Nhiều công trình kè, đê cấp I bị đe dọa
Tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Nam Sách thời gian qua diễn biến phức tạp trên cả ba tuyến sông Thái Bình, Kinh Thầy và Lai Vu. Tại các vị trí gần sát kè bảo vệ đê ở các xã: An Sơn, Cộng Hòa, An Bình, Minh Tân, Nam Hưng, Nam Tân, mỗi vị trí thường có từ hai đến bốn tàu hoạt động và có hiện tượng khai thác theo mỏ, tạo hang sâu dưới đáy sông. Tình trạng này đã và đang đe dọa nghiêm trọng đến sự an toàn các công trình đê điều, có thể gây sập kè, sập đê bất cứ lúc nào.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Hải Dương, trong tháng 5, khu vực hạ lưu kè An Điền, xã Cộng Hòa xảy ra hai cung sạt, lấn vào gần hết mái kè. Điểm sạt gần nhất tính từ sông vào chân đê phía sông chỉ còn từ 17 đến 30 m. Trong tháng 7 và tháng 8, khu vực bãi sông hạ lưu kè Hùng Thắng, xã Minh Tân cũng xảy ra hai sự cố sạt bãi sông, đỉnh cung sạt chỉ cách chân đê phía sông từ 17 đến 18 m. Nghiêm trọng hơn, từ đầu năm đến nay, khu vực bãi sông xã Cộng Hòa xảy ra sạt lở gần 20.000 m2, lấn sâu vào trong bãi từ 50 đến 60 m. Hiện nay, qua khảo sát sơ bộ, đáy sông tại nhiều khu vực rất sâu. Cụ thể, cao trình đáy sông khu vực hạ lưu kè Hùng Thắng, xã Minh Tân điểm sâu nhất là -20 m, khu vực kè An Giới, xã An Sơn điểm sâu nhất là -20,5 m; khu vực kè An Điền (xã Cộng Hòa) điểm sâu nhất là -26 m…
Huyện Nam Sách có tuyến đê cấp I dài 39.875 m, tuyến kè dài hơn 10 km, chín tuyến kè xây dựng tại các vị trí sông cong… Hiện nay, nhiều tuyến đê, kè của huyện đang nằm trong tình trạng báo động, xuống cấp khá nghiêm trọng. Cụ thể tại xã Minh Tân, khu vực bãi sông hạ lưu kè Hùng Thắng, tương ứng từ K19+360 đến K19+540 đê tả Thái Bình; khu vực bãi sông tương ứng từ K21+000 đến K21+350 đê tả Thái Bình. Tại xã An Sơn, khu vực thượng lưu kè An Giới, tương ứng từ K9+900 đến K10+300 đê tả Thái Bình. Tại xã Nam Hưng, khu vực bãi sông tương ứng từ K4+500 đến K5+050 đê hữu Kinh Thầy. Tại xã Cộng Hòa, khu vực bãi sông tương ứng từ K17+600 đến K17+800 đê hữu sông Kinh Thầy; khu vực hạ lưu kè An Điền, tương ứng từ K19+100 đến K19+200 đê hữu sông Kinh Thầy, từ K0+000 đến K0+050 đê hữu sông Lai Vu. Riêng tại khu vực kè Hùng Thắng, từ năm 2017 đến nay, cơ quan chức năng đã bốn lần phải xử lý khẩn cấp các cung sạt, chi phí ước tính khoảng 25 tỷ đồng.
Ngày 10-10, chúng tôi có mặt tại khu vực kè An Điền (xã Cộng Hòa), một trong những “điểm nóng” về khai thác cát trái phép, thường xuyên xảy ra sạt lở. Nhiều diện tích đất trồng hoa màu của người dân đã bị sạt lở xuống dòng sông, nhiều điểm sạt lấn vào gần hết mái kè. Hạt trưởng Hạt Quản lý đê Nam Sách Nguyễn Văn Sơn lo lắng, bên cạnh nguyên nhân do địa chất xấu, sóng tàu, tác động của thủy triều thì việc khai thác cát là một trong những nguyên nhân chính gây nên hiện tượng sạt lở. Toàn huyện có khoảng 900 ha đất bãi, mỗi năm diện tích lại thu hẹp hơn. Nếu không có giải pháp bảo vệ khẩn cấp, chẳng những đất mà hệ thống kè, đê cũng có khả năng nhanh chóng bị dòng sông nuốt chửng.
