Vì thế, để bảo đảm an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân, nhất là trong mùa mưa, bão, các ngành chức năng và địa phương cần hoàn thành sớm việc tu bổ, nâng cấp đối với các hồ chứa; thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn hồ, đập.
Hồ chứa nhỏ, nguy cơ lớn
Gần đây nhất là sự cố tại hồ Ðồng Chùa, huyện Tĩnh Gia (Thanh Hóa). Do ảnh hưởng của bão số 2 gây mưa to tại nhiều nơi, lượng nước lớn đổ về đã gây uy hiếp hồ Ðồng Chùa. Cụ thể, lúc 13 giờ ngày 3-7, mực nước hồ lên nhanh, khi vận hành xả tràn, cửa van số hai bị kẹt chỉ mở được một phần ba hành trình. Trong khi đó, mực nước hồ lúc 3 giờ ngày 4-7 chỉ thấp hơn cao trình đỉnh đập 0,2 m. Rất may, đến trưa 4-7, lực lượng chức năng đã kịp thời khắc phục sự cố, nếu không hậu quả sẽ rất khó lường.
Theo Tổng cục Thủy lợi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT), phần lớn hồ chứa bị xuống cấp tập trung trong nhóm hồ vừa và nhỏ, được xây dựng cách đây từ 30 đến 50 năm trong điều kiện kinh tế khó khăn, kỹ thuật hạn chế, thiếu kinh phí sửa chữa, tu bổ. Các hồ này chủ yếu trong tình trạng đập đất không đủ mặt cắt, trượt sạt mái thượng hạ lưu, lớp gia cố bị hỏng, nứt thân đập, thấm lớn qua thân và nền đập do chất lượng thi công và công nghệ chống thấm kém, gây xói ngầm. Nhiều hồ chứa thân cống lấy nước bị hỏng, mục ruỗng; mang cống bị thấm, tiêu năng sau cống xuống cấp trầm trọng; tràn xả lũ bị hỏng thân tràn, bể tiêu năng, thiếu khả năng xả lũ.
Nghệ An là một trong những địa phương có số lượng đập, hồ chứa lớn nhất nước. Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Nghệ An Hoàng Nghĩa Hiếu cho biết, toàn tỉnh có 625 hồ chứa nước, trong đó, xã và hợp tác xã quản lý 528 hồ. Ðây chủ yếu là các hồ nhỏ, phục vụ việc tưới tiêu trong phạm vi của xã. Khó khăn hiện nay là các địa phương trực tiếp đứng ra quản lý hồ nhưng nhiều nơi không có hồ sơ công trình, tài liệu thiết kế thất lạc, thậm chí không có quy trình kỹ thuật quản lý, công tác đo đạc, quan trắc thực hiện không đầy đủ. Hầu hết các đập ở công trình hồ chứa đều thiếu cao trình, mặt cắt bé. Tràn xả lũ chỉ là tràn tạm, chưa đủ chiều rộng để thoát lũ. Hệ thống vật tư, vật liệu dự phòng phục vụ xử lý sự cố còn thiếu... gây nhiều nguy cơ mất an toàn. Ðiều đáng nói là mặc dù mùa mưa, bão đã đến, nhưng đến nay vẫn còn 518 công trình hồ chứa nước tại Nghệ An chưa được nâng cấp.
Trong khi hàng nghìn đập, hồ chứa đang bị xuống cấp, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao thì nguồn kinh phí để sửa chữa, nâng cấp lại hết sức khó khăn. Hiện, mới chỉ xác định được nguồn vốn để sửa chữa 536 hồ, nâng cấp khả năng chống lũ cho năm hồ (thuộc dự án WB8), còn 1.189 hồ chứa đang ở trong tình trạng thiếu nguồn vốn đầu tư, sửa chữa. Phần lớn các hồ chứa nằm trong danh sách "báo động" là các hồ chứa nhỏ, tuy nhiên, không thể chủ quan, xem nhẹ bởi nếu xảy ra sự cố, hậu quả sẽ rất khó lường. Nhiều hồ chứa do các huyện, xã quản lý được ví như những "quả bom nước" có thể dội xuống hạ lưu bất cứ lúc nào. Mặc dù vậy, trong khi nhiều hồ chứa có nguy cơ mất an toàn, các địa phương vẫn chủ quan, lơ là. Việc thực hiện các nội dung về an toàn đập, hồ chứa chưa được quan tâm đúng mức. Ðơn cử như vấn đề lập quy trình vận hành đối với hồ chứa có tràn tự do tỷ lệ thực hiện của cả nước mới đạt 10%, việc xây dựng bản đồ ngập lụt hạ du đập chỉ đạt 3%, cắm mốc phạm vi bảo vệ đập đạt 7%, kiểm định an toàn đập đạt 4%...
