Người tị nạn đụng độ với cảnh sát ở Pháp

NDO -

NDĐT - Đụng độ giữa cảnh sát và người tị nạn diễn ra suốt đêm ngày 10-11 ở gần khu trại dựng tạm tại thành phố cảng Calais ở phía bắc nước Pháp. Trong suốt ba ngày qua, cảnh sát tại đây luôn ở trong tình trạng báo động để kiềm chế nguy cơ gây bạo động của người tị nạn.

Cảnh sát phải dùng súng hơi cay và vòi rồng để giải tán người tị nạn.
Cảnh sát phải dùng súng hơi cay và vòi rồng để giải tán người tị nạn.

Đây là lần đầu tiên xảy ra tình trạng bạo lực nghiêm trọng như vậy kể từ khi hàng nghìn người tị nạn đổ về Calais, nơi được gọi là "rừng tị nạn" từ nhiều năm trước để chờ cơ hội vượt eo biển Manche, cửa ngõ sang Anh.

Trong đêm qua, cảnh sát chống bạo động của Pháp phải sử dụng súng hơi cay và vòi rồng để giải tán đám đông người tị nạn tụ tập hàng giờ liền, khiêu khích và ném đá vào cảnh sát, sau đó chất các thanh gỗ để đốt.

Người phát ngôn của Bộ Nội vụ Pháp Pierre-Henry Brandet cho biết: Khoảng 250 cảnh sát, đa số là lực lượng chống bạo động, được huy động trong ngày 10-11 để chấm dứt các hành động gây rối loạn chung quanh khu trại tị nạn ở Calais. Cuối tuần qua, ít nhất 26 cảnh sát đã bị thương trong các cuộc đụng độ với người tị nạn. Trong thời gian gần đây, cảnh sát tại đây luôn ở trong tình trạng căng thẳng để đối phó với người tị nạn vẫn tìm mọi cách để vượt sang Anh.

Chính quyền địa phương cho biết, người dân ở đây ngày càng lo ngại và bất an vì liên tục phải đối mặt với các hành động bạo lực, trộm cắp và phá hoại do người tị nạn gây ra. Họ tràn tới các khu dân cư, tìm mọi cách để xâm nhập vào nhà dân để lấy đồ, chuyển các đồ vật ra đường cao tốc để chặn xe tải để vượt sang Anh.

Một người dân nói với hãng AFP: Chúng tôi không còn cảm giác như ở nhà mình. Nhà nào cũng phải chốt chặt cửa sổ và cửa ra vào. Thậm chí chúng tôi không dám đưa trẻ ra vườn chơi như trước. Một người dân khác tả lại cảnh tượng của mấy đêm vừa qua với truyền hình Pháp: Nửa đêm chúng tôi nghe thấy tiếng động lớn, rồi tiếng ầm ĩ bên ngoài. Lũ trẻ khóc thét lên. Rồi chúng tôi thấy ánh lửa và sau đó người tị nạn bắt đầu ném đá vào nhà. Cảnh tượng như trong chiến tranh. Thật khủng khiếp.

Người tị nạn đụng độ với cảnh sát ở Pháp ảnh 1

Một xe tải bị ném vỡ kính.

Hành động như mấy ngày qua của người tị nạn cũng khiến cho các lái xe tải rất lo ngại khi phải đi qua các tuyến đường dẫn tới cảng Calais. Ông Jean-Marc Puissesseau, Giám đốc Cảng Calais cho biết: Nhiều xe tải bị ném đá, chặn đường. Nếu tình trạng này không được giải quyết, không xe nào dám đi qua và hoạt động của cảng Calais sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Theo Bộ Nội vụ Pháp và chính quyền địa phương, trong thời gian tới sẽ có thêm lực lương an ninh tới đây để bảo đảm sự an toàn cho người dân và ngăn chặn những hành động ngày càng manh động hơn của người tị nạn di tản do chiến tranh ở Trung Đông và châu Phi.

Từng được coi là một điểm du lịch hấp dẫn, số du khách tới Calais giảm mạnh trong năm nay, tác động không nhỏ tới kinh tế của thành phố này. Nhiều du khách thấy không thoải mái khi tới đây vì người tị nạn xuất hiện mọi nơi, gây khó dễ. Những lái xe đi qua đây cũng phải chịu cảnh dừng hàng giờ trong lúc lực lượng an ninh kiểm tra xem có người di cư đi nhờ trái phép sang Anh hay không.
"Rừng tị nạn” ở Calais từ nhiều năm nay là mối đau đầu với chính phủ Pháp. Số người tị nạn tràn tới đây, sống lẩn trốn trong rừng ngày càng nhiều để chờ cơ hội trốn sang Anh, qua cảng Calais.

Người tị nạn đụng độ với cảnh sát ở Pháp ảnh 2

"Rừng tị nạn" ở ngay bên cạnh khu dân cư địa phương.

Tình trạng ở gần khu lều trại tạm của người tị nạn trở nên căng thẳng kể từ khi chính phủ Pháp đưa ra các biện pháp an ninh nghiêm ngặt hơn, thiết lập hàng rào kẽm gai cao 5 m, tăng cường tuần tra nhằm ngăn chặn làn sóng di dân bất hợp pháp tìm cách lên xe tải hay tàu phà để sang Anh.

Bộ Nội vụ Pháp cho biết, số người tị nạn tới Calais từ tháng 6 đến tháng 8 tăng gấp đôi do làn sóng di cư sang châu Âu. Trong tuần qua, gần 1.500 người tị nạn được di chuyển khỏi khu "rừng tị nạn" Calais tới các trung tâm tị nạn ở khắp nước Pháp. Theo ước tính của chính quyền địa phương, hiện còn khoảng 4.500 người vẫn ở lại Calais.

Trong một diễn biến khác, các lực lượng an ninh của Pháp vừa bắt một người bị tình nghi có liên hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng ở Syria. Thanh niên 25 tuổi này có ý định tấn công một quân nhân ở căn cứ hải quân lớn ở Toulon, miền nam nước Pháp. Từ tháng 10, anh ta đã hai lần tìm cách đi sang Syria nhưng không thành công và còn nhận được một con dao và mặt nạ qua đường bưu điện. Anh ta khai với cảnh sát là có liên hệ với một người Pháp hiện đang tham gia IS ở Syria.

Theo thống kê của lực lượng chống khủng bố của Pháp, có hơn 500 người Pháp tham gia IS ở Syria và Iraq. Trong số này có 250 người đã trở về Pháp vì vậy lực lượng an ninh của Pháp lo ngại họ sẽ tìm cách lôi kéo người khác sang gia nhập IS và có thể tiến hành các hành động bạo lực ngay ở nước Pháp.

Theo số liệu do Cơ quan Kiểm soát biên giới EU (Frontex) công bố ngày 10-11, có khoảng 1,2 triệu người di cư bất hợp pháp đến Liên hiệp châu Âu trong vòng 10 tháng đầu tiên của năm nay. Đây là con số kỷ lục trong lịch sử của Liên hiệp châu Âu và tăng gấp bốn lần so với cùng kỳ năm 2014. Để chia sẻ gánh nặng về vấn đề người tị nạn, Pháp có kế hoạch nhận thêm 24.000 người xin tị nạn.