Nơi không bán bí mật

Tập truyện dài giả tưởng “Vô cực” (NXB Tổng hợp TP Hồ Chí Minh) được tác giả Quyên Gavoye viết trong thời điểm nước Pháp rơi vào cuộc đại phong tỏa hồi tháng 3/2020 do dịch Covid-19.
0:00 / 0:00
0:00
Nơi không bán bí mật

Hai tháng sống trong cảnh hạn chế đi lại, cùng sự quá tải về thông tin cơn dịch bệnh trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng câu trả lời vẫn chưa thỏa mãn mối lo của người dân.

Ý niệm về một sự vô cực trong vũ trụ được tác giả chuyển tải thành một tác phẩm. Quyên Gavoye bắt tay vào bản thảo và từ đó kể một câu chuyện giả tưởng đầy cuốn hút bằng giọng văn tinh tế, lúc nhặt khoan, lúc dồn dập. Từ chi tiết, đến bối cảnh, đến không gian thực ảo đan xen với một độ quyến dụ người đọc kỳ lạ. Độc giả như trôi vào chiếc ống trượt do Quyên Gavoye tạo ra và bắt đầu chuyến hành trình vào một thế giới song song Trái đất. Nơi có thứ ánh sáng chói lòa, nơi có nhiều điều lạ lẫm, nửa nhìn như thân quen, nửa như huyền mị.

Độc giả bắt đầu chơi trò rượt đuổi theo câu chuyện khi đập vào mắt mình câu: “Bí mật là bí mật. Thành phố bán vật chất chứ không bán bí mật”. Câu chuyện bắt đầu từ một thành phố Besancon, Thomas Phạm ông chủ một công ty sản xuất đồng hồ nổi tiếng, một người có gốc gác Đông Dương nhập cư. Ông chủ trẻ vừa mua lại khu đất vàng nằm giữa thành phố sầm uất tại châu Âu bị bỏ hoang hơn ba phần tư thế kỷ. Mọi bí mật đều giấu trong lòng nó một uẩn khúc. Liệu chàng trai gốc Việt này trên hành trình khôi phục lại thời hoàng kim của công ty gia đình mình sẽ lần giở những dấu vết xưa cũ trong hoang phế để nhặt nhạnh được gì? 100 con người hiện hữu hay đó là 100 bóng ma trong xác sống? Những đoàn người Việt di cư về vùng trời mới đã tìm thấy gì ở nơi mà họ cứ đinh ninh đó là thiên đường? Mọi sự mất tích đều có lý do, duy chỉ có một thứ mãi chẳng thể tìm được lý do, chúng ta mất tích ngay khi vẫn hiện hữu là vì đâu? Ống trượt dẫn về vô cực hay chính lòng mình giữa những lảo đảo nhân gian mà tự huyễn hoặc về hai chữ vô cực?

Hành trình viết của Quyên đa thể loại, đa đề tài và có phần nhấn nhá vào các câu chuyện văn hóa, vốn như là sở trường của cô. Ngay như trong tập truyện dài “Vô cực”, Quyên cho độc giả thấy một lòng đau đáu ngóng về quê hương của đoàn người di dân sang Pháp từ 1945. Họ tự tạo ra một thế giới song song thế giới hiện thực, ở đó như một Việt Nam thu nhỏ để họ vọng cố hương. “Vô cực” nhắc nhớ về tình người máu đỏ da vàng, dẫu biến thiên thời cuộc loạn lạc, nhưng chung một tổ mẫu thì người lại biết thương người, chung một giống nòi tự khắc sẽ biết tìm đường gần nhau. Có vô cực hay không giữa người và người? Tin chắc bạn đọc sẽ tìm được câu trả lời khi bắt đầu nhảy vào ống trượt cùng Quyên và kim đồng hồ mình đeo tay nhảy về lúc 1 giờ chiều.