Người Việt ở Pháp với cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp

Khi nhân dân cả nước hưởng ứng Lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến của Chủ tịch Hồ Chí Minh phát đi ngày 19-12-1946, những người Việt yêu nước tại Pháp tổ chức nhiều hoạt động hướng về quê nhà ở khắp các thành phố, địa phương của Pháp.

Tinh thần yêu nước từ tổ chức "Nhóm người An Nam yêu nước" do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập năm 1919 đã lan truyền đến những người Việt sang Pháp từ đầu thế kỷ 20. Từ năm 1938 trở đi, ngày càng có nhiều sinh viên sang Pháp học, không chỉ để sau này có công ăn việc làm tốt mà còn tiếp thu những tư tưởng tiến bộ, tham gia các hoạt động hướng về quê hương. Trong thời gian kháng chiến chống thực dân Pháp, nhiều nhà trí thức, khoa học đã tham gia với trí tuệ và lòng yêu nước của mình như Trần Đại Nghĩa, Phạm Ngọc Thạch, Tạ Quang Bửu, Lê Văn Thiêm, Phạm Huy Thông, Trần Đức Thảo, Nguyễn Xiển, Nguyễn Khắc Viện... Những ngọn lửa đầu tiên đó đã tập hợp được những người Việt Nam tại Pháp cùng chí hướng và từ năm 1945 phong trào yêu nước tại Pháp đã phát triển mạnh hơn, có hệ thống, tổ chức bài bản. Họ đến Pháp học nhưng tấm lòng luôn hướng về Việt Nam và trở thành lực lượng nòng cốt phong trào yêu nước của cộng đồng người Việt trong giai đoạn 1945-1975.

Sang Pháp từ đầu năm 1945, ông Nguyễn Văn Tùng chỉ biết chú tâm vào việc học hành theo lời dặn của bố mẹ. Nhưng sau mấy tháng, ông thấy nhiều anh chị lớn tuổi hơn thường xuyên nói chuyện về tình hình trong nước, quân Pháp đánh ở đâu, nhân dân tham gia kháng chiến ra sao. Mãi tới khi Chủ tịch Hồ Chí Minh sang thăm Pháp, ông mới được đi cùng trong đoàn người Việt từ nhiều nơi trên đất Pháp đến Pa-ri để chào đón Người. Từ đó, ông luôn suy nghĩ: Tại sao các anh chị lại tham gia hoạt động phong trào bất chấp nguy cơ bị trục xuất về nước?

Ông Tùng nhớ lại: Hồi đó báo chí Pháp đưa tin rằng, Việt Nam tuyên bố độc lập sau khi phát-xít Nhật đầu hàng, rồi quân Pháp do tướng Lơ Cờ-léc đưa quân sang để giúp quân Anh lập lại trật tự. Khi đó chỉ có những ai biết tiếng Anh, nghe đài Anh thì mới biết thêm thông tin về chiến sự ở trong nước. Tại Pháp, tôi và nhiều người Việt khác chỉ biết hoạt động của Đảng Cộng sản Pháp rất mạnh, nhất là trong giai đoạn 1945-1946. Một số sinh viên người Việt thường gặp nhau vào cuối tuần để bàn chuyện học hành, trao đổi tin tức quê nhà và sau đó là chủ đề chính trị. Tới cuối tháng 5-1946, những anh chị hoạt động tích cực hay bàn về cuộc đàm phán giữa Pháp và Việt Nam, rồi có ý kiến cho rằng, chưa chắc Pháp đã rút quân vì giới cầm quyền lúc đó vẫn theo đuổi chính sách thống trị các nước thuộc địa, trong đó có Việt Nam. Khi có nhiều thông tin hơn, tôi và nhiều người khác có cảm tình với đường lối đấu tranh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không tham gia hoạt động như các anh chị trong phong trào nhưng lúc Bác Hồ đến Pa-ri đã làm thay đổi mọi suy nghĩ của ông Tùng về đất nước, nơi đang bị quân Pháp chiếm đóng. Ông kể lại: Lúc đó kiều bào ở Pa-ri vui như đi hội, háo hức chờ đón vị Chủ tịch của nước Việt Nam độc lập. Ai cũng muốn nhìn thấy, nói chuyện với Người. Không có may mắn được tham gia các cuộc gặp Bác, nhưng tôi vẫn nhớ mãi lời của Người với kiều bào ở Pháp: Đồng bào trong nước ta thì quyết tâm không chịu làm nô lệ nữa, cả nước đồng sức, đồng lòng đứng dậy đấu tranh giành độc lập. Rồi Bác dặn dò mọi người cố gắng học nghề cho tới nơi tới chốn, nghề gì cũng được, để sau này có điều kiện về phục vụ đất nước. Bác cũng căn dặn mọi người, dù ở đâu và làm bất cứ công việc gì cũng đừng quên mình là người Việt Nam. Bác quả là người vĩ đại vì đã thu hút được sự quan tâm, cảm tình của nhân dân Pháp. Trong thời gian thăm Pháp, Người đã làm cho dư luận Pháp hiểu về khát vọng độc lập, hòa bình và thống nhất đất nước của nhân dân Việt Nam, về thiện chí của nước Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tùng cho biết: Cũng từ đó, ông mới biết đến phong trào Việt Minh với người lãnh đạo là Chủ tịch Hồ Chí Minh và bắt đầu đi theo các anh chị biểu tình, rải truyền đơn phản đối thực dân Pháp, ủng hộ cuộc đấu tranh của nhân dân ở trong nước. Trong suốt những năm kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi chống đế quốc Mỹ, ông thường xuyên tham gia hoạt động phong trào, làm tất cả những gì có thể để giúp đất nước, quyên góp hay vận động người Pháp ủng hộ Việt Nam. Có những lúc bị chính quyền Pháp gây khó dễ, bị những người Việt theo thực dân Pháp hoặc đế quốc Mỹ ngăn cản, đe dọa. Khó khăn, nguy hiểm là vậy nhưng ông vẫn làm.

