chủ lực giải quyết sớm và quản lý được hết các kho tài liệu cơ mật, sau đó giao cho Công an. Với các nước khác, khi thua trận, nó chạy thì nó hủy tài liệu. Còn ở ta nó không kịp hủy. Ưu điểm là ta thu được hết, nhưng thiếu sót là chưa tập trung khai thác được nhiều.

Cái gì đúng, hay thì ta nói đúng, hay; cái gì dở là thiếu sót, khuyết điểm. Những cái ta đã nói, đã viết cơ bản là đúng nhưng chưa đúng tuyệt đối như sự thật đã diễn ra, càng chưa đủ. Ðã 30 năm, độ lùi lịch sử cho phép chúng ta phân tích kỹ càng hơn, nhìn nhận đánh giá thấu đáo hơn.

Chẳng hạn, khi ta có Phước Long thì đâu đâu và lúc nào cũng chỉ thấy nói đến Chiến thắng Phước Long là không đủ. Mà phải thấy các trận đánh chiếm núi Bà Ðen và thực hiện đánh nghi binh để kéo Sư đoàn 25 ngụy lên Tây Ninh, tạo điều kiện cho vùng ven đô và ven lộ 4 phát triển lực lượng, nói thế mới đủ. Cũng chính vì Sư đoàn 25 đã bị căng kéo lo giữ Tây Ninh và Hậu Nghĩa nên hướng của Quân đoàn 3 tiến công giải quyết cứ điểm Ðồng Dù cũng gặp thuận lợi. Tới sân bay Tân Sơn Nhất đặc công ta đã mở cửa, cùng lúc máy bay A37 của Phi đội Quyết thắng do Nguyễn Thành Trung dẫn đầu ném bom, sân bay tê liệt và quân địch hoảng loạn. Lúc đó quân đoàn 1 tiến công từ hướng Lái Thiêu vào nội đô.

Thực tế diễn ra ở những ngày tháng Tư - 1975 cho thấy, ở các hướng tiến công khác, quân địch cũng có chống cự nhưng không cản được quân ta. Các đơn vị của ta thực hành "đánh trong hành tiến", còn quân địch hầu hết là hoang mang trong thế "vỡ trận và đầu hàng, tan rã". Có thể nói chỗ rắn nhất và cũng là tuyến phòng thủ quan trọng nhất, nơi gay go, ác liệt nhất là Xuân Lộc - Long Khánh. Nhưng, thực tế cũng đã cho thấy, sau những ngày chiến đấu quyết liệt, dũng mãnh, hy sinh to lớn của bộ đội thuộc Quân đoàn 4 và Quân khu 7, Trung đoàn 95B và các lực lượng vũ trang địa phương Biên Hòa, Bà Rịa, Long Khánh, dưới sự chỉ huy và quyết tâm rất cao của hai anh Trần Văn Trà và Hoàng Cầm thì vị trí "Cánh cửa thép Xuân Lộc - Long Khánh" đã được giải quyết một cách cơ bản. Cán bộ, chiến sĩ Quân đoàn 2 từ xa đã nhanh chóng thọc sâu vào nội đô là một công lớn, nhưng phải thấy rõ là khi Quân đoàn 4 và các lực lượng ở Ðồng Nai đã chiếm và làm chủ từ ngã ba Dầu Giây, đánh chiếm sở chỉ huy Quân đoàn 3 ngụy ở Biên Hòa và tổng kho Long Bình, đã đánh chiếm sân bay Biên Hòa, rồi mở được cầu Biên Hòa là đã hoàn thành cơ bản, đã mở rộng đường tiến vào Sài Gòn. Từ cầu Biên Hòa tiến vào nội đô Sài Gòn, lực lượng đặc công của quân đoàn và biệt động thành đã đánh chiếm và giữ các cây cầu quan trọng, sức đề kháng của quân địch rất yếu ớt. Cho nên mũi thọc sâu của Quân đoàn 2 đã xộc thẳng được vào tận Dinh Ðộc Lập. Bởi vậy, nếu nói tới Chiến thắng 30 tháng Tư mà chỉ nói nhiều đến đơn vị xe tăng của Quân đoàn 2 tiến vào Dinh Ðộc Lập thôi thì không đủ; mà phải thấy rõ cả 5  cánh quân từ năm hướng phối hợp với lực lượng vũ trang và chính trị trong nội đô, tiến công đồng loạt vào sào huyệt cuối cùng của quân địch với một quyết tâm và nỗ lực rất cao, trong đó kết quả tác chiến của đơn vị này đã mở ra điều kiện thuận lợi, thậm chí rất thuận lợi cho đơn vị kia.

