"Người trên đường đời" - Ánh lửa đẹp nhân lên niềm tin

"Người trên đường đời" - cuốn sách mới nhất của nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi dày hơn 500 trang với 50 bài viết vừa được Nhà xuất bản Hà Nội phát hành. Khác với 9 cuốn sách đã xuất bản trước, hầu hết thuộc thể loại chính luận về thời cuộc vốn là sở trường của Hồ Quang Lợi, "Người trên đường đời" được tác giả dành viết về những con người đã tạo nên dấu ấn sâu sắc trong cuộc đời gần 45 năm cầm bút của ông.
0:00 / 0:00
0:00
Cuốn sách "Người trên đường đời" của nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi.
Cuốn sách "Người trên đường đời" của nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi.

Đóng vai người kể chuyện, Hồ Quang Lợi đưa người đọc đến với nhiều vùng ký ức thông qua những cuộc gặp gỡ trải dài từ năm 1994 đến 2024. Phần I - "Người giữa phong ba" và phần II - "Phẩm cách" viết về những con người gắn liền những sự kiện lịch sử hay những đổi thay của đất nước. Trong đó, ở phần I, người đọc được nghe câu chuyện về 10 cô gái Lam Hạ đã anh dũng chiến đấu và hy sinh trên mâm pháo; về người đánh tàu Maddox Nguyễn Văn Giản; về doanh nhân Hồ Minh Hoàng với khát vọng, ý chí mở đường...

Ở phần II, Hồ Quang Lợi góp phần "họa" nên chân dung của những nhà lãnh đạo cấp cao, những người có vai trò quyết định đối với sự phát triển đất nước, như: Đại tướng Võ Nguyên Giáp; Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; nguyên Tổng Bí thư Đỗ Mười; nguyên Tổng Bí thư Lê Khả Phiêu; nguyên Chủ tịch nước Lê Đức Anh; Thủ tướng Phạm Minh Chính; nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải; nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị... Mang tên "Chở bao nhiêu đạo...", phần III của cuốn sách là những trang viết đặc sắc về các văn nghệ sĩ, nhà báo, trí thức mà tác giả yêu mến, kính trọng như: Nhà báo Hữu Thọ, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, nhà sử học Phan Huy Lê, nhà báo Phan Quang, Giáo sư Vũ Khiêu, nhạc sĩ Hồng Đăng...

Khép lại tác phẩm là phần IV - "Ánh sáng của lương tri", trong phần này, tác giả viết về những người bạn quốc tế yêu mến Việt Nam, những nhân vật tầm cỡ thế giới như: Cựu Tổng thống Pháp Francois Mitterrand; cựu Tổng thống Mỹ Bill Clinton; tỷ phú Bill Gates, Tổng thống Nga V.Putin...

Tại lễ ra mắt sách vừa diễn ra tại Thư viện Hà Nội, tác giả Hồ Quang Lợi chia sẻ, ông đã dành nhiều trăn trở khi đặt tên cho cuốn sách, và quyết định chọn là "Người trên đường đời", giản dị thôi nhưng chứa đựng những suy nghĩ của ông về con người trong cuộc sống, con người trên thế gian này. Lật giở từng trang sách, không khó để nhận ra tác giả luôn dành những rung cảm đầy nhân văn cho các nhân vật.

Như khi viết về 32 thanh niên xung phong, công nhân tại "tọa độ lửa" Hoàng Mai đã hy sinh ngày 28/4/1966 do một quả tên lửa từ máy bay của giặc Mỹ phóng xuống làm sập cửa hang, Hồ Quang Lợi viết: "Bao nhiêu tháng ngày đã qua, trời Hoàng Mai vẫn ngăn ngắt xanh, núi đá như đã liền sẹo và đã xanh lại như tự thuở nào, nhưng những người còn sống sót trong ngày khốc liệt ấy vẫn còn nghe thấy tiếng kêu của đồng đội ứa ra từ ruột núi, lọt qua kẽ đá. Những tiếng gọi tha thiết niềm yêu cuộc sống... (Sự kiện bi hùng hang Tổ 4).

Hay khi viết về Thiếu tướng Trần Công Mân (nguyên Tổng Biên tập Báo Quân đội nhân dân), người thủ trưởng mà tác giả coi là thầy, ông đã dành những câu văn đầy xúc động: "Tôi như vẫn thấy bóng ông khoan thai đi ngang qua đường Lý Nam Đế, mái tóc bạc như mây dưới tán lá xanh rì của những cây sấu già quen thuộc, như vẫn thấy dưới bóng đèn khuya, ngọn bút của ông lao đi gấp gáp như bay trên những trang bản thảo, đuổi bắt cho được những ý tưởng lóe sáng, như vẫn nghe giọng nói ấm áp, trầm tĩnh của ông trong những câu chuyện bình dị về cuộc đời, về nghề nghiệp" (Cuộc dấn thân vì cái mới và chân lý).

Không chỉ là nhà báo, Hồ Quang Lợi còn là một nhà văn. Có lẽ bởi thế mà trong những bài viết ăm ắp thông tin, người đọc vẫn cảm nhận được chất văn chương lấp lánh. "Người trên đường đời" đã tiếp tục khẳng định tài quan sát tinh tế, khả năng lựa chọn những chi tiết giàu sức gợi của một cây bút tài hoa. Khi quan sát chuyến thăm Điện Biên Phủ lần đầu của Tổng thống Pháp F.Mitterrand, tác giả viết: "Tổng thống đưa mắt nhìn những khẩu pháo, những xe tăng tàn tích đứng trơ trọi giữa cánh đồng Mường Thanh... Cách không xa nơi Tổng thống đứng là những đoạn hào, những hầm chiến đấu, dấu vết thời chiến trận được bảo tồn khiến mưa nắng 39 năm chẳng thể lấp đầy. Tổng thống lặng im nghe, chốc chốc lại phóng tầm mắt ra chung quanh. Lòng chảo lúc này yên bình quá! Thế mà 39 năm trước, trong 56 ngày đêm, sức nặng của lịch sử đã dồn xuống lòng chảo này, tạo nên một trong những cuộc đụng đầu khốc liệt nhất, kỳ lạ nhất của lịch sử chiến tranh hiện đại". (Khi Tổng thống F.Mitterrand đến Điện Biên Phủ).

Lấy con người làm trung tâm nhưng tác giả Hồ Quang Lợi không ca ngợi một cách đơn thuần mà đặt họ trong sự soi chiếu với thời cuộc để làm rõ hơn những đóng góp của mỗi cá nhân với đất nước, lịch sử, dù họ là người bình thường hay yếu nhân, là người trong nước hay quốc tế. Đọc "Người trên đường đời", hiểu hơn về những con người cụ thể đã để lại dấu ấn đối với sự nghiệp, cuộc đời tác giả, cũng sẽ hiểu hơn về nhà báo, nhà văn Hồ Quang Lợi - một cây bút luôn đầy ắp sức sáng tạo, một tấm lòng luôn dạt dào tình cảm nhân văn, trân quý con người.