Ông nói: Dù đến từ một đất nước nhỏ bé, tôi vẫn hay kể với bạn bè Pháp về lịch sử vô cùng tự hào của Việt Nam, đánh thắng tất cả quân xâm lược như quân Nam Hán, Tống, Nguyên, Minh, Thanh. Với các bạn Pháp, tôi nói rằng người Việt Nam đánh quân Pháp vì mục đích duy nhất là giành lại độc lập, tự do. Nhiều người Việt ở Pháp rất giỏi, có đóng góp cho nước Pháp trong chiến tranh chống sự chiếm đóng của phát-xít Đức. Vậy tại sao quân Pháp không chấm dứt áp bức, đàn áp, giết hại người Việt Nam.

Có lần, một người Pháp có người thân đi lính hỏi tại sao người Việt ở đây lại chống đối, tại sao lại giết người thân của họ ở Việt Nam? Ông Tùng trả lời luôn: Có người Việt nào sang bắn giết người Pháp không? Khi phát-xít Đức truy sát, tại sao người Pháp lại tham gia kháng chiến? Thế giới đều biết người Việt Nam muốn hòa bình, chứ không ai muốn làm nô lệ, vậy mà quân Pháp vi phạm Tạm ước hòa bình, vẫn tiếp tục giết hại đồng bào tôi...

Ông Tùng kể tiếp: Người Pháp yêu chuộng hòa bình hiểu điều đó và họ đã ủng hộ hết lòng như hành động dũng cảm của bà Ray-mông Điêng, nằm trên đường ray xe lửa chặn đoàn tàu chở vũ khí, binh lính từ Pháp sang Việt Nam để gây tội ác. Ở nước Pháp, nhiều người rất yêu và nhiệt tình giúp nước ta, vậy tại sao người Việt lại không thể. Chính điều đó càng thôi thúc chúng tôi phải thực hiện sứ mệnh của những người con đất Việt ở nơi xa xứ. Khi nước nhà chung một niềm vui Chiến thắng Điện Biên Phủ, ở đây, tôi cũng trào dâng nước mắt, trong lòng tự hào lắm.

