Thiếu hụt do nhu cầu tăng
Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh Kiên Giang là bệnh viện loại I, với đội ngũ thầy thuốc có chuyên môn cao so với các bệnh viện tuyến tỉnh khu vực đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhưng cũng đang rơi vào tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực trầm trọng. Phó Giám đốc BVĐK tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Sơn cho biết: Trong tổng số hơn 2.000 cán bộ, công chức, viên chức và người lao động có 397 bác sĩ, 27 thạc sĩ và hai tiến sĩ. Bệnh viện đang thiếu khoảng 120 bác sĩ, thời gian tới tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực sẽ còn trầm trọng hơn khi bệnh viện chuyển về cơ sở mới quy mô lớn hơn, nhất là lại thành lập thêm bảy khoa phòng. Mặt khác, vẫn có bác sĩ về hưu và số ít bác sĩ xin nghỉ việc ra làm tư nhân. Theo hướng phát triển trong tương lai, BVĐK tỉnh Kiên Giang sẽ tiếp tục phát triển hơn nữa và nhu cầu về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao là rất lớn.
Đáng chú ý, Kiên Giang đang là một trong những địa phương có tình trạng dịch chuyển nhân sự ngành y tế từ khu vực “công” sang khu vực “tư” rất đáng lo ngại. Từ năm 2001 đến nay, toàn ngành y tế Kiên Giang có 78 người trình độ từ đại học trở lên xin ra khỏi cơ sở công lập hoặc ra khỏi tỉnh Kiên Giang. Những năm gần đây, số người xin đi ngày một tăng, năm 2016 là 15 người, năm 2017 là 19 người.
Từ đầu năm 2018 đến nay, ngành y tế tỉnh đã giải quyết cho sáu bác sĩ, một dược sĩ cao cấp và một thạc sĩ xin ra khỏi nhà nước chưa kể số đơn chưa được giải quyết vẫn còn nhiều. Theo đánh giá của Trưởng phòng Tổ chức cán bộ, Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Đỗ Thiện Tùng thì việc các bệnh viện, các cơ sở y tế công lập hằng năm phải cố gắng tuyển dụng, đào tạo nhằm bù đắp cho số thầy thuốc nghỉ hưu, giờ phải tiếp tục tìm nhân sự thay thế số thầy thuốc xin chuyển, mà phần lớn là thầy thuốc có chuyên môn giỏi, giàu kinh nghiệm cho nên rất hụt hẫng.
Hiện chỉ số về nguồn nhân lực của ngành y tế tỉnh Kiên Giang đang ở mức khá thấp, mới đạt 6,07 bác sĩ trên mười nghìn dân, trong khi tỷ lệ trung bình của cả nước hiện là 7,4 bác sĩ trên mười nghìn dân. Trong thời gian tới, áp lực về nguồn nhân lực sẽ tiếp tục tăng khi hàng loạt các đơn vị: Trung tâm Y học hạt nhân và xạ trị, các bệnh viện: Tâm thần, Lao, Ung Bướu, Sản Nhi (quy mô từ 100 đến 400 giường) chính thức đi vào hoạt động. Cùng với đó là việc chia tách một số huyện, triển khai đề án “phát triển y tế biển đảo” cho nên nhu cầu bác sĩ tiếp tục tăng cao.
Không chỉ đối mặt với thách thức về thiếu hụt nhân lực, ngành y tế Kiên Giang còn gặp tình trạng mất cân đối về cơ cấu và phân bố giữa các địa phương. Đội ngũ bác sĩ chuyên ngành lao, phong, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh đang thiếu trầm trọng; số cán bộ điều dưỡng có trình độ đại học chỉ chiếm 0,6% trên tổng số công chức. Ngoài ra, tại các trạm y tế tuyến xã không đủ bác sĩ để bố trí làm việc ổn định mà phải thường xuyên thực hiện luân phiên từ tuyến trên về. Thế nhưng đến thời điểm này, tỉnh chưa xây dựng được chính sách khuyến khích, ưu tiên cho đào tạo các chuyên ngành ít người tham gia tự đào tạo, nhưng rất cần thiết cho sự phát triển của ngành.
