Nguy cơ mất an toàn hồ chứa nước ở Thanh Hóa

Thanh Hóa hiện có 110 hồ chứa nước xuống cấp, không an toàn nhưng tiến độ nâng cấp chậm. Một số bạn đọc phản ánh tình trạng này và kiến nghị các giải pháp khắc phục, nhằm bảo đảm sản xuất và đời sống của người dân vùng hạ du.

Cống dẫn nước bị sạt lở nghiêm trọng.
Cống dẫn nước bị sạt lở nghiêm trọng.

Vận hành công trình xung yếu theo kinh nghiệm

Vượt đoạn bờ kênh sạt sâu, trơ cống tròn, chúng tôi bước lên thân đập thủy lợi Khe Dứa. Ðập đắp bằng đất cát pha nên xói lở nghiêm trọng đỉnh đập, mặt thượng lưu và hạ lưu. Cống điều tiết nước không có cửa đóng, mở, phải sử dụng ván gỗ chắn ngang để tích nước. Phía bờ trái đập, nước chảy tự do qua tràn đất, theo con mương chưa được kè lát kiên cố chảy về phía hạ lưu. Ðập Khe Dứa được xây dựng vào những năm 70 của thế kỷ 20. Nhờ có đập, diện tích tưới được mở rộng, người dân thoát cảnh thiếu lương thực. Ðược tu bổ thường niên nhưng qua gần 40 năm vận hành, khai thác, công trình thủy lợi này xuống cấp nghiêm trọng, giảm công năng phục vụ sản xuất, đời sống.

Ở huyện Tĩnh Gia, đợt mưa lũ đầu tháng 10-2013 làm nhiều hồ đập bị hư hỏng nặng. Ðập Thung Cối ở xã Phú Lâm bị vỡ, hỏng cống dẫn nước. Tại xã Trường Lâm, đập Ðồng Ðáng bị vỡ, đập Khe Nhòi, Thạch Luyện bị sạt lở, hỏng tràn. Tại xã Tân Trường, đập đất hồ Khe Luồng cũng bị vỡ, hỏng cống tưới; đập Khe Tuần bị hỏng tràn đá xây. Ðập Quy ở xã Tùng Lâm; đập Mả Trai II ở xã Xuân Lâm bị sạt lở nặng. Hơn 21 tỷ đồng đã được bố trí tu sửa, nâng cấp hồ đập. Huyện Tĩnh Gia mới được đầu tư cải tạo, nâng cấp 20 hồ đập, vẫn còn 22 hồ đập xây dựng từ lâu chưa được nâng cấp, nguy cơ mất an toàn như sạt, trượt mái, thấm nước qua mang cống, xói lở. Các công trình do UBND xã, HTX, tổ HTX dùng nước quản lý, nhưng lực lượng vận hành không có kiến thức chuyên môn, chưa xây dựng được quy trình vận hành, điều tiết nguồn nước hợp lý.

Tại vùng bán sơn địa Triệu Sơn, có 34 hồ, đập, nhưng có tới 10 công trình không an toàn. Cao trình đập thấp, thân đập yếu, sạt lở, thẩm lậu, cống hỏng chức năng điều tiết nước, tràn đất bị xói lở, có nhiều hố sâu hạ lưu tràn. Ông Phạm Văn Hợp, ở thôn 13, xã Thọ Bình, người từng gắn bó 33 năm với đập Khe Lùng cho biết: Có lần nước dâng cách đỉnh đập 35 cm, hiện mái đập bị sạt trượt, nước rò rỉ qua thân đập, cửa cống đóng không kín. Không có cửa điều tiết xả lũ, nước chảy tự do qua tràn, từng cuốn trôi ba con trâu, bò của nông dân. Mùa mưa bão, gia đình ông cùng 200 hộ dân ở hạ lưu đập sẵn sàng thực hiện phương án di dân khi công trình phát sinh sự cố. Ðập Bình Ðịnh ở xã Triệu Thành cũng luôn bị tràn nước qua đập chính, gây sạt lở, vỡ đập vào kỳ mưa bão. Nguyên do là nước từ hồ Ao Lốc, Ngọc Vành dồn xuống hồ Bình Ðịnh quá lớn. Cống điều tiết nước bị hỏng, tràn đất xói lở, nước thấm qua thân đập nên hạ lưu đập phát sinh điểm sình lầy. Phó Chủ tịch UBND xã Triệu Thành Hà Hữu Lực cho hay, 12 thôn trong xã đều có hồ đập lớn, nhỏ do HTX, tổ hợp tác dùng nước quản lý, vận hành. Hầu hết cán bộ, nhân viên khai thác công trình chưa được đào tạo, tập huấn nghiệp vụ, chuyên môn. Ðập Bình Ðịnh - Ngọc Vành là cụm thủy lợi liên hồ, nhưng vận hành theo kinh nghiệm, công trình xuống cấp, thường phát sinh sự cố, phải xử lý, khắc phục hằng năm.

Ðể hồ đập an toàn, phát huy hiệu quả

Tỉnh Thanh Hóa hiện có 610 hồ chứa nước, tổng dung tích gần hai tỷ m3, bảo đảm dung tích cắt lũ 574 triệu m3 và 1.285 triệu m3 hữu ích, phục vụ tưới 71.305 ha, cung ứng nước cho sản xuất công nghiệp, sinh hoạt. Trong đó, Công ty TNHH một thành viên Sông Chu quản lý 33 hồ, có dung tích dưới một triệu đến hơn một tỷ m3 nước, cấp nước tưới cho hơn 47.286 ha. UBND xã, thôn, HTX quản lý 577 hồ, dung tích dưới một triệu đến ba triệu m3, phục vụ tưới cho 24.037 ha. Từ năm 2000 đến hết năm 2013, có 196 hồ đã được sửa chữa nâng cấp. Hiện 14 hồ đang được đầu tư cải tạo, nâng cấp từ nguồn vốn chuyển tiếp và phân bổ theo kế hoạch năm 2014 nhằm bảo đảm an toàn hồ chứa nước.