Với Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn, Chủ tịch Hội Người Việt Nam tại thành phố Grơ-nốp ở đông nam nước Pháp, sang Pháp năm 1949, biết đến kháng chiến chống Pháp từ cơ duyên gặp bác sĩ Nguyễn Khắc Viện - một người lãnh đạo phong trào Việt kiều yêu nước tại Pháp. Ông kể: Nhắc đến thời kỳ chiến tranh Pháp-Việt, tôi ghi ơn, và muốn nói nhiều về bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, người đã tích cực vận động trí thức Việt và Pháp ủng hộ cuộc kháng chiến của Việt Nam, đòi hòa bình, chấm dứt chiến tranh do thực dân Pháp tiến hành ở Việt Nam. Chính tấm gương sáng của bác sĩ đã khuyến khích tôi đem hết tâm trí hướng về quê hương.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn nhớ lại: Cách đây hơn nửa thế kỷ, khi thi đỗ vào Đại học Bách khoa Grơ-nốp - trung tâm đào tạo-nghiên cứu nổi tiếng của Pháp, tình cờ, có một giáo sư người Pháp hỏi ông có bà con với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện không, vì cùng một họ Nguyễn Khắc. Ông trả lời là không. Giáo sư khuyên nên tìm gặp bác sĩ Khắc Viện đang dưỡng bệnh lao ở nhà an dưỡng Xanh I-le đu Tu-vê, cách Grơ-nốp 30 km. Vị giáo sư bảo rằng bác sĩ Nguyễn Khắc Viện rất đáng kính trọng. Nhân dịp nghỉ lễ Giáng sinh, ông Nhẫn tới thăm bác sĩ.

Được bác sĩ Nguyễn Khắc Viện hướng dẫn, ông Nhẫn gia nhập phong trào yêu nước: Tổng hội Sinh viên Việt Nam (và sau đó là Liên hiệp Việt kiều mà bác sĩ Viện là Tổng thư ký). Cùng với các bác lính thợ ở Grơ-nốp như Nguyễn Văn Linh, Đoàn Bằng, Lê Thọ, Bùi Lịnh, Trần Tiến Thái, Nguyễn Sáu và nhiều bác khác, ông Nhẫn tham gia các cuộc biểu tình chống chiến tranh Việt Nam do nghiệp đoàn CGT, Đảng Cộng sản và sinh viên Pháp tổ chức. Ông cũng có nhiều dịp đi dán truyền đơn, thường là vào ban đêm vì sợ cảnh sát bắt, ở các đường phố với các bác lính thợ.

Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn nhớ lại: Dân chúng Pháp lúc bấy giờ bắt đầu nghe danh tiếng Bác Hồ và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Họ dần dần hiểu lý do kháng chiến chống ngoại xâm của ta. Dư luận trách chính quyền Pháp đã hy sinh con cháu họ trong một cuộc chiến tranh dơ bẩn. Tôi luôn nhớ và cảm phục những người Pháp hết lòng ủng hộ, đấu tranh cho Việt Nam như Ăng-ri Mác-tanh, Ray-mông Điêng, Ma-đơ-len Ri-phô vì họ đã chung sức ủng hộ dân tộc ta và phản đối quân đội Pháp gây chiến và tàn phá Việt Nam. Tôi không thể nào quên buổi liên hoan của các bác lính thợ ở I-lơ Véc vỗ tay mừng ngày Chiến thắng Điện Biên Phủ và Hiệp định Giơ-ne-vơ.

Là Giáo sư của Viện Kinh tế chính sách năng lượng và Trường đại học Bách khoa Grơ-nốp, Giáo sư Nguyễn Khắc Nhẫn tiếp tục đóng góp cho sự phát triển khoa học của nước nhà, luôn nhớ những ngày tham gia đấu tranh chống cuộc xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Với ông, những Việt kiều yêu nước cống hiến tài năng và tâm đức cho đất nước như bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và nhiều người khác là nguồn động viên phong trào yêu nước tại Pháp, giúp người Việt ở Pháp thấy niềm hy vọng, mơ ước của mình được thắp lên.

Vẫn còn đó những ngày tháng đầy tự hào của kiều bào tại Pháp được đóng góp cho đất nước, từ những ngày đầu của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, rồi đế quốc Mỹ. Đất nước thống nhất, Việt kiều ở Pháp tiếp tục sứ mệnh của mình nơi xa xứ, tổ chức các hoạt động đóng góp tiền bạc, thuốc men, dụng cụ y học, đóng góp về kinh tế, khoa học kỹ thuật, phương tiện và kiến thức y học cho đất nước. Với họ, mỗi khi nhắc đến những tháng ngày kháng chiến đầy gian khổ nhưng oai hùng của dân tộc, là nhớ tới Chủ tịch Hồ Chí Minh, vị lãnh tụ kính yêu đã vun đắp tinh thần yêu nước, ý thức dân tộc của những người con đất Việt ở xa Tổ quốc.