Ngoài ra, khó khăn trong thực hiện chính sách đào tạo theo địa chỉ sử dụng là chỉ tiêu ít so với nhu cầu; đối với y tế biển đảo, vùng sâu, vùng xa thiếu nguồn nhân lực để cử đi học hoặc có nguồn thì không bảo đảm tiêu chuẩn thi tuyển đầu vào của trường. Hiện nay, tỉnh Kiên Giang chưa có chính sách tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ riêng cho nhân lực ngành y tế.
Cần giải pháp đột phá
Kế hoạch bảo đảm nguồn nhân lực ngành y tế đến năm 2020 và những năm tiếp theo của tỉnh Kiên Giang đề ra mục tiêu đến năm 2020 phải đạt tỷ lệ 7,9 bác sĩ trên 10 nghìn dân; ngành y tế tỉnh Kiên Giang phải thu hút được 100 bác sĩ học chính quy, 80 bác sĩ đào tạo theo địa chỉ sử dụng cho các chuyên ngành hiếm như: Phong, lao, tâm thần, pháp y, giải phẫu bệnh…
Theo Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang Lê Hoàng Anh, từ tháng 7-2017, tỉnh Kiên Giang đã thực hiện chính sách thu hút nguồn nhân lực y tế đối với những thầy thuốc có trình độ từ bác sĩ đa khoa trở lên được đào tạo chính quy, cam kết làm việc tại tỉnh từ 5 năm trở lên sẽ được hỗ trợ một lần 150 triệu đồng. Nếu những thầy thuốc này làm việc tại tuyến cơ sở, vùng khó khăn còn được hỗ trợ nhà ở công vụ, hoặc hỗ trợ chi phí thuê nhà.
Đối với những sinh viên ngành y có hộ khẩu thường trú tại Kiên Giang sắp ra trường có nguyện vọng phục vụ cho tỉnh sẽ được hỗ trợ hai năm học cuối khóa, mỗi năm 20 triệu đồng. Đối với bác sĩ đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng của các chuyên ngành hiếm, hoặc bác sĩ đa khoa đào tạo chính quy theo địa chỉ sử dụng nếu cam kết làm việc từ 5 năm, phục vụ đúng chuyên ngành hiếm thì được hỗ trợ một lần 100 triệu đồng.
Đây là nguồn kinh phí mà Kiên Giang chi ra để thu hút 180 bác sĩ chính quy theo kế hoạch. Tuy nhiên trong hai năm thực hiện, số bác sĩ mà tỉnh thu hút không như dự kiến, chủ yếu là các bác sĩ, sinh viên y khoa có hộ khẩu thường trú ở Kiên Giang, và những viên chức mà Kiên Giang đưa đi đào tạo theo địa chỉ sử dụng. Không thu hút được những người từ địa phương khác là do nhiều tỉnh, thành phố trong vùng cũng đã đề ra chính sách thu hút tương tự từ rất sớm.
Trước những khó khăn về nguồn nhân lực cho ngành y, nhiều ý kiến cho rằng, Bộ Y tế, UBND tỉnh Kiên Giang cần ưu tiên hỗ trợ để ngành y tế tỉnh Kiên Giang thực hiện ngay những giải pháp đột phá về chính sách, tuyển dụng, đào tạo mới hy vọng nhanh chóng xoay chuyển được tình hình. Ngoài các chính sách hiện có về trợ cấp, phụ cấp, cần tăng cường chính sách thu hút và đãi ngộ cho đội ngũ y tế tại các xã đảo, huyện đảo, vùng sâu, vùng xa; ưu tiên trong đào tào, tuyển dụng, lương cho các bác sĩ có chuyên môn tốt; có hình thức hỗ trợ tài chính như cấp học bổng, miễn học phí và những ưu đãi khác để giúp tăng số lượng tuyển sinh là người ở các địa bàn khó khăn.
UBND tỉnh Kiên Giang cần thực hiện chính sách bồi dưỡng, đào tạo, thu hút, tuyển dụng, đãi ngộ riêng biệt đối với ngành y tế. Ông Nguyễn Văn Sơn đề xuất, ngoài việc tăng chỉ tiêu đào tạo cho các trường đại học, tăng chỉ tiêu đào tạo bác sĩ theo địa chỉ sử dụng, cần thực hiện các giải pháp nhằm giảm bớt áp lực bệnh nhân, nhân sự cho y tế tuyến trên.