Do nguồn vốn bố trí không ổn định, phân bổ chậm, đập Khe Lùng đã khởi công, nhưng tại thời điểm chúng tôi đi khảo sát, đập chưa được thi công. Hồ Bình Ðịnh - Ngọc Vành đang thi công tràn, mương dẫn nước, chưa thể thi công đập chính và cống dưới đập vì đang mùa mưa bão. Hồ Khe Dứa mới có quyết định phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư. Thanh Hóa còn 400 hồ thủy lợi cần được đầu tư nâng cấp, trong đó, 110 hồ mất an toàn. Nhược điểm chung của các hồ, đập là cao trình thấp, thân đập nhỏ, mái thượng lưu và hạ lưu bị sạt lở, nước thấm, rò rỉ qua thân đập đất vượt giới hạn cho phép. Tại nhiều công trình, đập bị sạt trượt, hạ lưu tràn xả lũ bị xói sâu, cống lấy nước bị lún, đóng không kín. Trước đây, nguồn vốn bố trí thực hiện chương trình an toàn hồ chứa khá ổn định, nhưng trung bình mỗi năm Thanh Hóa mới được đầu tư nâng cấp hơn 10 hồ chứa nước. Theo đó, phải 10 năm nữa Thanh Hóa mới có thể hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp số lượng hồ chứa nước có biểu hiện mất an toàn. Một số địa phương cấp đất ở, đất sản xuất nông nghiệp cho hộ dân trong vùng lòng hồ; nhiều hồ chứa không có đường quản lý, vận hành nên khi sửa chữa, nâng cấp công trình gặp khó khăn.

Hoạt động duy tu, bảo dưỡng, sửa chữa thường xuyên chưa đáp ứng yêu cầu kỹ thuật. Công tác lập phương án phòng, chống lũ lụt cho vùng hạ du đập mới chỉ dựa vào tài liệu bản đồ khu vực, kết hợp điều tra nghiên cứu tại thực địa, không có kinh phí để xác định, tính toán cụ thể. Theo quy định, các hồ chứa dưới 10 triệu m3 nước không quá bảy năm phải tổ chức tính toán lại dòng chảy, khả năng xả lũ. Thanh Hóa có 606 hồ chứa phải thực hiện quy định này, nhưng nhiều hồ hư hỏng, chưa được sửa chữa, thiếu hồ sơ quản lý, cần kinh phí để thực hiện kiểm định an toàn đập. Trong khi đó, nguồn cấp bù miễn thủy lợi phí chỉ đáp ứng việc tu bổ thường xuyên, chi bảo đảm chế độ cho con người quản lý, vận hành công trình, nên các địa phương chưa triển khai kiểm định an toàn đập.

Khắc phục bất cập trong quản lý, khai thác công trình thủy lợi trên địa bàn, Thanh Hóa dự kiến bàn giao 100 hồ đến 200 hồ có dung tích chứa 200 nghìn m3 nước trở lên cho cơ quan, doanh nghiệp chuyên ngành quản lý. Xuất phát từ yêu cầu bảo đảm an toàn cho Khu kinh tế Nghi Sơn, tỉnh bàn giao 11 hồ chứa nước ở huyện Tĩnh Gia cho Công ty TNHH một thành viên Sông Chu quản lý. Do các hồ đập không còn hồ sơ lưu trữ, ngành tài chính phải xác định giá trị tài sản còn lại, nên đến nay vẫn chưa bàn giao được hồ đập nào cho công ty do vướng thủ tục hành chính liên quan...

"Nhằm tăng mức đầu tư, đẩy nhanh tiến độ nâng cấp, bảo đảm an toàn hồ chứa nước, cần nâng nội dung này thành chương trình mục tiêu quốc gia. Chủ động bố trí vốn hằng năm nâng cấp hồ đập, bố trí kinh phí sửa chữa thường xuyên như đối với công trình đê điều. Việc đầu tư xây dựng, nâng cấp hồ chứa phải giao cho các đơn vị có năng lực chuyên môn thực hiện".

ÐINH QUANG DƯƠNG

Chi cục trưởng Chi cục thủy lợi Thanh Hóa

"Trên địa bàn xã Phú Lâm có năm hồ thủy lợi cung cấp nước tưới cho 245 ha lúa và tạo nguồn sinh thủy phục vụ sản xuất và đời sống người dân. Dù vậy, các công trình thủy lợi đều đã xuống cấp; mùa kiệt vẫn phải bơm chuyền nước từ lòng hồ lên kênh dẫn. Hiện diện tích tưới tiêu chủ động có thể trồng hai vụ lúa chỉ đạt 50% diện tích canh tác".

LÊ ÐỨC NAM

Chủ tịch UBND xã Phú Lâm, huyện Tĩnh Gia, tỉnh Thanh Hóa

"Hiện 63/610 hồ chứa có quy trình vận hành được cơ quan chức năng phê duyệt. Công tác kiểm tra công trình trước và sau lũ của các huyện chưa thường xuyên, chưa bảo đảm yêu cầu do thiếu đội ngũ cán bộ kỹ thuật chuyên ngành. Ngoài các hồ thủy lợi do công ty quản lý, cán bộ quản lý hồ chứa nước ở các xã chưa được đào tạo về chuyên môn nghiệp vụ".

(Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Thanh Hóa)