Hội thảo đã nhận được 26 bản tham luận của các nhà khoa học, tập trung đi sâu phân tích, luận giải, đánh giá, làm rõ hơn về cuộc đời hoạt động và những cống hiến của cụ Nguyễn Văn Tố với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc Việt Nam.
Cụ Nguyễn Văn Tố sinh ngày 5/6/1889 trong một gia đình nhà nho yêu nước tại làng Đông Thành, huyện Thọ Xương cũ, nay là số nhà 32, phố Bát Sứ, phường Cửa Đông, quận Hoàn Kiếm, thành phố Hà Nội.
Học giả uyên bác Nguyễn Văn Tố đã để lại nhiều công trình khảo cứu, nhiều bài báo trên các lĩnh vực: sử học, văn học, khảo cổ học, ngôn ngữ học, dân tộc học, tôn giáo học, văn hóa dân gian… Những công trình này có giá trị lớn, góp phần khơi dậy, bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.
Trên cương vị Hội trưởng Hội Truyền bá Quốc ngữ, cụ Nguyễn Văn Tố đã góp nhiều công sức cho sự nghiệp chống nạn mù chữ, phổ biến chữ Quốc ngữ trong toàn dân. Hội Truyền bá Quốc ngữ, dưới sự lãnh đạo của cụ, đã gây được một phong trào học tập sôi nổi, rộng khắp trong nhân dân, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, mở mang tri thức phổ thông.
Hội thảo khoa học “Nguyễn Văn Tố với cách mạng Việt Nam”
Sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945, cụ Nguyễn Văn Tố được Chủ tịch Hồ Chí Minh mời tham gia Chính quyền cách mạng lâm thời với cương vị Bộ trưởng Cứu tế xã hội. Bộ trưởng Nguyễn Văn Tố đã có những đóng góp quan trọng vào việc củng cố và giữ vững chính quyền cách mạng non trẻ, đẩy lùi nạn đói, cổ vũ tinh thần cách mạng của nhân dân, chuẩn bị cho cuộc kháng chiến lâu dài chống thực dân Pháp xâm lược.
Với uy tín cao của một nhân sĩ yêu nước, tại kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, cụ Nguyễn Văn Tố được bầu giữ chức Trưởng Ban Thường trực. Từ tháng 3 đến tháng 11/1946 cụ Nguyễn Văn Tố đã góp công đặt nền móng cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội từ những ngày đầu. Ban Thường trực Quốc hội đã tham gia nhiều ý kiến với Chính phủ thi hành nhiều phương sách thích hợp để chăm lo quyền lợi quốc gia, nâng cao đời sống nhân dân.
Kháng chiến toàn quốc bùng nổ, cụ Nguyễn Văn Tố giữ cương vị Phó Chủ tịch Ủy ban tản cư và di cư, đã động viên các tầng lớp nhân dân nêu cao tinh thần yêu nước, thực hiện triệt để chủ trương tản cư của Chính phủ; tổ chức đón nhận, giúp đỡ đồng bào tản cư. Tháng 10/1947, cụ Nguyễn Văn Tố bị địch bắt. Cụ nêu cao tinh thần kiên trung, bất khuất trước kẻ thù và đã hy sinh anh dũng.
Suốt cuộc đời, cụ Nguyễn Văn Tố đã nêu tấm gương đạo đức trong sáng, luôn hết sức phấn đấu vì lợi ích của dân tộc, là một nhà văn hóa yêu nước, không màng danh lợi, một người công chức tài năng, mẫn cán, giản dị, luôn tận tụy phục vụ nhân dân.