Ngày 15/7, trả lời phỏng vấn của tờ Bưu điện Bangkok, Thứ trưởng Bộ Y tế Thái Lan Sathit Pitutecha cho biết, thời hạn AstraZeneca bàn giao lô vaccine dự kiến trước đây vào cuối năm nay có thể sẽ bị dời sang tháng 5-2022, mặc dù hãng này hứa sẽ làm hết sức mình để bám sát kế hoạch ban đầu. Hiện AstraZeneca không có đủ năng lực sản xuất để đáp ứng nhu cầu vaccine ngày một gia tăng trên toàn cầu. Tuy nhiên, ông Sathit khẳng định nếu một quốc gia khác đã đặt mua AstraZeneca nhưng lại tìm được nguồn vaccine từ một nhà sản xuất khác, chính phủ Thái Lan sẽ đàm phán với công ty để chuyển số vaccine của nước đó cho Thái Lan.
Theo lộ trình mua vaccine ban đầu, từ tháng 7 đến hết năm 2021, AstraZeneca sẽ cung cấp cho Thái Lan 10 triệu liều vaccine mỗi tháng. Nhưng gần đây chính phủ Thái Lan đã thừa nhận rằng, công ty này chỉ có thể cung cấp cho Thái Lan khoảng từ 5 tới 6 triệu liều vaccine mỗi tháng, tương đương 1/3 năng lực sản xuất của Siam Bioscience, công ty được AstraZeneca ủy quyền sản xuất. Số vaccine còn lại sẽ được dùng để xuất khẩu sang các nước trong khu vực. Trước tình hình này, chính phủ Thái Lan ngày 14/7 tuyên bố sẽ cân nhắc đưa ra các quy định nhằm hạn chế lượng vaccine Covid-19 xuất khẩu ra khỏi đất nước.
Theo ông Sathit, Chính phủ Thái Lan đã đặt ra lộ trình tiêm chủng khoảng 100 triệu liều vaccine Covid-19 trong năm nay, chủ yếu là sản phẩm của AstraZeneca, Sinovac và Pfizer. Ông nói: “Cục Kiểm soát dịch bệnh Thái Lan (DDC) đã ký một hợp đồng để mua 20 triệu liều vaccine từ Pfizer vào ngày 16/7. Tổ chức Dược phẩm nhà nước cũng sẽ ký thỏa thuận để mua 5 triệu liều vaccine từ Modena vào tuần tới. Tất cả số vaccine này dự kiến sẽ được chuyển giao vào tháng 10 năm nay”. Về phần mình, AstraZeneca tuyên bố: “Chúng tôi đang phối hợp tích cực với Chính phủ Thái Lan và các nước Đông Nam Á để tiếp tục giúp tất cả các nước trong khu vực được tiếp cận nguồn vaccine một cách công bằng”.
Trong khi đó, liên quan tới chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của Thái Lan, ngày 15/7, hiệu trưởng, trưởng khoa của 10 trường y khoa của nước này tuyên bố ủng hộ kế hoạch tiêm phối hợp hai loại vaccine Sinovac và AstraZenca của chính phủ nhằm tăng khả năng bảo vệ trước biến chủng Delta.
Trước đó, Chính phủ Thái lan đã tuyên bố thay đổi chính sách tiêm vaccine nhằm đối phó tốt hơn với sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Delta. Theo đó, những người đã được tiêm mũi vaccine đầu tiên của hãng Sinovac, sẽ được tiêm mũi thứ 2 sử dụng vaccine của AstraZeneca sau đó từ 3 tới 4 tuần. Thay đổi này được đưa ra sau cuộc họp của Ủy ban Dịch truyền nhiễm quốc gia Thái Lan nhằm bàn thảo các biện pháp để đối phó với biến chủng Delta có nguồn gốc từ Ấn Độ và hiện đang trở thành chủng gây nhiễm Covid-19 chủ yếu ở Thái Lan.
Trong phát biểu của mình, hiệu trưởng các trường y khoa Thái Lan, đồng thời cũng là cố vấn của Trung tâm Xử lý tình hình dịch Covid-19 (CCSA), tuyên bố ủng hộ quyết định của ủy ban và nói rằng quyết định này cần sự ủng hộ của tất cả các bên.
Dẫn kết quả nghiên cứu những người đã được tiêm vaccine hỗn hợp ở Thái Lan, các chuyên gia này khẳng định việc tiêm các mũi vaccine hỗn hợp sẽ giúp tăng khả năng đề kháng trước biến chủng Delta và bảo vệ các nhân viên y tế ở tuyến đầu chống dịch. Họ cho biết, biến chủng Delta hiện đang lây lan rất nhanh ở Thái Lan và chiếm tới 69% số ca nhiễm ở thủ đô Bangkok.
Các chuyên gia cho biết, tại Anh, chu kỳ tiêm giữa hai mũi vaccine AstraZeneca đã phải rút ngắn từ 12 tuần xuống 8 tuần sau khi khả năng miễn dịch của mũi đầu tiên không đủ để chống lại biến chủng Delta. Còn ở Thái Lan, kết quả hai nghiên cứu về tiêm vaccine hỗn hợp đã cho thấy khả năng miễn dịch của những người được tiêm hai mũi vaccine hỗn hợp cao hơn gấp 8 lần so với những người chỉ tiêm 2 liều Sinovac. Khả năng kháng lại biến chủng Delta của những người được tiêm vaccine hỗn hợp cũng cao hơn và có thể giả định rằng hiệu quả của liệu pháp vaccine hỗn hợp chống lại biến chủng này lên tới 80%.
Tuyên bố của các chuyên gia y tế viết: “Mặc dù hiệu quả của việc tiêm hỗn hợp vaccine chưa có chứng cứ chắc chắn, chúng tôi ủng hộ việc xem xét khả năng miễn dịch của những người đã được áp dụng biện pháp này và những tác động phụ nghiêm trọng hiếm gặp. Chúng tôi quyết định ủng hộ quyết định áp dụng biện pháp tiêm hỗn hợp hai loại vaccine”.