Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn sinh ngày 1/10/1932 tại Bích La Thượng, xã Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị. Từ sớm ông đã tham gia công tác kháng chiến ở cơ sở; đến năm 1953, ông tập kết ra Bắc, để lại quê hương người vợ trẻ, mấy chục năm sau mới được đoàn viên. Ra Hà Nội, ông phấn đấu, trở thành sinh viên khóa đầu tiên ngành lịch sử của Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội và từ năm 1959 cho đến khi nghỉ công tác, ông gắn bó cả đời và có nhiều cống hiến xuất sắc cho sự nghiệp nghiên cứu, giảng dạy lịch sử cách mạng, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh.
Đồng nghiệp và các thế hệ học trò khâm phục, nể trọng tri thức uyên thâm, phong cách làm việc nghiêm cẩn, khoa học, đầy bản lĩnh và trách nhiệm của Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn.
Hơn 60 năm miệt mài nghiên cứu, khảo nghiệm, đối chiếu, suy ngẫm, đúc kết từ các nguồn tư liệu phong phú trong và ngoài nước, từ thực tiễn lịch sử cách mạng hào hùng của dân tộc mà ông cùng các học trò khảo sát tại nhiều vùng căn cứ địa, chiến khu cách mạng và các địa phương trên cả nước, ông tự làm giàu bằng một khối lượng tri thức sâu rộng và tự khẳng định vai trò, vị trí chuyên gia hàng đầu về lịch sử hiện đại, lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, tư tưởng Hồ Chí Minh. Ông hiểu cặn kẽ từng tư liệu lịch sử, nắm chắc bản chất của từng sự kiện, luận giải thấu đáo, đánh giá chính xác, không né tránh, các vấn đề lịch sử chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế - xã hội...
Ông có nhiều đóng góp nổi bật trong việc khẳng định giá trị của Cương lĩnh vắn tắt, Sách lược vắn tắt năm 1930 - Cương lĩnh đầu tiên của Đảng do Bác Hồ soạn thảo và những tư tưởng cốt lõi của Người về độc lập, tự do, chủ nghĩa xã hội; về khoa học, nghệ thuật xây dựng, chỉ đạo chiến lược, sách lược của Đảng qua các thời kỳ cách mạng. Ông là tác giả, là chủ biên của hàng chục công trình nghiên cứu, giáo trình lịch sử tầm cỡ quốc gia về lịch sử Đảng Cộng sản Việt Nam, lịch sử Quốc hội, lịch sử Chính phủ, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Từ điển Bách khoa Việt Nam... Những công trình khoa học này giá trị còn mãi với thời gian.
Phần lớn nguồn tri thức quý báu tích lũy được, Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn dành cho sự nghiệp đào tạo các thế hệ học trò. Sinh viên, nghiên cứu sinh đã từng nghe ông giảng bài không thể nào quên đôi mắt ngời sáng, giọng nói hào sảng như được thắp cháy lên bởi nhiệt huyết cách mạng dâng trào. Học trò không chỉ tiếp nhận nơi ông những tri thức lịch sử phong phú và phương pháp luận khoa học mà còn hấp thụ từ ông tinh thần yêu nước, trách nhiệm đối với nhân dân, đất nước. Suốt mấy chục năm, ông đã đào tạo nên người bao thế hệ học trò, trong đó nhiều người đã trở thành cán bộ cấp cao của Đảng, Nhà nước, chuyên gia đầu ngành nhiều lĩnh vực khoa học xã hội, nhân văn.
Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn để lại trong lòng bạn bè, đồng nghiệp, các thế hệ học trò dấu ấn sâu đậm của một nhân cách đáng kính. Ông là người không dễ hiểu ngay trong lần gặp đầu tiên và cũng không dễ hiểu sâu nếu chỉ tiếp xúc, làm việc trong thời gian ngắn. Càng ở gần ông, càng nhận rõ, bên trong dáng người xương xương, gương mặt nghiêm nghị; đằng sau cách nói kiệm lời, có phần khô khan là một trái tim đôn hậu, một tình cảm sâu lắng ông dành cho học trò, bạn bè, đồng nghiệp; một tinh thần trách nhiệm và sự tận tụy đối với sự nghiệp chung, với cuộc đời, con người; một tình yêu cháy bỏng và sự gắn bó máu thịt của ông với đất nước, đồng bào, với lý tưởng của Đảng. Ông nghĩ gì, nói gì, viết gì, làm gì đều xuất phát từ tâm nguyện: làm sao cho đất nước mình, dân tộc mình, Đảng mình, xã hội mình mạnh hơn, đẹp hơn; sao cho sự nghiệp giáo dục, đào tạo phát triển lành mạnh, thực chất; sao cho các thế hệ học trò bước vào đời làm những người tử tế, hữu ích.
Điều thật thú vị và đáng quý ở Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn là ông có cuộc sống rất giản dị mà tinh tế. Các thế hệ sinh viên và cán bộ trẻ Khoa Lịch sử, Trường Đại học Tổng hợp những năm, 70, 80 của thế kỷ trước vẫn còn nhớ mãi hình ảnh Thầy Chủ nhiệm khoa Lê Mậu Hãn người gầy gò, mặc bộ quần áo sẫm mầu, thường xuyên xuống Khu Ký túc xá Mễ Trì ân cần thăm nom từng li từng từng tí sinh hoạt, học tập hằng ngày của sinh viên; quan tâm chu đáo đến cuộc sống của từng thầy, cô giáo trong khoa, nhất là các thầy, cô giáo trẻ. Sau chiến tranh, đất nước nghèo, trường nghèo, khoa nghèo, thầy trò nghèo, bữa mì, bữa rau, ông chính là người thuyền trưởng nghiêm nghị, khắc khổ đêm ngày trăn trở, lo toan chèo lái con thuyền Khoa Lịch sử vượt lên, sau này trở thành đơn vị Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Cũng ít người được biết một chiều cạnh khác thầm lặng mà rất nghệ sĩ trong đời sống của Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn. Đó là những giờ phút hiếm hoi giữa bộn bề công việc, khó khăn thời bao cấp, ông vẫn say mê tìm kiếm những gốc cây, cành cây có thế đẹp, những bình gốm lạ, chăm chút những giò phong lan, các chậu hoa quỳnh... để trang trí căn phòng nhỏ ở Khu ký túc xá; và những đêm trăng Mễ Trì, ông cùng cánh giáo viên trẻ, thưởng thức một chén trà được phân phối hoặc ly rượu nhạt, náo nức, hồi hộp chờ ngắm những bông quỳnh nở... Những lúc ấy, người thầy giáo khắc khổ Lê Mậu Hãn hóa thân thành một nghệ sĩ say đắm và tôn thờ cái đẹp...
Nhà giáo Nhân dân Lê Mậu Hãn là một con người như thế. Một con người kiên định, suốt đời tin tưởng, phấn đấu cho lý tưởng đã lựa chọn; một bậc sư biểu mà tâm huyết, trí tuệ, nhân cách còn sáng mãi trong niềm kính trọng, ngưỡng mộ, noi theo của các thế hệ học trò, đồng nghiệp.
Hà Nội, ngày 14 tháng 11 năm 2021
GS.TS. PHÙNG HỮU PHÚ, Nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, Nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy kiêm Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Trung ương, Nguyên Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương