Đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng trân trọng gửi lẵng hoa chúc mừng Lễ kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Cụ Nguyễn Văn Tố.
Đến dự có các đồng chí: nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh; Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân; nguyên Chủ tịch Quốc hội: Nguyễn Văn An, Nguyễn Sinh Hùng; các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị; Thường trực Ban Bí thư; Phạm Thế Duyệt, nguyên: Ủy viên Thường vụ Thường trực Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Tô Huy Rứa, nguyên: Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Trưởng ban Tổ chức T.Ư; Hoàng Trung Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội; Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam; các Phó Chủ tịch Quốc hội: Đỗ Bá Tỵ, Phùng Quốc Hiển; các đồng chí lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Đảng, Nhà nước, MTTQ Việt Nam, cán bộ lão thành cách mạng, đại diện lãnh đạo các cơ quan của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội, bộ, ban, ngành và đại diện đông đảo các tầng lớp nhân dân Thủ đô Hà Nội.
Đọc diễn văn tại lễ kỷ niệm, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân đã ca ngợi Cụ Nguyễn Văn Tố, một trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài năng của Quốc hội và Chính phủ, nhà văn hóa uyên bác của dân tộc, người cộng sự gần gũi, thân thiết của Chủ tịch Hồ Chí Minh, người con ưu tú của quê hương Hà Nội.
Với những đóng góp quan trọng và ý nghĩa, ngày 6-1-1946, trong cuộc tổng tuyển cử bầu Quốc hội đầu tiên của đất nước, Cụ Nguyễn Văn Tố đã được nhân dân bầu là đại biểu QH và ngày 2- 3-1946, tại Kỳ họp thứ nhất của Quốc hội khóa I, Cụ đã được bầu là Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Trong bối cảnh đất nước còn hết sức khó khăn, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội Nguyễn Văn Tố đã cùng các thành viên trong Ban Thường trực Quốc hội đoàn kết chặt chẽ, cùng sát cánh với Chính phủ do Chủ tịch Hồ Chí Minh đứng đầu, hoạch định và chỉ đạo thực thi các chính sách đối nội, đối ngoại; thay mặt cho Quốc hội và nhân dân góp ý, đề nghị sửa đổi những sắc lệnh về các lĩnh vực kinh tế, tài chính, văn hóa, xã hội của Chính phủ (trước khi các sắc lệnh được ban hành).
Một trong những cống hiến to lớn của Cụ Nguyễn Văn Tố trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội là đã điều hành Quốc hội góp ý, xây dựng và thông qua bản Hiến pháp đầu tiên của nước ta – đó là bản Hiến pháp năm 1946. Với những nội dung tư tưởng tiên tiến mang giá trị bền vững và sâu sắc đến tận ngày hôm nay, Hiến pháp năm 1946 đã khẳng định nền độc lập, tự do của dân tộc, hạnh phúc của nhân dân Việt Nam; khẳng định quyền làm chủ Nhà nước của mỗi công dân, quyền và nghĩa vụ xây dựng một nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân.
Trên cương vị Trưởng Ban Thường trực Quốc hội, Cụ Nguyễn Văn Tố cùng Ban Thường trực Quốc hội tích cực ủng hộ chủ trương của Chính phủ trong việc thực thi sách lược đối ngoại tạm thời hòa hoãn với Pháp để đuổi quân Tưởng và những phần tử tay sai.
Cụ thể là Ban Thường trực Quốc hội do Cụ Nguyễn Văn Tố đứng đầu đã ủng hộ Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Hiệp định sơ bộ ngày 6-3-1946 và Tạm ước ngày 14- 9- 1946.
Điều đó cho thấy sự đồng cảm của những tư tưởng lớn luôn gặp nhau, Chủ tịch Hồ Chí Minh và Cụ Nguyễn Văn Tố đã hoàn toàn thống nhất trong những quyết sách quan trọng liên quan vận mệnh đất nước.
Cụ Nguyễn Văn Tố giữ chức vụ Trưởng Ban Thường trực Quốc hội 8 tháng từ tháng 3 đến tháng 11- 1946, đó là thời gian khó khăn, gay cấn nhất của cách mạng Việt Nam. Với cương vị đứng đầu Quốc hội, Cụ đã cùng Ban Thường trực Quốc hội tham gia nhiều ý kiến với Chính phủ để thi hành nhiều phương sách thích hợp chăm lo đến quyền lợi quốc gia và đời sống nhân dân.
