Theo đó, Tòa tuyên phạt bị cáo Phùng Anh Lê mức án 7 năm 6 tháng tù về tội “Nhận hối lộ”. 3 bị cáo còn lại trong vụ án đều là nguyên cán bộ Công an quận Tây Hồ gồm: Nguyễn Đức Châu (nguyên Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị phạt 10 tháng 28 ngày tù; Vũ Công Ngọc (nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội) bị phạt 6 tháng tù treo; Lê Đình Trung (nguyên Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp) bị phạt 4 tháng 12 ngày tù cùng về tội tha trái pháp luật người bị bắt, người đang bị tạm giữ, tạm giam, người đang chấp hành án phạt tù.
Tại phần tuyên án, Hội đồng xét xử nêu rõ, trong vụ án này, các bị cáo đều được đào tạo trong môi trường công an, nhưng các bị cáo đã vi phạm các quy định của ngành, của pháp luật, dẫn đến phạm tội, vi phạm các nguyên tắc, quy định của pháp luật, gây hậu quả nghiêm trong, gây ảnh hưởng tiêu cực đến các cơ quan tiến hành tố tụng, gây bức xúc xã hội, cần xử lý nghiêm.
Trong số các bị cáo, người phải chịu trách nhiệm chính là bị cáo Phùng Anh Lê. Đáng lẽ bị cáo Lê phải nêu cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu, nhưng bị cáo với động cơ vụ lợi đã tha trái pháp luật đối tượng Nguyễn Hữu Tài (trú tại phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội - là đối tượng chuyên cho vay nặng lãi).
Bị cáo Phùng Anh Lê cho rằng mình bị oan sai, cáo buộc không thuyết phục, bị cáo không nhận tiền hối lộ, nhưng Hội đồng xét xử nhận định, việc truy tố bị cáo là đúng người, đúng tội.
Các bị cáo khác trong vụ án làm theo chỉ đạo của cấp trên, không được hưởng lợi. Họ đã tiếp nhận chỉ đạo trái pháp luật của bị cáo Phùng Anh Lê, thực hiện các mệnh lệnh không đúng pháp luật. Những bị cáo này đã nhận thức được sai phạm, ăn năn hối hận, phạm tội lần đầu… và được Hội đồng xét xử xem xét, cho hưởng tình tiết giảm nhẹ.
Trước đó, cáo trạng xác định, ngày 22/9/2016, Nguyễn Hữu Tài đến Công an quận Tây Hồ đầu thú về hành vi cùng đồng phạm bắt giữ và đánh anh Nguyễn Công Thành xảy ra ngày 19/9/2016 tại phường Yên Phụ, quận Tây Hồ. Khoảng 21 giờ cùng ngày, Tài bị đưa vào nhà tạm giữ của công an quận Tây Hồ để thi hành quyết định tạm giữ trong thời hạn 3 ngày.
Lo sợ Tài bị xử lý sẽ ảnh hưởng việc tổ chức đám cưới, chị Nguyễn Thu Hiền (vợ của Tài) nói với ông Nguyễn Văn Hà (là bố đẻ chị Hiền) biết sự việc. Ông Hà và chị Hiền bàn nhau nhờ anh Nguyễn Văn Thắng tìm người đứng ra dàn xếp hòa giải để bồi thường giúp cho Tài không bị xử lý.
Anh Thắng biết ông Phùng Văn Bảy là người có quan hệ họ hàng với ông Phùng Anh Lê, khi đó là Trưởng Công an quận Tây Hồ, có thể giúp được. Do nể bạn bè và để giữ mối làm ăn với Thắng, ông Bảy nhận lời, đã đặt vấn đề và được ông Lê đồng ý giúp với yêu cầu phải chi 110 triệu đồng để hòa giải, bồi thường.
Khoảng 21 giờ 30 phút đến 22 giờ ngày 22/9/2016, tại khu vực vỉa hè đối diện trụ sở Công an quận Tây Hồ, người nhà của Tài đưa bọc tiền 103 triệu đồng cho ông Bảy.
Ông này cho mượn thêm 7 triệu, rồi cầm 110 triệu đồng, một mình đi vào phòng làm việc của bị cáo Phùng Anh Lê.
Sau khi nhận tiền từ người họ hàng, ông Phùng Anh Lê đã chỉ đạo cấp dưới mang hồ sơ đến báo cáo việc tạm giữ Tài, sau đó chỉ đạo bị cáo Lê Đình Trung bàn giao Tài cho Vũ Công Ngọc để tha cho về không có căn cứ, không có quyết định hủy bỏ quyết định tạm giữ theo thủ tục tố tụng hình sự.
Cáo buộc cho rằng, ông Phùng Anh Lê đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình, yêu cầu ông Bảy phải đưa 110 triệu đồng để hòa giải bồi thường cho người bị hại, nhưng thực chất, nguyên Trưởng Công an quận Tây Hồ đã chiếm hưởng số tiền này.