Lại nữa, nếu nói tới Chiến thắng 30-4-1975  mà chỉ nói về 5 cánh quân 5 hướng tiến công, tức là chỉ nói về các "quả đấm chủ lực" thì không đầy đủ. Phải thấy rõ đây thật sự là cuộc "Tổng tiến công và nổi dậy", trong đó "quả đấm chủ lực" với những binh đoàn cơ động là lực lượng nòng cốt của đấu tranh quân sự, với những đòn điểm huyệt đã đánh trúng, đánh hay, đánh hiểm ở những trận then chốt và then chốt quyết định, chọc thủng và làm vỡ tuyến phòng thủ chiến lược của địch, khiến quân địch nhanh chóng lâm vào thế bị động, lúng túng rồi vỡ trận về quân sự, hoảng loạn về tinh thần. Nhưng để giải quyết đồng loạt, rộng khắp, kịp thời làm cho cả bộ máy ngụy quyền và đội ngũ ngụy quân 1,1 triệu tên với trang bị hiện đại, được viện trợ mạnh của đế quốc Mỹ tan rã, thì phải thấy rõ vai trò tiến công và nổi dậy của lực lượng tại chỗ, của lực lượng chính trị quần chúng, trong đó có cả lực lượng của những người bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ của địch, cơ sở cách mạng trong hàng ngũ địch. "Quả đấm chủ lực" tạo điều kiện cho lực lượng quân sự, chính trị bên trong, và ngược lại, lực lượng bên trong đã tạo điều kiện cho các mũi tiến công của chủ lực cơ động.

Phải thấy rõ vai trò lãnh đạo nhạy bén, kịp thời, thống nhất của các Khu ủy, Tỉnh ủy và Ðảng ủy các cấp cơ sở trong những ngày Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Quân và dân tất cả các quân khu đã ở tư thế sẵn sàng, chuẩn bị đầy đủ nên đã chủ động tiến công và nổi dậy, thực hiện giải phóng hoàn toàn địa bàn của Quân khu, trong đó cần thấy rõ hai người giữ trọng trách hàng đầu là Bí thư Khu ủy và Tư lệnh Quân khu: Khu 5 - Bí thư là Võ Chí Công, Tư lệnh là Chu Huy Mân. Khu 6 - Bí thư là Trần Lê, Tư lệnh là Nguyễn Trọng Xuyên. Khu 7 - Bí thư là Năm Chữ, Tư lệnh là Lê Văn Ngọc. Khu 8 - Bí thư là Huỳnh Châu Sổ, Tư lệnh là Lê Quốc Sản. Khu 9 - Bí thư là Vũ Ðình Liệu, Tư lệnh là Lê Ngọc Hưng; Bí thư Khu ủy kiêm Tư lệnh Quân khu Trị Thiên là Lê Tự Ðồng; Khu Sài Gòn - Gia Ðịnh Bí thư là Mai Chí Thọ, Tư lệnh là Trần Hải Phụng.

Toàn bộ cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975 đã toát lên một điều là Ðường lối chiến tranh nhân dân của Ðảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã thấm sâu vào quần chúng, kể cả quần chúng bị bắt buộc vào trong hàng ngũ địch, đây là thời cơ nó bộc lộ ra, vô cùng sinh động, mạnh mẽ và hiệu quả hơn bao giờ hết.

