Việc phát hiện ra biến thể mới Omicron ở miền nam châu Phi càng củng cố quan điểm của giới khoa học, cho rằng tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể “khuyến khích” virus đột biến, sau đó lây lan sang các quốc gia có tỷ lệ tiêm phòng cao hơn nhiều.
Trong bối cảnh đó, theo Quỹ Mo Ibrahim, hiện chỉ có 5 trong số 54 quốc gia châu Phi có khả năng đạt được mục tiêu tiêm chủng đầy đủ cho 40% dân số vào cuối năm 2021, như Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã đề ra.
Số liệu từ báo cáo về dịch Covid-19 ở châu Phi, do quỹ cùng tên của tỷ phú viễn thông người Sudan thành lập, cho thấy, trong số 15 người dân châu Phi, mới chỉ có 1 người được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ, trong khi tỷ lệ này trong nhóm các quốc gia G7 giàu có hơn là gần 70%.
“Ngay từ đầu cuộc khủng hoảng này, tổ chức của chúng tôi cũng như các ý kiến khác trên khắp châu Phi đã cảnh báo rằng, 1 châu Phi có tỷ lệ tiêm chủng thấp có thể trở thành 1 “lồng ấp hoàn hảo” cho các biến thể”, chủ tịch quỹ, ông Mo Ibrahim cho biết trong 1 tuyên bố.
Ông nói thêm: “Sự xuất hiện của biến chủng Omicron nhắc nhở chúng ta rằng Covid-19 vẫn là 1 mối đe dọa toàn cầu và tiêm chủng cho dân số toàn thế giới là biện pháp duy nhất để đối phó. Tuy nhiên, sự phân biệt đối xử nghiêm trọng về vaccine vẫn tồn tại, và châu Phi nói riêng đang bị bỏ lại phía sau”.
Nguồn cung vaccine cho châu Phi càng thiếu hụt sau khi các nước phát triển bắt đầu nhận được những đơn đặt hàng ban đầu từ các công ty dược phẩm. Khởi đầu chậm chạp trong việc phân phối vaccine đến châu Phi của chương trình chia sẻ vaccine toàn cầu COVAX cũng khiến châu lục này lâm vào tình trạng thiếu hụt nguồn cung.
Báo cáo cho biết, vaccine phòng Covid-19 cung cấp cho châu Phi đã tăng lên trong những tháng gần đây, nhưng hệ thống chăm sóc sức khỏe yếu kém và cơ sở hạ tầng hạn chế đang khiến công tác triển khai tiêm chủng gặp khó khăn. Bên cạnh đó, một số lượng vaccine cũng buộc phải tiêu hủy do thời hạn sử dụng ngắn trong khi khả năng bảo quản tại đây còn kém.
Theo báo cáo của Quỹ Mo Ibrahim, đại dịch cũng bộc lộ sự yếu kém về năng lực đăng ký hộ tịch tại châu Phi, với chỉ 10% số ca tử vong ở châu lục này được báo cáo chính thức. Điều này càng làm tăng khả năng cho thấy tỷ lệ tiêm chủng thực tế thậm chí còn thấp hơn số liệu thống kê chính thức được công bố.
Tổ chức này cũng khuyến nghị tăng cường mạng lưới an sinh xã hội để bảo vệ những người dễ bị tổn thương, trong bối cảnh chi phí trung bình ở châu Phi để ứng phó với Covid-19 tính theo tỷ trọng GDP không bao gồm chi phí chăm sóc sức khỏe chỉ là 2,4% GDP, thấp hơn một nửa mức trung bình toàn cầu.
Theo Trung tâm Kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh châu Phi, mới chỉ có khoảng 6,6% dân số của châu lục 1,2 tỷ người này được tiêm phòng Covid-19 đầy đủ. Trong khi đó, tỷ lệ này ở các nhân viên y tế cũng mới chỉ đạt 1/4.
Trong số khoảng 403 triệu liều vaccine ngừa Covid-19 được phân phối cho 54 quốc gia châu Phi, mới có khoảng 55%, tương đương 221 triệu liều, được tiêm.