Nguyên Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc từ trần

NDO - Ông Ngô Bang Quốc, nguyên Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Trung Quốc đã từ trần sáng 8/10 tại thủ đô Bắc Kinh, hưởng thọ 84 tuổi.
0:00 / 0:00
0:00
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc. (Ảnh: gov.cn)
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Trung Quốc Ngô Bang Quốc. (Ảnh: gov.cn)

Ngày 8/10, Tân Hoa Xã đăng cáo phó của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Quốc hội), Quốc vụ viện (Chính phủ) nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa và Ủy ban toàn quốc Hội nghị Chính trị hiệp thương nhân dân (Chính hiệp) Trung Quốc cho biết, ông Ngô Bang Quốc, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Ban Bí thư khóa XIV, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XV, Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị các khóa XVI và XVII, nguyên Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Trung Quốc các khóa X và XI, đã từ trần lúc 4 giờ 36 phút ngày 8/10 (giờ địa phương), tại thủ đô Bắc Kinh, hưởng thọ 84 tuổi.

Ông Ngô Bang Quốc sinh tháng 7/1941, người huyện Phì Đông, tỉnh An Huy, học chuyên ngành thiết bị điện chân không tại Trường đại học Thanh Hoa, vào Đảng Cộng sản Trung Quốc tháng 4/1964, từng giữ các chức vụ Phó Bí thư rồi Bí thư Thành ủy Thượng Hải, Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, Ủy viên trưởng Ủy ban Thường vụ Đại hội đại biểu nhân dân toàn quốc (Chủ tịch Quốc hội) Trung Quốc.

Trong thời gian giữ các chức vụ lãnh đạo ở Trung ương và địa phương, ông Ngô Bang Quốc đã kiên trì định hướng cải cách kinh tế thị trường xã hội chủ nghĩa, đóng góp vào thúc đẩy cải cách doanh nghiệp nhà nước, giảm nghèo, tạo công ăn việc làm, xây dựng hệ thống an sinh xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng, làm phong phú và phát triển lý luận và thực tiễn về chế độ Đại hội đại biểu nhân dân, góp phần vào phát triển và hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa và pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Cáo phó khẳng định, ông Ngô Bang Quốc là nhà lãnh đạo quan trọng của công cuộc xây dựng nền dân chủ và pháp quyền xã hội chủ nghĩa mang đặc sắc Trung Quốc, với việc xác định công tác lập pháp là nhiệm vụ hàng đầu của Quốc hội, tổ chức sửa đổi và thông qua Hiến pháp và nhiều bộ luật quan trọng; coi trọng công tác giám sát, đối ngoại và hợp tác quốc tế, phát huy vai trò của đại biểu Quốc hội và các ủy ban chuyên trách...