Trong suốt hai cuộc kháng chiến giải phóng dân tộc, phong trào đấu tranh của quần chúng đã phát triển thành ba lực lượng: Lực lượng vũ trang cách mạng; lực lượng chính trị quần chúng; lực lượng quần chúng bị bắt buộc. Tôi thấy ở vùng tạm chiếm miền nam, làng quê khu phố, dòng họ nào cũng có ba lực lượng đó. Có thể nói cả ba lực lượng này nó thuần hóa với nhau, nó chuyển hóa vào từng con người một. Nhưng, chỉ có sự lãnh đạo tài tình sáng suốt và đầy tính nhân văn của Ðảng ta, khi thời cơ cách mạng nó đã hiện ra, thì cả ba lực lượng này mới bộc lộ ra, phát huy sức mạnh, cộng hưởng, tạo nên cuộc Tổng tiến công và nổi dậy đúng cả nghĩa đen và nghĩa bóng của từ này, và đã làm đúng, làm có hiệu quả tinh thần chỉ đạo của Trung ương Cục là "Tỉnh giải phóng tỉnh, huyện giải phóng huyện, xã giải phóng xã...".

Tinh thần "Thần tốc, táo bạo" không những chỉ đối với các binh đoàn chủ lực từ xa đến, mà còn đối với cả các lực lượng tại chỗ - lực lượng chính trị, lực lượng binh vận, kể cả lực lượng nằm trong hàng ngũ của địch cũng đã nhanh nhất, táo bạo nhất, phối hợp với lực lượng chủ lực cơ động từ xa tới. Giờ chúng ta phải hiểu chữ "Thần tốc" mà Bộ Chính trị chỉ đạo như thế mới đầy đủ.

Trong chiến tranh chống Mỹ, có hai đặc điểm nổi rõ - Một là ta tạo được thế xen kẽ giữa ta và địch ở cả ba vùng chiến lược miền núi, đồng bằng và đô thị, nhất là sau Hiệp định Paris; chỉ trừ có vài nơi, còn phần lớn là làm được điều này. Ðây là vấn đề rất quan trọng, nhiều nước khác không làm được nên cứ bị đối phương thực hiện phân tuyến. Hai là ta đã làm thường xuyên việc xây dựng lực lượng của ta ở nhiều mức độ khác nhau trong nội bộ ngụy quân ngụy quyền; mà những cơ sở này liên tục tác động vào tâm lý người lính nên nó đào ngũ thường xuyên, và khi thời cơ đến thì rã ngũ hàng loạt. Các cơ sở này đã phối hợp với lực lượng vũ trang và lực lượng chính trị làm suy sụp tư tưởng của bọn ngoan cố. Hai điều này có ở Việt Nam, nhiều nước khác không có. Ðây thật sự là hai bài học quý.

Một điểm nữa vô cùng quan trọng: Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh, lãnh tụ kiệt xuất của cách mạng Việt Nam rất coi trọng chữ "Thời". Người từng viết: "Lạc nước, hai xe đành bỏ phí, Gặp thời, một tốt cũng thành công".

Sau khi bị quân và dân ta liên tiếp đánh bại hai cuộc phản công chiến lược mùa khô 1965 - 1966 và 1966 - 1967, đặc biệt là thất bại trong chiến dịch Junctioncity, chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ đang đứng trước nguy cơ phá sản, lúc này, thời cơ mới của cách mạng Việt Nam đã xuất hiện. Bằng cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Mậu Thân - 1968, chúng ta đã thực hiện được một nửa quyết tâm chiến lược "Ðánh cho Mỹ cút" trong tư tưởng chỉ đạo xuyên suốt của Trung ương Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh "Ðánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào".

Sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, lãnh tụ của cách mạng Việt Nam là lãnh tụ tập thể, trong đó người chịu trọng trách lớn nhất là Bộ Chính trị, là đồng chí Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng với vai trò là Thống lĩnh các lực lượng vũ trang nhân dân theo quy định của Hiến pháp (6), tiếp tục ý tưởng về "Thời cơ" của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Quân đội giữ vai trò nòng cốt về quân sự, nhưng để thắng Mỹ, Ðảng ta đã huy động sức mạnh tổng hợp của cả nước, mọi tầng lớp, mọi lực lượng: chính trị, quân sự, kinh tế, văn hóa... Trong lực lượng vũ trang thì chủ lực cơ động là nòng cốt.

