Kênh tin tức BFMTV cho biết, những năm 1960, trung bình một người Pháp sử dụng 200 lít đồ uống có cồn mỗi năm. Tới những năm gần đây, tình hình đã hoàn toàn thay đổi, khi mức tiêu thụ đồ uống có cồn của người Pháp mỗi năm chỉ dừng lại ở 80 lít.
Chính sách công đã khuyến nghị người dân nên giảm thiểu tiêu thụ các sản phẩm có cồn. Một bộ luật về phòng, chống tác hại của thuốc lá, rượu bia đã được ban hành ngày 10/1/1991, trong đó, có quy định cấm hút thuốc ở những nơi tiếp đón công chúng và hạn chế quảng cáo những đồ uống có cồn để bảo vệ giới trẻ khỏi các hoạt động tiếp thị.
Người trẻ là nhóm đối tượng dễ dàng tiếp cận với những xu hướng mới, và bản thân giới trẻ cũng luôn ý thức được những phong cách sống tích cực. Phong trào “uống có ý thức” khuyến khích người trẻ sử dụng bia rượu có trách nhiệm với bản thân và cộng đồng đang thịnh hành ở các nước ven Đại Tây Dương và nay đã được giới trẻ Pháp nhiệt tình hưởng ứng.
Các sản phẩm bia không cồn đã xuất hiện từ những năm 1990 nhưng chưa thể có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng. Đến nay, đồ uống này đang dần quay trở lại trên các gian hàng siêu thị. Với sự khác biệt lớn so các phiên bản đầu tiên xuất hiện vào những năm 1980 như Tourtel, Buckler... hương vị của những dòng sản phẩm bia không cồn đã trở nên ngon hơn rất nhiều nhờ phương pháp sản xuất mới.
Kết quả là, doanh số bán hàng tăng vọt trên khắp thế giới. Trong báo cáo hằng năm mới nhất, Heineken đề cập đến mức tăng trưởng hai con số cho loại bia 0,0% cồn của mình. Do đó, nhà sản xuất bia hàng đầu thế giới này đã điều chỉnh quy mô nhằm đáp ứng nhu cầu mới với hàng loạt sản phẩm như: Desperados, Birra Moretti, Amstel...
Mới đây, dòng sản phẩm 1664 với 0,0% cồn của nhà sản xuất bia Pháp Kronenbourg - Công ty con của Dane Carlsberg - đang nuôi tham vọng vượt qua đối thủ cạnh tranh trực tiếp Heineken ngay trên thị trường nước nhà trong thời gian tới.
Đặc biệt, như một điểm sáng trên thị trường, ra mắt vào năm 2014, Tourtel Twist tuyên bố hiện nay là hãng dẫn đầu về dòng sản phẩm bia không cồn với mức tăng trưởng 23% vào năm 2021 và 4,3 triệu hộ gia đình tin tưởng tiêu dùng.
Tất cả những gã khổng lồ trong lĩnh vực đồ uống có cồn như Bacardi-Martini và Pernod Ricard, đều đã vượt mặt Diageo vốn đứng đầu số 1 thế giới, tung ra thị trường những dòng sản phẩm rượu mạnh không cồn. Ngay cả một tập đoàn nổi tiếng thế giới chuyên về dòng sản phẩm nước ngọt có ga như Coca-Cola cũng đang thử nghiệm với “sân chơi” mới này.
Thị trường cũng sôi động hơn với sự xuất hiện của dòng bia rượu “ít cồn”. Nhà sản xuất rượu vang số 1 của Pháp Castel Frères đã tung ra thị trường vào đầu tháng 5 dòng rượu VeRy Zest chỉ với 6,5 độ cồn.
Rượu bia, ngoài khoản chi tiêu khổng lồ lên đến 118 tỷ EUR, còn là nguyên nhân lớn dẫn đến tình trạng nhập viện tại Pháp và thậm chí gây ra 49.000 ca tử vong mỗi năm. Tỷ lệ này ở Pháp cao hơn rất nhiều so các quốc gia châu Âu khác.
Do đó, hàng loạt các chính sách công đã được ban hành nhằm đẩy mạnh giá cả của những dòng sản phẩm đồ uống có cồn, hạn chế số lượng các điểm và thời gian bán hàng, giảm thiểu khả năng tiếp cận của những chiến dịch quảng cáo tới thanh niên, cung cấp thông tin đầy đủ và toàn diện cho giới trẻ, cũng như can thiệp kịp thời những trường hợp có biểu hiện lạm dụng dòng sản phẩm nguy hại này.