Giải nhất Eureka

Người vẽ bản đồ cho máy tính

Người vẽ bản đồ cho máy tính


Yêu tin học từ nhỏ

Đỗ Lệnh Hùng Sơn sinh năm 1981 tại Hà Nội, từ năm 10 tuổi Sơn vào sống tại TP Hồ Chí Minh. Tuy hoàn cảnh gia đình không thuận lợi (bố mẹ sống riêng, Sơn sống với ông nội từ nhỏ) nhưng Sơn học rất giỏi, nhất là môn tin học. Tốt nghiệp trung học phổ thông, Sơn chọn Khoa Công nghệ thông tin (K99) của Trường đại học (ĐH) Khoa học tự nhiên- ĐH Quốc gia TP Hồ Chí Minh. Những năm ở ĐH, năm nào Sơn cũng được nhận học bổng của trường và của Hãng Nokia tài trợ cho sinh viên công nghệ thông tin Việt Nam học tập xuất sắc.

Cuối năm học thứ hai, dưới sự hướng dẫn của thầy Dương Anh Đức, Trưởng khoa Công nghệ thông tin của trường, Sơn đã hoàn thành xuất sắc đề tài về nghiên cứu xử lý tín hiệu số. Thành công này đã giúp cho Sơn được Khoa Công nghệ thông tin tin tưởng và giao thực hiện đề tài Xây dựng một ứng dụng bản đồ trên máy Pocket PC 2002 (Windows CE 3.0) cho phép hiển thị một bản đồ điện tử và cung cấp một số chức năng tìm kiếm thông tin. Đây cũng chính là đề tài Sơn chọn làm luận văn tốt nghiệp.

Từ năm 2000, các sinh viên đi trước của Khoa Công nghệ thông tin là Đinh Bá Tiến và Lê Thụy Anh đã tiến hành xây dựng ứng dụng bản đồ điện tử trên máy tính để bàn nhưng đối với máy tính bỏ túi thì đây là lần đầu tiên đề tài được nghiên cứu và triển khai tại Việt Nam...

Pocket PC là một dạng thiết bị hỗ trợ cá nhân di động rất phổ biến và đang được sử dụng rộng rãi trên thế giới với nhiều tiện ích. Pocket PC được Microsoft giới thiệu vào đầu năm 2000. Pocket PC giúp giải quyết được nhiều thiếu sót của Windows CE như giao diện quá phức tạp, tốc độ chậm , khả năng lưu trữ kém, nguồn cung cấp năng lượng không tốt. Hệ điều hành Pocket PC là một phiên bản của Windows CE 3.0, với các tính năng và giao diện mới được thiết kế riêng cho các thiết bị hỗ trợ cá nhân (PDA - personal digital assistant) và máy tính cầm tay (handheld PC). Có thể nói Pocket PC là một phiên bản của Windows CE được cài đặt nhằm tối ưu hóa cho các khiếm khuyết này, phiên bản được sử dụng rộng rãi nhất là Pocket PC 2002.

Sơn cho biết: với mục đích giúp người sử dụng lưu trữ các thông tin cá nhân, công việc cần thiết, cũng như có đầy đủ các phần mềm tối thiểu trên một thiết bị nhỏ gọn và sử dụng hệ điều hành họ hàng Windows, Pocket PC đã được khá nhiều nhà sản xuất phần mềm quan tâm trong lĩnh vực phát triển ứng dụng trong đó có các ứng dụng GIS (hệ thống thông tin địa lý). Đã có rất nhiều ứng dụng được phát triển, hỗ trợ tối đa cho người sử dụng thường xuyên phải di chuyển nhiều như sổ tay điện tử, xem phim, nghe nhạc, bản đồ du lịch điện tử...

Tại Việt Nam, Pocket PC đang ngày càng trở nên thông dụng hơn. Tuy nhiên Pocket PC chạy trên hệ điều hành nhúng Windows CE, nhưng hệ điều hành chỉ cung cấp bộ nhớ một cách giới hạn cho các ứng dụng phát triển trên nó. Vì vậy các ứng dụng liên quan tới hệ thống GIS phát triển trên Pocket PC và hệ điều hành Windows CE gặp phải các vấn đề về tối ưu hóa bộ nhớ và thường có tốc độ chậm hơn nhiều so với các ứng dụng trên PC thông thường. Ngoài ra do khả năng lưu trữ có giới hạn, việc ứng dụng GIS trên môi trường này cũng gặp không ít khó khăn.

Từ thực tế đó, Sơn nghiên cứu xây dựng một hệ thống để đưa vào Pocket PC nhằm ứng dụng tốt trong việc xây dựng bản đồ điện tử và các khả năng tìm kiếm thông tin dựa vào các nghiên cứu nền tảng về lĩnh vực GIS cũng như các ứng dụng GIS đã được phát triển.