Trên thực tế những năm gần đây, do không làm tốt công tác bảo đảm an toàn các hồ chứa, nhiều địa phương đã để xảy ra sự cố đáng tiếc. Cụ thể, từ năm 2010 đến nay cả nước đã xảy ra 58 sự cố về đập, hồ chứa. Trong đó, năm 2018 đã xảy ra 12 sự cố về hồ, đập. Chẳng hạn như tại Hòa Bình đã xảy ra xói chân mái tràn xả lũ Hồ Ban; tại Nghệ An, xảy ra sự cố nước tràn qua đỉnh làm vỡ 5 m hồ đập Lim, sạt 4 m mái đập hạ lưu hồ đập Lùng, xói sau tràn xả lũ hồ Khe Ngang; vụ sạt lở đuôi tràn hồ chứa nước Ðồng Bò (Khánh Hòa); vỡ đập Suối Giao Kèo, thị xã Phú Mỹ (tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu)... Những sự cố nêu trên đã gây hư hại nhiều công trình xây dựng, giao thông và gây thiệt hại lớn về tài sản, hoa màu của người dân.
Thực hiện nghiêm các quy định về an toàn hồ, đập
Theo phản ánh của nhiều địa phương, khó khăn chung hiện nay là các hồ chứa nhỏ do huyện, xã quản lý chủ yếu vận hành theo kinh nghiệm. Lực lượng trực tiếp quản lý hồ phần lớn là người dân tại chính các thôn, bản, chưa qua đào tạo cho nên chưa đáp ứng được yêu cầu về năng lực quản lý. Nguồn vốn sửa chữa, nâng cấp theo chương trình an toàn hồ chứa hằng năm còn hạn chế, không được bố trí thường xuyên dẫn đến việc các công trình hồ chứa ngày một xuống cấp nghiêm trọng. Ngoài ra, việc phân cấp quản lý khai thác đập, hồ chứa thủy lợi theo quy định gặp khó khăn do thiếu đồng thuận, nhiều địa phương không muốn bàn giao lại. Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Bình Ðịnh Nguyễn Hữu Vui cho rằng, cơ quan chức năng cần hướng dẫn các địa phương thực hiện việc phân cấp quản lý và giao nhận quản lý tài sản công trình thủy lợi nói chung và đập, hồ thủy lợi nói riêng. Nâng cao năng lực quản lý tại các hồ chứa. Tiến hành điều tra, khảo sát khôi phục hồ sơ kỹ thuật để từ đó xây dựng cơ sở dữ liệu của các hồ, phục vụ công tác quản lý vận hành...
Tổng cục trưởng Thủy lợi Nguyễn Văn Tỉnh cho biết, trước thực tế hiện nay các địa phương cần đẩy nhanh tiến độ để hoàn thành sớm việc tu bổ, nâng cấp đối với 536 hồ chứa đã xác định được nguồn vốn. Ðối với 1.189 hồ chứa còn lại, sớm hoàn thành việc sửa chữa bằng nguồn vốn hỗ trợ cấp bách sửa chữa các hồ chứa xung yếu cho các địa phương khó khăn, vốn trung hạn của Bộ NN và PTNT giai đoạn 2021-2025 và nguồn vốn trung hạn của các địa phương. Cùng với đó, tăng cường công tác quan trắc, giám sát vận hành các đập, hồ chứa, nhất là với các đập, hồ chứa có cửa van để nâng cao chất lượng vận hành, bảo đảm an toàn công trình và vùng hạ du. Rà soát, phân loại, phân cấp quản lý các đập, hồ chứa trên địa bàn phù hợp với năng lực của đơn vị quản lý khai thác theo quy định của pháp luật; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật hiện hành về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước.
Ðể bảo đảm an toàn các công trình đập, hồ thủy lợi trong mùa mưa bão, Thứ trưởng NN và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp cho rằng, các địa phương cần thực hiện nghiêm các quy định pháp luật về an toàn đập, trong đó bắt đầu bằng những việc dễ làm, có thể hoàn thành ngay như việc đăng ký an toàn đập, lập phương án bảo vệ đập. Tổng cục Thủy lợi khẩn trương tiến hành kiểm tra việc phân cấp quản lý khai thác các đập, hồ chứa của các địa phương; tổ chức làm mẫu quy trình vận hành hồ chứa để triển khai đại trà, tiết kiệm kinh phí.
Các đơn vị cần chia sẻ thông tin cảnh báo, dự báo mưa lũ, khí tượng thủy văn, tránh tình trạng lắp đặt tràn lan, gây lãng phí. Cùng với đó, thực hiện nghiêm phương châm "4 tại chỗ" trong công tác bảo đảm an toàn đập, hồ chứa thủy lợi; tổ chức diễn tập an toàn đập, hồ chứa thủy lợi, ứng phó thiên tai hằng năm, trong đó lưu ý vận hành thử các cửa van (đối với các hồ chứa mà tràn xả lũ có cửa van điều tiết). Căn cứ bản đồ ngập lụt hạ du sáu lưu vực sông liên tỉnh để xây dựng phương án ứng phó tình huống khẩn cấp. Lên phương án cụ thể và thông tin đến người dân các giải pháp ứng phó khi xảy ra sự cố thiên tai, phải đặt tính mạng và tài sản của nhân dân lên hàng đầu...