Trong hai dịp ra bắc báo cáo năm 1969 và cuối năm 1973, tôi có dịp gặp anh Lê Duẩn. Lần đầu anh nói: "Ta đã đánh cho quân Mỹ cút rồi; nay phải kiên quyết đánh bại âm mưu "Việt Nam hóa chiến tranh", phá bằng được ý đồ giành dân để xây dựng ngụy quân ngụy quyền của chúng". Lần sau, anh nói: "Mỹ tiếp tục đổ của vào miền nam để thực hiện quyết liệt "Việt Nam hóa" dưới nhãn hiệu "Quốc gia dân tộc". Nhưng quân Mỹ phải rút làm quân ngụy đang hoang mang. Ta quyết không để cho quân ngụy nó lại hồn, phải chớp thời cơ giải phóng miền nam sớm". Bởi vậy Bộ Chính trị Trung ương Ðảng ta đã chỉ rõ: Nhằm lúc Mỹ rút nhưng chưa rút xong và không thể quay lại, ngụy ở lại thì chưa ổn định, đây là thời cơ tốt nhất để ta tổng tiến công và nổi dậy đánh trận quyết chiến chiến lược cuối cùng. Thời cơ là vô vùng quan trọng. Thời cơ là sức mạnh.

Có thể nói, sau khi ta đã có chiến thắng Phước Long, có chiến thắng Buôn Ma Thuột thì thời cơ nó đã hiện ra. Nếu lúc này mà vẫn nói "Lấy yếu đánh mạnh" là không lô gích; mà phải lấy mạnh đánh mạnh, thắng mạnh; không phải lấy ít địch nhiều mà phải lấy nhiều đánh nhiều.

(Một trong những nguyên nhân mà ở Xuân Lộc - Long Khánh lúc đầu ta gặp khó khăn tổn thất chính vì ta quán triệt và thực hiện không đầy đủ tư tưởng này. Lẽ ra phải giành cho Quân đoàn 4 một lực lượng lớn hơn, một sức mạnh áp đảo hơn và có một lối đánh sáng tạo hơn). Trận quyết chiến chiến lược cuối cùng, phải tập trung và phát huy cao nhất sức mạnh của toàn dân tộc kết hợp với sức mạnh của thời đại để giành toàn thắng.

Những năm đầu của thập niên 70, Liên Xô - Trung Quốc mâu thuẫn rất gay gắt, công khai. Nhưng cả hai đều đồng ý giúp ta đánh Mỹ, nhưng giúp với những quan niệm khác nhau và mức độ khác nhau. Ðến lúc ta hiệp lực được cả hai phía giúp đỡ để chúng ta đủ sức đánh Mỹ. Với Trung Quốc, chúng ta phải biết ơn Chủ tịch Mao Trạch Ðông, Trung ương Ðảng Cộng sản và nhân dân Trung Quốc, từ thời kháng chiến chống thực dân Pháp đã giúp đỡ ta cả vũ khí, phương tiện vật chất, cả việc cử đoàn Cố vấn quân sự sang giúp quân đội ta cách thức tổ chức lực lượng và huấn luyện chiến thuật, nhất là cách đánh chiến dịch. Chúng ta rất cảm ơn các đồng chí Cố vấn quân sự Trung Quốc đã tận tình giúp đỡ, trao đổi kinh nghiệm tác chiến. Chính những điều tích lũy được từ thời chống Pháp, cộng với việc tự rèn luyện, tích lũy từ các đợt đi học tập ở Liên Xô và Trung Quốc và từ thực tế trong chiến tranh chống Mỹ đã đào tạo cho quân đội chúng ta có một đội ngũ tướng lĩnh và cán bộ chỉ huy tài giỏi, dưới sự lãnh đạo, rèn luyện của Ðảng, đã thật sự trưởng thành, đã độc lập chỉ huy các đơn vị đánh thắng đội quân xâm lược hùng mạnh của đế quốc Mỹ và bè lũ tay sai từ những trận đánh đầu tiên, từ chiến dịch đầu tiên - Bình Giã cho đến chiến dịch Hồ Chí Minh - Xuân 1975 là chiến dịch cuối cùng.