Chương trình có thể ứng dụng nhiều trong thực tế

Từ những kết quả nghiên cứu, Sơn đã thiết lập thành công bản đồ điện tử trên Pocket PC 2002 và triển khai vào ứng dụng, cụ thể là bản đồ TP Hồ Chí Minh. Ứng dụng này cho phép xem bản đồ thành phố một cách trực quan, tìm kiếm các thông tin liên quan đến đường phố, địa điểm như bệnh viện, trường học... với tốc độ truy xuất tìm kiếm thông tin có thể chấp nhận được đối với người dùng.

Ngoài ra,chương trình cũng được hỗ trợ thêm chức năng tìm kiếm lộ trình ngắn nhất giữa hai vị trí trên bản đồ và một số biến thể của bài toán này là giải quyết vệc tìm lộ trình ngắn nhất với ràng buộc phải qua một số giao lộ, con đường hoặc phải tránh một số giao lộ, con đường nào đó vì nhiều lý do như kẹt xe, ngập nước...

Bên cạnh đó là khả năng hỗ trợ lộ trình riêng cho người dùng kèm theo các chức năng theo dõi quan sát phù hợp với tính chất của thiết bị Pocket PC như định vị nhanh, tự động di chuyển, xác định nhanh khúc quanh trên đường di chuyển, hỗ trợ tính năng đa ngôn ngữ. Đặc biệt, tốc độ hiển thị và di chuyển bản đồ trên Pocket PC do Sơn xây dựng ở mức tương đương so với một số ứng dụng GIS khác đã được phát triển trên môi trường Pocket PC...

Công trình nghiên cứu thành công không những giúp Sơn đạt kết quả cao khi tốt nghiệp (một trong hai luận văn đạt điểm tối đa 10/10 tại hội đồng bảo vệ luận văn của trường tháng 8-2003) mà còn giúp Sơn giành giải nhất Sinh viên nghiên cứu khoa học của trường - giải thưởng Quả táo vàng Newton năm 2003, giải khuyến khích Sinh viên nghiên cứu khoa học toàn quốc năm 2003 do Bộ Giáo dục và Đào tạo trao tặng và vừa qua là giải nhất giải thưởng Khoa học sinh viên TP Hồ Chí Minh (Eureka) lần 5. Ngày 7-3, Sơn được Ủy ban nhân dân TP Hồ Chí Minh trao bằng khen cho thành tích nghiên cứu khoa học xuất sắc.

Sơn cho biết trong thời gian tới, đề tài sẽ được mở rộng theo các hướng hỗ trợ hiển thị và tìm kiếm các tuyến giao thông công cộng, giúp người có nhu cầu di chuyển nhiều có thể sử dụng Pocket PC để tìm kiếm hoặc xem xét các tuyến giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện ngầm... Tích hợp với các hệ thống web, ứng dụng trên Pocket PC có thể hỗ trợ khả năng liên lạc với các hệ thống GIS trên web thông qua công nghệ mạng không dây để nhận hoặc gửi các thông tin GIS cần thiết; tích hợp với các hệ thống định vị toàn cầu (GPS) và thông qua một hệ thống điều phối để giải các bài toán điều phối giao thông như taxi, chuyển hàng...

*

Bên cạnh niềm say mê nghiên cứu khoa học, Sơn còn chơi được nhiều môn thể thao như bóng đá, bóng bàn, cầu lông, tennis, bơi lội và võ thuật... Sơn còn từng là chủ nhiệm Câu lạc bộ Kỹ năng của trường. Năm 2003, Sơn là nhóm trưởng nhóm tình nguyện viên phụ trách Trung tâm báo chí SEA Games 22 và được Sở Thể dục thể thao TP Hồ Chí Minh khen tặng tình nguyện viên xuất sắc. Trước đó, Sơn đã đạt giải nhất cuộc thi Đường tới SEA Games 22 do Ban tổ chức SEA Games 22 TP Hồ Chí Minh và Đài truyền hình TP Hồ Chí Minh tổ chức.

Hiện Sơn đang được giữ lại làm trợ giảng cho bộ môn công nghệ phần mềm Khoa Công nghệ thông tin của trường và đang theo học cao học (Sơn được tuyển thẳng vào cao học nhờ thành tích học tập xuất sắc). Ước mơ lớn nhất của Sơn là khi học xong cao học sẽ được đón mẹ - hiện đang sống ở Hà Nội - vào ở chung. Bao nhiêu năm Sơn đã tự bươn chải, niềm mong chờ nhất của Sơn hiện nay chính là được gần mẹ...