Bất lực hay buông lỏng quản lý?
Tại buổi làm việc với chúng tôi gồm có Chủ tịch UBND huyện Nam Sách, lãnh đạo Công an huyện Nam Sách, Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Nam Sách Nguyễn Văn Mạnh khẳng định, Nam Sách là một trong những địa phương tiêu biểu làm tốt công tác phòng, chống khai thác cát trái phép (!). Trong khi theo thông tin chúng tôi tìm hiểu, từ đầu năm 2019 đến nay, tình trạng khai thác cát trái phép ở Nam Sách còn diễn ra hết sức phức tạp và được coi là “điểm nóng”.
Cụ thể, từ đầu năm tới nay, Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách đã phát hiện và báo cáo cho Đoàn liên ngành huyện Nam Sách 53 vụ với tổng số 136 tàu khai thác cát trái phép. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là con số các tàu khai thác cát trái phép bị bắt giữ chưa thấm vào đâu so với lượng tàu hoạt động thực tế. Theo Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách, chỉ có khoảng 20% trong tổng số các lần phát hiện, phản ánh có thể bắt giữ các đối tượng vi phạm. Thời gian và vị trí hoạt động của các đối tượng khai thác cát trái phép rất cụ thể, rõ ràng, thường kéo dài từ 21 giờ ngày hôm trước tới khoảng 4 đến 5 giờ sáng hôm sau, chủ yếu ở khu vực các xã An Sơn, Cộng Hòa, An Bình, Minh Tân, Nam Hưng, Nam Tân... Để nắm bắt được thông tin, các cán bộ trong Hạt Quản lý đê phải đối mặt với nhiều nguy hiểm. Trong quá trình đi kiểm tra, họ không dám mặc đồng phục bởi các đối tượng khai thác cát trái phép thường bố trí người theo dõi… Đại diện Hạt Quản lý đê Nam Sách bức xúc: Rất nhiều hôm, khi đoàn liên ngành phòng, chống khai thác cát trái phép có động thái ra quân, các đối tượng khai thác cát trái phép cũng lập tức rút quân. Sau khi đoàn liên ngành rời đi, các đối tượng lại cho tàu, thuyền quay trở lại hoạt động. Nhiều người đặt câu hỏi, liệu có vấn đề bảo kê và lợi ích nhóm hay không?
Chủ tịch UBND xã Hiệp Cát Nguyễn Văn Thành cho biết, mặc dù đã triển khai nhiều giải pháp nhưng tình trạng khai thác cát trái phép ở địa phương chưa có nhiều chuyển biến. Cao điểm trong khoảng thời gian từ tháng 5, tháng 6, mỗi đêm có tới ba đến bốn tàu hoạt động. Bắt đầu từ tháng 8, xã phải lập chốt canh gác ở điếm Kinh Dương và cắt cử mỗi đêm năm người trực. Khi phát hiện tàu khai thác cát trái phép, chúng tôi chủ yếu chỉ rọi đèn xua đuổi, nhiều hôm phải mượn đò ngang tiếp cận các tàu khai thác cát trái phép thì họ mới chịu đi. Cán bộ xã ngày đi làm, tối phải ra ngoài đê thức trực rất vất vả. Chúng tôi mong cơ quan chức năng sớm có giải pháp lập lại trật tự, kiểm soát được tình hình.