Chúng ta vô cùng biết ơn Ðảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc đã giúp đỡ súng đạn, gạo tiền và nhiều phương tiện rất có hiệu quả cho bộ đội và nhân dân miền nam chiến đấu và chiến thắng đế quốc Mỹ. Chúng ta vô cùng biết ơn Ðảng, Nhà nước và nhân dân Liên Xô đã tích cực giúp chúng ta vũ khí và phương tiện để chiến đấu chống cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của đế quốc Mỹ, giành thắng lợi vẻ vang mà đỉnh cao là trận đánh thắng B52 trên bầu trời Hà Nội - Hải Phòng tháng Chạp năm 1972. Sự giúp đỡ này là rất quan trọng. Ðiều này sử sách phải ghi cho đầy đủ để các thế hệ sau này thấy rõ sự sáng suốt tài tình của Ðảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác đối ngoại; thấy rõ cuộc đấu tranh chính nghĩa sáng ngời của nhân dân ta đã cảm hóa và có sức thuyết phục to lớn đối với bè bạn, thấy rõ sự giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Ðảng - Nhà nước và nhân dân Liên Xô, Trung Quốc, các nước xã hội chủ nghĩa anh em và bè bạn khắp năm châu. Không có sự giúp đỡ này thì lúc bấy giờ chúng ta cũng không có đủ sức mạnh để chiến thắng một kẻ thù là cường quốc số 1 thế giới như đế quốc Mỹ. Ðúng như Ðảng đã nói "Sức mạnh dân tộc đã kết hợp chặt chẽ với sức mạnh thời đại, tạo nên sức mạnh to lớn chiến thắng quân thù".

Từ sau 1954, trong nước cũng có ba khuynh hướng: Một khuynh hướng kiên quyết đánh cho Mỹ cút, ngụy nhào, Nam - Bắc sum họp. Một khuynh hướng là Mỹ nó mạnh quá, không thể đánh được. Và một khuynh hướng khác: Nếu đánh nó thì nguy cho cả miền bắc! Nhưng, sau khi có Hiệp định Paris 1973 đến cuối 1974, trước cuộc tổng tiến công 1975 thì ở trong nước và cả quốc tế đều thống nhất "Ðánh cho Mỹ cút, ngụy nhào". Lúc này thật sự là "Ðoàn kết trong Ðảng, đoàn kết trong nước, đoàn kết quốc tế", không ai còn có ý kiến gì khác. Ðây là thời điểm vàng ngọc, nó thật sự đã tạo ra sức mạnh - sức mạnh trong nước và sức mạnh quốc tế lớn vô cùng! Ðây là sức mạnh tuyệt đối được hội tụ lại. Nếu để chậm một chút thì chưa chắc đã còn sức mạnh như thế. Chậm một tháng là chậm một năm. Mà chậm một năm thì chưa biết sẽ thế nào!

