Nguy cơ bạo lực lan sang Liban

Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) thông báo quân đội Israel đang “tiếp tục chuẩn bị cho giai đoạn chiến tranh tiếp theo, bao gồm cả tác chiến trên bộ”, với lượng lớn xe tăng và binh sĩ đã tập trung gần khu vực giáp dải Gaza. Hơn 300.000 binh sĩ dự bị cũng đã được triệu tập.
0:00 / 0:00
0:00
Binh sĩ Israel tại một vị trí gần biên giới Liban.
Binh sĩ Israel tại một vị trí gần biên giới Liban.

Máy bay Israel ngày 22/10 đã tấn công khu phức hợp bên dưới đền thờ Hồi giáo al-Ansar ở Bờ Tây. Ðây là cuộc không kích thứ hai của Israel trong những ngày gần đây nhằm vào Bờ Tây.

Kể từ khi bùng phát xung đột giữa Hamas và Israel, ước tính 1.400 người Israel đã thiệt mạng, hơn 4.600 bị thương. Trong khi đó, gần 4.400 người Palestine ở Gaza đã thiệt mạng và khoảng 13.560 người bị thương. IDF trong ngày 21/10 đã nhiều lần cảnh báo người dân Gaza sơ tán về khu vực miền nam dải đất ven biển này.

20 xe tải chở hàng cứu trợ đã vào Gaza qua cửa khẩu Rafah giáp giới với Ai Cập sau hai tuần bị Israel phong tỏa. Tuy nhiên, đại diện phía Hamas cho rằng, số lượng hàng cứu trợ ít ỏi trên không thể giúp giải quyết cuộc khủng hoảng nhân đạo đang diễn ra tại đây. Ðiều quan trọng là phải thiết lập một hành lang an toàn để kịp thời hỗ trợ nhân đạo và cho phép người bị thương được chăm sóc y tế.

Tại hội nghị thượng đỉnh hòa bình Cairo do Ai Cập đăng cai tổ chức nhằm thảo luận cách giảm leo thang xung đột giữa Hamas và Israel cũng như ngăn chặn nguy cơ xung đột lan rộng ra toàn khu vực, các nhà lãnh đạo Arab đã tập trung vào sự cần thiết phải chấm dứt căng thẳng ở Gaza và các bên trở lại bàn đàm phán. Sự khác biệt về quan điểm giữa các phái đoàn Arab và phái đoàn châu Âu đã cản trở quá trình ra tuyên bố chung của hội nghị.

Ngày 21/10, năm cơ quan của Liên hợp quốc (LHQ), gồm Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chương trình Lương thực Thế giới (WFP), Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), Cơ quan Phát triển LHQ (UNDP) và Quỹ Dân số LHQ (UNFPA), cho rằng, tình hình nhân đạo ở dải Gaza là “thảm khốc”, đồng thời kêu gọi sự trợ giúp nhiều hơn nữa của cộng đồng quốc tế. Các tổ chức LHQ cảnh báo rằng thời gian không còn nhiều trước khi tỷ lệ tử vong tăng vọt do dịch bệnh bùng phát và thiếu năng lực chăm sóc sức khỏe.

Bộ trưởng Ngoại giao Maroc Nasser Bourita cho biết Maroc bác bỏ mọi sáng kiến nhằm di dời người Palestine, đồng thời kêu gọi khởi động một tiến trình hòa bình thật sự. Trong khi đó tại Anh, khoảng 100.000 người đã tham gia biểu tình ủng hộ Palestine ở trung tâm thủ đô London, đồng thời yêu cầu ngừng bắn ngay lập tức tại dải Gaza.

Tổng thống Các Tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) Sheikh Mohammed bin Zayed và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã có cuộc điện đàm nhằm thảo luận về tình hình dải Gaza. Mỹ đã đề xuất một dự thảo nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ, trong đó kêu gọi bảo vệ dân thường chịu ảnh hưởng trong cuộc xung đột Hamas-Israel.

Theo thông báo của Bộ Ngoại giao Mỹ ngày 21/10, Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với Thủ tướng tạm quyền của Liban Najib Mikati bày tỏ quan ngại về nguy cơ Liban bị cuốn vào cuộc xung đột hiện nay giữa Israel và Hamas. Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh giao tranh giữa Israel và lực lượng Hezbollah ở khu vực miền nam Liban tiếp diễn trong ngày 21/10, gây thương vong cho cả hai bên.

Theo thông báo của Hezbollah, 4 chiến binh của Hezbollah ở miền nam Liban thiệt mạng trong các đợt không kích từ Israel. Một nhóm vũ trang khác là phong trào Thánh chiến Hồi giáo Palestine (PIJ) cũng tuyên bố có một chiến binh thiệt mạng do bom của Israel. Tuyên bố cũng cho biết tên lửa dẫn đường của lực lượng này đã đánh trúng một xe tải quân sự của Israel ở khu vực Dovev, thuộc miền bắc Israel, gây thương vong cho toàn bộ binh lính trên xe.

Trong khi đó, quân đội Israel cho biết, lực lượng Hezbollah đã bắn tên lửa chống tăng vào ngôi làng Baram ở miền bắc Israel, khiến ba binh sĩ của họ bị thương, trong đó có một người trong tình trạng nguy kịch. Israel cũng ra lệnh sơ tán người dân tại thị trấn biên giới Kiryat Shmona, nơi có khoảng 25.000 người và nằm trong tầm bắn của Hezbollah.