“Hoạt động của Quốc hội trong thời gian Cụ là Trưởng Ban Thường trực đã để lại dấu ấn sâu sắc, đã đưa ra được những quyết sách lớn vì nước, vì dân. Sự đoàn kết, ủng hộ, gắn bó của Quốc hội với Chính phủ trong giai đoạn này là một trong những bài học lớn của cách mạng Việt Nam mà Cụ Nguyễn Văn Tố đã góp phần thực hiện...”. Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nêu rõ: Cụ Nguyễn Văn Tố đã cống hiến, hy sinh trọn đời vì sự nghiệp khai mở dân trí và giải phóng dân tộc. Cụ đã nêu tấm gương mẫu mực của một chí sĩ yêu nước nhiệt thành, nhà văn hóa uyên bác; nhà lãnh đạo đức độ, tài năng của Quốc hội và Chính phủ nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Cụ là tấm gương sáng luôn nêu cao tinh thần cần kiệm, khiêm tốn, giản dị, không màng danh lợi, phú quý cá nhân.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân nhấn mạnh: Tổ chức kỷ niệm 130 năm Ngày sinh nhà chí sĩ yêu nước, Trưởng Ban Thường trực Quốc hội đầu tiên Nguyễn Văn Tố là dịp để chúng ta tri ân và tưởng nhớ công lao, cống hiến to lớn của Cụ đối với sự nghiệp cách mạng Việt Nam, cũng là để thể hiện đạo lý “uống nước nhớ nguồn” của nhân dân ta.
Đồng chí cho rằng: Cuộc đời hoạt động tận tụy, hy sinh vì nước, vì dân của Cụ Nguyễn Văn Tố là một tấm gương cao đẹp để các đại biểu Quốc hội, cùng cán bộ, đảng viên và toàn thể nhân dân ta học tập, noi theo.
“Tấm gương của Cụ Nguyễn Văn Tố có ý nghĩa quan trọng góp phần vào việc bồi dưỡng lý tưởng, truyền thống cách mạng cho cán bộ, đảng viên và nhân dân ta, nhất là thế hệ trẻ trong công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước”.
Tại lễ kỷ niệm, GS,TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng, đại biểu Quốc hội khóa X, XI, XII cũng đã phát biểu, nêu rõ tấm gương và những đóng góp rất lớn của Cụ Nguyễn Văn Tố trong truyền bá văn hóa, khơi nguồn truyền thống nâng cao dân trí của đất nước.
Ông cho rằng, dịp kỷ niệm này là dịp chúng ta tưởng nhớ đến một chí sĩ đáng kính mang hết tinh thần hiếu học để làm rạng danh văn hóa nước nhà, một gương sáng yêu nước suốt đời phụng sự Tổ quốc, hy sinh oanh liệt vì sự nghiệp giải phóng dân tộc...
Dịp này, Văn phòng Quốc hội tổ chức triển lãm những tư liệu quý về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Cụ Nguyễn Văn Tố, một trí thức yêu nước nhiệt thành, nhà lãnh đạo tài năng của Quốc hội và Chính phủ, nhà văn hóa uyên bác của dân tộc.
"Với tầm hiểu biết sâu rộng, phương pháp nghiên cứu khoa học, tinh thần làm việc nghiêm túc, bản lĩnh vững vàng và bao trùm lên tất cả là tinh thần yêu nước, Cụ Nguyễn Văn Tố đã khảo cứu, biên soạn nhiều công trình, bài viết có giá trị về sử học, khảo cổ học, văn học, ngôn ngữ học, văn hóa học... của dân tộc, đăng trên những tạp chí có uy tín thời đó, như: Nam Phong Tạp chí, Đông Thanh Tạp chí, Báo Thanh Nghị và đặc biệt là Tạp chí Tri Tân. Những công trình, bài viết này đã góp phần quan trọng vào việc tìm hiểu, lưu giữ, phát huy những giá trị truyền thống văn hóa, lịch sử tốt đẹp của dân tộc..." Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “Noi gương Cụ, trong mọi hoạt động, công tác, mỗi chúng ta phải luôn luôn đặt lợi ích của đất nước, của dân tộc và của Đảng lên trên hết; không ngừng nỗ lực phấn đấu vì nền độc lập, tự do trường tồn của dân tộc, vì hạnh phúc của nhân dân; kiên định con đường cách mạng mà Chủ tịch Hồ Chí Minh và dân tộc đã lựa chọn, ra sức xây dựng nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh...”. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân “Qua những đóng góp quan trọng cho cách mạng, cho dân tộc của Cụ Nguyễn Văn Tố, chúng ta càng thấy sáng rõ hơn về sự vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh, nhất là trong việc trọng dụng nhân tài...” GS, TS, Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Lân Dũng |