Bộ Chỉ huy tối cao lúc này là Ban Chấp hành Trung ương, đứng đầu là Bộ Chính trị, là Bí thư thứ nhất Lê Duẩn và Chủ tịch nước Tôn Ðức Thắng đã chọn đúng thời cơ và tổ chức thắng lợi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 1975. Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã đề xuất ý kiến và triển khai kế hoạch quân sự tới cấp ủy và chỉ huy các cấp trong quân đội đã nhanh nhạy trong việc nắm tình hình, đề xuất phương án và triển khai chiến đấu, phối hợp chặt chẽ với các ngành của Chính phủ, của Mặt trận thực hiện xuất sắc quyết tâm của Ðảng và Nhà nước: Giải phóng nhanh miền nam. Chín năm kháng chiến trước đây, cả nước đã tập trung đánh bại thực dân Pháp để giải phóng miền bắc; 21 năm này, cả nước lại dồn sức đánh bại đế quốc Mỹ để giải phóng miền nam. Quả đấm chủ lực của ta đã thực hiện đòn mở đầu vào huyệt hiểm Buôn Ma Thuột trong thế trận và sức mạnh tổng hợp của cả dân tộc, đã làm thay đổi nhanh cục diện chiến trường; đã đẩy quân ngụy Sài Gòn lâm nhanh vào thế bị động lúng túng dẫn đến hoang mang dao động, vỡ trận và tan rã, sụp đổ trước sức mạnh như nước vỡ bờ của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy của quân và dân ta trên khắp miền nam. Ta tiến công đồng loạt, nổi dậy đồng loạt cả ba vùng chiến lược - miền núi, đồng bằng và đô thị nên địch đã không co cụm được. Thắng lợi của ta là thắng lợi trọn vẹn. Ngụy quyền Sài Gòn chính thức đầu hàng vô điều kiện ngày 30 tháng Tư. Khi ta tiến vào giải phóng đô thị, cả đội quân đồ sộ của ngụy tan rã ngay tại chỗ, các đồng chí Trung ương Cục và đại diện Bộ Chính trị đã chỉ đạo rất sát sao công việc xử lý những ngày đầu giải phóng đối với binh lính và sĩ quan ngụy. Ðồng thời ta đã quản lý tốt công tác an toàn xã hội, bảo đảm an toàn cả con người và tài sản của mọi tầng lớp nhân dân, không để xảy ra nạn cướp bóc, đập phá, nhất là trong các đô thị. Phải nói đây là một việc chưa từng có mà ta đã làm khá tốt, vì nó rất quan trọng cho sự ổn định về sau này.

Nay điểm lại 21 năm cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ ở Việt Nam, chúng ta thấy rất rõ đế quốc Mỹ là tên đế quốc đầu sỏ, chúng không bao giờ chịu "thua non". Chỉ sau khi bị đòn tiến công Tết Mậu Thân - 1968, Mỹ mới chịu tuyên bố rút hết quân Mỹ và quân chư hầu ra khỏi miền nam Việt Nam, ngừng chiến tranh phá hoại miền bắc và ngồi vào bàn đàm phán. Nhưng rút quân Mỹ thì đồng thời chúng lại thực hiện "Việt Nam hóa chiến tranh" để vẫn duy trì âm mưu xâm lược dưới một hình thức mới. Tuyên bố ngừng ném bom miền bắc nhưng lại tập trung đánh phá ác liệt từ vĩ tuyến 20 trở vào; ngay sau đó, đến "thời Tổng thống diều hâu Nixon lại đánh phá miền bắc trở lại với thủ đoạn nham hiểm, tàn ác và quyết liệt hơn, bằng vũ khí, phương tiện tối tân hơn, kể cả bom điều khiển bằng laser, kể cả máy bay ném bom chiến lược B52. Còn ở bàn hội nghị hòa đàm Paris thì chúng liên tục dùng thủ đoạn cù nhầy, lật lọng và tráo trở. Chỉ đến khi trên chiến trường miền nam, chiến trường Lào và Cam-pu-chia chúng liên tiếp bị chúng ta đánh cho thảm bại tại các chiến dịch: Quảng Trị, "Chen-la 1", "Chen-la 2", "Ðường 9 Nam Lào" và thảm bại trong 12 ngày đêm tại Hà Nội - Hải Phòng tháng Chạp 1972 thì chúng mới chịu ký kết văn bản Hiệp định Paris. Chúng ta càng thấy rõ, Mỹ ký Hiệp định nhưng đồng thời chúng rắp tâm phá hoại Hiệp định bằng chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh"; nhất là sau khi có "cuộc dàn xếp với các nước lớn năm 1972" thì chúng vừa chủ quan vừa hy vọng vừa ngoan cố. Ðiều này thể hiện rất rõ ở chỗ đến tận ngày 29-4-1975, khi 5 cánh quân giải phóng chúng ta đã áp sát Sài Gòn thì Ðại sứ Martin với chịu xách va-ly chạy lên sân thượng tòa Ðại sứ để "di tản khẩn cấp".