Trước đây ở xã Thái Tân, tình trạng khai thác cát diễn biến rất phức tạp. Trước thực trạng này, người dân đã thành lập tổ tự quản phân công người canh giữ ngày đêm, kiên quyết ngăn chặn. Nhờ vậy, tình trạng này giảm hẳn. Tuy nhiên, nhìn vào sự việc ở Thái Tân, việc chống khai thác cát trái phép chủ yếu dựa vào sức dân. Người dân không được trang bị các thiết bị bảo vệ, hạn chế về quyền hạn lại phải đối mặt với nguy hiểm, vì sợ mất đất sản xuất cho nên họ phải liều mình. Phó Trưởng Công an huyện Nam Sách, Vũ Khắc Linh phân trần, hoạt động của các đối tượng khai thác cát ngày càng tinh vi trong khi chúng tôi thiếu phương tiện chuyên dụng. Cả huyện chỉ có hai xuồng và hai xã có thuyền gắn máy nhưng các thuyền này chạy rất chậm. Nhiều khi nổ được máy xuồng thì tàu khai thác cát đã đi xa. Ngoài ra, các đối tượng hoạt động ở địa phận giáp giới với các địa phương khác cho nên rất khó quản lý, xử lý…
Trước thực trạng khai thác cát trái phép ở Nam Sách, Hạt Quản lý đê huyện Nam Sách đã nhiều lần có văn bản báo cáo Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương, lãnh đạo huyện và các đơn vị có liên quan về tình hình khai thác cát ảnh hưởng đến kè, bờ, dòng chảy trên các tuyến sông thuộc địa bàn huyện. Ngày 19-8, Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương có Văn bản số 1330/SNN-ĐĐ gửi UBND huyện Nam Sách, Công an tỉnh Hải Dương và Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hải Dương đề nghị UBND huyện Nam Sách chỉ đạo Đoàn kiểm tra liên ngành chống khai thác cát trái phép của huyện, UBND các xã ven đê có biện pháp tăng cường kiểm tra và kiên quyết xử lý các hoạt động khai thác cát trái phép trên địa bàn. Ngày 9-9, Sở NN và PTNT tỉnh Hải Dương tiếp tục có Văn bản số 1446/BC-SNN-ĐĐ báo cáo về tình trạng khai thác cát trái phép trên địa bàn huyện Nam Sách gửi UBND tỉnh Hải Dương. Trong đó, báo cáo nêu rõ thực trạng khai thác cát trái phép, nguy cơ ảnh hưởng tới an toàn các công trình đê điều ở Nam Sách và đề xuất, kiến nghị các giải pháp khắc phục. Mặc dù đã có nhiều văn bản báo cáo, đề xuất, kiến nghị xử lý dứt điểm việc khai thác cát trái phép xong đến nay tình trạng này vẫn diễn biến phức tạp.
Tình trạng khai thác cát trái phép ở Nam Sách không phải mới xảy ra mà đã tồn tại trong suốt thời gian dài. Nếu như không có sự vào cuộc quyết liệt nạn khai thác cát trái phép khó có thể giải quyết triệt để. UBND tỉnh Hải Dương cần chỉ đạo các ngành chức năng vào cuộc, thanh tra, kiểm tra làm rõ sai phạm cũng như trách nhiệm của từng cá nhân, đơn vị để từ đó sớm lập lại trật tự cũng như bảo vệ sự an toàn các công trình đê điều ở huyện Nam Sách.
Chỉ thị số 24/CT-TTg ngày 7-10-2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường xử lý vi phạm pháp luật về đê điều nêu rõ: Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư triển khai thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về đê điều và các quy định pháp luật khác có liên quan. Theo đó, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư tăng cường quản lý đê điều, chỉ đạo cơ quan chức năng và cấp ủy đảng, chính quyền các cấp ở địa phương thực hiện đầy đủ trách nhiệm ngăn chặn, xử lý vi phạm theo đúng quy định của pháp luật; phối hợp chặt chẽ với các đơn vị liên quan thường xuyên kiểm tra, kịp thời phát hiện hành vi vi phạm, ngăn chặn ngay từ khi mới phát sinh; xử lý nghiêm, kiên quyết, dứt điểm từng vụ vi phạm, gắn trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là người đứng đầu cấp ủy, chính quyền địa phương trong việc để xảy ra các vụ vi phạm pháp luật về đê điều trên địa bàn... |