Theo các bác sĩ, hiện nay tại khoa Da liễu, Dị ứng - Miễn dịch - Lâm sàng các bệnh viện trong cả nước, mỗi ngày phải tiếp nhận hàng chục bệnh nhân bị ngộ độc, hoặc dị ứng thuốc, trong đó không ít trường hợp bị tai biến nặng do dùng thuốc điều trị cảm cúm, hạ sốt, giảm đau. Phần lớn người bệnh đều có chung tình trạng huyết áp tăng, rối loạn nhịp tim, đau đầu, buồn nôn, nôn, đau ngực, giật cơ, mạch chậm...
Bác sĩ Phạm Duệ - Phó giám đốc Trung tâm Chống độc - Bệnh viện Bạch Mai cho biết, đa số người dân quan niệm rằng thuốc điều trị cảm cúm vô hại nên đã dùng vô tội vạ. Khi thấy chưa có tác dụng thì thường uống thêm, hoặc phối hợp thuốc, hoặc thay thuốc. Điều này đã dẫn đến việc dùng quá liều, làm cho các triệu chứng nặng thêm và càng dễ bị tác dụng không mong muốn.
Thực tế thuốc điều trị cảm cúm có rất nhiều biệt dược khác nhau, hay gặp nhất là decolgen, rhumenol. Ngoài ra có thể gặp là decolsin, medicoldac... Những thuốc này rất quen thuộc với đông đảo người dân qua các hình thức quảng cáo, được người dân tin và ưa dùng. Thành phần chủ yếu của thuốc điều trị cảm cúm gồm: acetaminophen, phenylpropanolamin. Ngoài ra có thể có thêm thành phần chống dị ứng chlorpheniramin hay giảm ho dextromethorphan hoặc cả hai. Tác dụng phụ chủ yếu của các hoạt chất này là gây tăng huyết áp và rối loạn nhịp tim, đặc biệt là của phenylpropanolamin. Nhiều người đã phải vào viện cấp cứu sau khi uống những thuốc này.
Những triệu chứng mà người bệnh thường gặp sau khi dùng các thuốc điều trị cảm cúm trên là tăng huyết áp, đau đầu, đau ngực, nôn, buồn nôn, rối loạn điện tim. Mặc dù nhiều bệnh nhân dùng thuốc đúng liều hướng dẫn của nhà sản xuất (1-2 viên/lần) cũng bị tác dụng phụ. Qua thăm hỏi người bệnh được biết, hầu hết vào viện đều không có tiền sử bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp. Do vậy, vấn đề sẽ trở nên nghiêm trọng nếu một người tăng huyết áp mà dùng thuốc điều trị cảm cúm.
Bốn loại thuốc cảm cúm được người dân dùng phổ biến hiện nay là rhumenol, decolgen, decolsin, medicoldac đều có tác dụng phụ, gây tăng huyết áp, đau đầu, đau ngực, nôn. Tất cả các loại thuốc trên đều chứa chất phenylpropanolamin, chất gây co mạch với mục đích điều trị xung huyết niêm mạc, nhưng cũng là chất gây tăng huyết áp. Thuốc thường gây tai biến nhất là rhumenol. Thường sau khi uống những thuốc trên 0,5 - 4,5 giờ, tác dụng phụ của phenylpropanolamin, dextromethorphan, chlorpheniramin đã làm huyết áp người bệnh tăng vọt, loạn nhịp, đau ngực, tiêu hóa kém (chán ăn, buồn nôn, nôn), vã mồ hôi, tăng kích thích, nói khó, run, rung giật nhãn cầu, thay đổi kích thước đồng tử. Ngoài những thuốc trên còn có paracetamol, aspirin, typhy, panadol cũng là thuốc giảm đau, hạ sốt, không có tác dụng chống viêm. Với liều điều trị đúng thì những thuốc này ít tác động lên hệ tim mạch và hô hấp. Tuy nhiên dùng quá liều (8g) thì chúng lại trở thành thuốc độc, gây tổn thương gan, thận, dạ dày.
Để hạn chế những tai biến không mong muốn của những thuốc trên, mỗi khi người bệnh bị cảm cúm muốn dùng thuốc, cần phải có chỉ dẫn của bác sĩ. Ngoài ra những nhà sản xuất cần xem xét lại hàm lượng và tỷ lệ các thành phần trong thuốc, đặc biệt là phenylpropanolamin. Cũng không nên phối hợp quá nhiều thành phần, nhất là các thành phần có tác dụng phụ giống nhau vào trong một viên thuốc. Cần có thêm khuyến cáo sử dụng thuốc trong quảng cáo và trên sản phẩm. Chẳng hạn, không phối hợp thêm hoặc thay thuốc trong thời gian quá ngắn (3 giờ).