Sự ngoan cố và dã tâm của đế quốc Mỹ còn thể hiện ở chỗ: Ngày 23-1-1973, Kissinger ký tắt văn bản Hiệp định Paris với đồng chí Lê Ðức Thọ; tháng 5-1975, khi thua trận hoàn toàn ở Việt Nam rồi, thì ngay sau đó, ngày 15-10-1975, đại diện Chính phủ Mỹ lại ký thỏa thuận đánh phá ta từ hướng Tây Nam và bao vây các hướng khác với lời lẽ trịch thượng hiếu chiến: Phải thực hiện thỏa thuận trong thời hạn 18 tháng kể từ ngày ký. Và, sau 17 tháng, đúng ngày 30-4-1977, quân Pol Pot đã đánh ta trên toàn tuyến biên giới Tây Nam. Một lần nữa, chúng ta lại buộc phải chống lại và đánh thắng sự đánh phá của chúng.

Thắng lợi trọn vẹn của chúng ta có nhiều nguyên nhân, tôi cho rằng nguyên nhân chủ đạo là tư tưởng "Nhân ái". Tư tưởng "nhân nghĩa" bắt nguồn truyền thống văn hóa chí nhân chí nghĩa của dân tộc - "Lấy chính nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo"; nó đã kết tinh ở Tư tưởng Hồ Chí Minh. Bác đã dạy chúng ta: "Ðánh cho Mỹ rút, ngụy sụp đổ" chứ Bác không nói "Ðánh tiêu diệt". Thể hiện tư tưởng này, sau Bác Hồ là các đồng chí lãnh đạo kế tục, và rồi tư tưởng đó nó đã chuyển hóa vào đa số chiến sĩ và đồng bào cả nước thể hiện ở chỗ trong chiến tranh, kể cả chống Pháp trước kia và chống Mỹ vừa qua, khi bắt được tù binh địch, kể cả ác ôn ngụy, lính và sĩ quan Mỹ, ta đã thả hết. Chính điều này nó đã thấm vào tâm can người dân nước đó, và họ thấy rằng chính phủ nước họ đem quân sang đánh Việt Nam là vô đạo lý, họ thông cảm và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của Việt Nam. Ðây là yếu tố hết sức quan trọng để chúng ta giành thắng lợi. Ðối với quân đội ngụy, khi đối mặt trên chiến trận thì buộc chúng ta phải chiến đấu để tự vệ và để bảo vệ thành quả của cách mạng; nhưng chúng ta luôn tâm niệm họ cũng là người Việt Nam, mà ta vẫn muốn cùng là người Việt thì phải thương nhau, cùng nhau xây dựng đất nước. Bởi vậy chúng ta không có hận thù, trả thù gì cả. Hơn nữa đồng bào ta trong vùng địch tạm chiếm lâu nay đã đi theo Bác Hồ, theo cách mạng, nhất là từ khi có Mặt trận Giải phóng miền nam do Luật sư Nguyễn Hữu Thọ làm Chủ tịch, nên khi họ bị bắt buộc đứng trong hàng ngũ của phía bên kia nhưng trong lòng họ vẫn là tinh thần dân tộc; bởi vậy khi có thời cơ là họ bỏ chạy hàng loạt. Chỉ tính riêng năm 1969, quân số đào ngũ của quân ngụy là 107.000 người. Tại địa bàn tác chiến của Trung đoàn 1, Quân khu 9 trong đợt chiến đấu ở Chương Thiện năm 1973, có ngày quân ngụy rã ngũ tới một tiểu đoàn. Trong quân đội ngụy lại có ba bộ phận: Phần đông là số bị bắt buộc thì đã đào ngũ một hoặc nhiều lần, số này khi có thời cơ thì liền bỏ ngũ trở về với gia đình, quê hương. Số lừng chừng, khi bị tiến công mãnh liệt thì chúng hoảng loạn, rã ngũ tại chỗ.  Cũng có một số do Pháp trước kia và Mỹ sau này nó nhồi sọ nên trở thành ác ôn phản động. Nhưng khi lính ngụy bỏ ngũ hàng loạt, thì số này nhanh chóng trở thành bị cô lập; hoặc là bỏ chạy, đầu hàng, cá biệt tự sát; số không chạy được ta chỉ yêu cầu họ học tập cải tạo chứ không hề giết ai nên dần họ hiểu được chính nghĩa của ta.

Trong suốt cuộc trường chinh giúp bạn ở Cam-pu-chia, quân tình nguyện và Ðoàn chuyên gia Việt Nam cũng luôn thấm nhuần chỉ thị của Bộ Chính trị: "Không bắt người, không giết người", mặc dù quân Pol Pot nó đã bắt và giết hàng triệu người, đã và đang đẩy cả một dân tộc vào họa diệt chủng. Nhưng với ta, không hận thù và trả thù, mà chỉ làm binh vận để quân Pôn Pốt bỏ ngũ, rã ngũ là chủ yếu. Suốt mười năm giúp bạn, nhân dân và quân đội Việt Nam đã không tiếc máu xương, công sức và của cải để cứu nguy dân tộc thoát khỏi họa diệt chủng và hồi sinh một đất nước từ đổ nát tiêu điều. Nghĩa cử cao cả này không những được Quốc vương Shihanouk, được Vua Sãi Tếp Vông, Chủ tịch Mặt trận Cứu nguy dân tộc CPC, và nhân dân Cam-pu-chia quý trọng, đánh giá rất cao, nói rằng "Bộ đội tình nguyện Việt Nam" là "Bộ đội Nhà Phật", mà nhân loại tiến bộ trên toàn thế giới cũng ghi nhận và đánh giá cao. Sự kiện này mang một ý nghĩa vô cùng lớn, không có giá trị nào tính được.

Chính vì không hề có cuộc trả thù "tắm máu" nào, đội quân ngụy và bộ máy ngụy quyền tan rã tại chỗ nên các đô thị của miền nam hầu như nguyên vẹn, không bị tàn phá. Kết thúc chiến tranh có người thắng kẻ thua nhưng không hề có sự trả thù và phục thù gay gắt. Ðây là yếu tố tiên quyết, là cơ sở nền tảng cho sự ổn định chính trị để đất nước đứng vững và phát triển đi lên.

Sau 30-4-1975 chúng ta có ba việc lớn.

Một là, giải quyết hậu quả chiến tranh trên phạm vi đất nước, xã hội và con người.

Hai là, giúp nhân dân Cam-pu-chia làm cuộc cách mạng cứu nguy dân tộc và hồi sinh đất nước.

Ba là, phát triển kinh tế - xã hội để ổn định và nâng cao đời sống nhân dân, củng cố an ninh - quốc phòng. Một đất nước nghèo nhất lại bị chiến tranh tàn phá nặng nề, trong đó có trên 10% người tàn tật, đây là tỷ lệ lớn nhất thế giới. Nhân dân ta đã nỗ lực rất lớn và có sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế để khắc phục hậu quả chiến tranh. Riêng hậu quả của chất độc da cam đi-ô-xin thì việc xét xử của Tòa án là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là trên tinh thần nhân đạo mà Chính phủ Mỹ và các tổ chức đã sản xuất ra các chất này mới đủ điều kiện về mặt khoa học để điều tra tác hại của nó trên cơ thể con người và môi trường, và giúp Việt Nam có biện pháp khắc phục hậu quả. Những năm sau chiến tranh vừa qua, Chính phủ Mỹ đã thừa nhận tinh thần nhân đạo và tích cực của phía Việt Nam trong giải quyết vấn đề người Mỹ mất tích trong chiến tranh (POM/MIA). Chính phủ Mỹ cần nhận thức ra việc giải quyết hậu quả của chất độc da cam đi-ô-xin là vấn đề khoa học và vấn đề tình người. Bài học về nhân ái của Việt Nam đang cần cho chính giới Mỹ.

Bởi vậy tôi cho rằng "Nhân ái" là cái gốc, là nhân tố chủ yếu để thắng lợi. Trong hai cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại vừa qua  thì thắng lợi là thắng lợi của toàn dân tộc, đã là người Việt Nam thì ai cũng được hưởng vinh quang của chiến thắng. Phát huy thắng lợi vẻ vang đó, người Việt Nam cả ở trong nước và ngoài nước, đoàn kết thương yêu nhau, cùng chung tay góp sức xây dựng kinh tế xã hội, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, văn hóa và tinh thần  của các tầng lớp nhân dân, qu