NSND Trương Tường Vy đón chúng tôi trong căn phòng nhỏ bình yên tại Trung tâm Nghệ thuật tình thương (TTNTTT) Ðà Nẵng nằm cuối đường Nguyễn Ðình Chiểu (quận Ngũ Hành Sơn, TP Ðà Nẵng). Nắng nhẹ buổi chiều chừng như dừng lại trước hiên sân. Gần 80 tuổi, bà vẫn phảng phất nét đẹp từ giọng hát, ánh mắt, đến tâm hồn và cả trái tim nhân hậu. Nén lại những cơn đau của tuổi già, đôi bàn chân vẫn run run bước từng nhịp đến phòng dạy năng khiếu của cả một đàn con, bà vẫn lạc quan và yêu đời, để "truyền thêm sức mạnh, nghị lực" cho các con. Rồi bà thầm thì: "Khi nào chết, tôi mới hết làm việc và cống hiến. Cả cuộc đời này, khi đưa âm nhạc chạm đến trái tim hàng trăm trẻ em nghèo, bất hạnh, mang lại cho các con những niềm vui, sự lạc quan, yêu đời, là tôi đã mãn nguyện. Nhưng phía trước cuộc đời các con vẫn là con đường dài, mà tuổi đời tôi thì đã ở bên kia vai, như ngọn đèn trước gió".
Bà vừa đáp chuyến bay từ Hà Nội về thăm các con tại hai TTNTTT Ðà Nẵng và Quảng Nam. Bà nhận mình là người bất hạnh nhưng không bao giờ cô đơn. Cố nén lại giọt nước mắt đang chực tràn khóe mi khi chia sẻ đôi lời về hạnh phúc riêng tư, bà vẫn nói lời cảm ơn tình yêu đã qua, cảm ơn hạnh phúc đã có. Bà có một người con ruột duy nhất nhưng bây giờ bà trở thành mẹ của trăm, ngàn đứa con tại ba TTNTTT Hà Nội, Ðà Nẵng, Quảng Nam. Hạnh phúc bây giờ của bà là được chứng kiến sự trưởng thành, lớn lên và thành công trên con đường nghệ thuật của những người học trò mà phần lớn trong số họ không lành lặn như người bình thường.
Sinh ra trên vùng quê Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, vào bộ đội năm 13 tuổi, rồi học y tá để chăm sóc thương binh, Tường Vi mang giọng ca trời phú đi hát khắp chiến trường. Bốn mươi năm phục vụ trong quân đội, những cống hiến thời trẻ của bà đã được Ðảng, Nhà nước ghi nhận, phong tặng các danh hiệu cao quý là NSƯT, NSND, Huân chương Lao động hạng ba, Huân chương Quân công hạng ba, Huân chương Chiến công hạng nhì, Huy chương vàng cuộc thi hát toàn quốc, Huy chương Vì sự nghiệp giải phóng phụ nữ. NSND Tường Vi nổi tiếng với nhiều ca khúc như Tiếng đàn Ta Lư của nhạc sĩ Huy Thục, Cô gái vót chông của nhạc sĩ Hoàng Hiệp, Em là hoa Pơ lang của nhạc sĩ Ðức Minh, Người con gái sông La của nhạc sĩ Doãn Nho... Bà từng đi biểu diễn nhiều nước, như Liên Xô (cũ), Ba Lan, Chi-lê, Tiệp Khắc, Cu-ba... và là một trong số ít ca sĩ được nhiều lần biểu diễn trước Chủ tịch Hồ Chí Minh. Bà cũng là người có nhiều kỷ niệm với Ðại tướng Võ Nguyên Giáp. Bà còn được biết đến với vai trò một nhạc sĩ với những ca khúc mang nhiều dấu ấn như Phi đội ta xuất kích, Quê hương anh là biển, Ðời cho em những nốt nhạc vui, Trái tim ơi xin đừng buồn, Ước mơ của bé là hòa bình, Em lắng nghe tiếng đời...
Bà nói, đừng nhắc nhiều về những cái đã qua, mà hãy nói về những điều đang và sẽ làm của bà. Cả cuộc đời NSND Tường Vy gắn liền với bốn chữ: bộ đội-trẻ em. Cống hiến hết thời thanh xuân cho quân đội, khi nghỉ hưu, bà chọn trẻ em để trao gửi yêu thương, mang tình yêu của người mẹ, người bà xoa dịu những trái tim tật nguyền, những thân thể không lành lặn của những trẻ em nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin, trẻ em khuyết tật. Khi các con không nghe thấy, mẹ dạy các con đàn bằng đôi tay; các con không nhìn thấy, mẹ cho các con cảm nhận cuộc đời qua âm nhạc; các con không đi được, mẹ dạy các con biết cuộc đời trên những phím đàn pi-a-nô, oóc-gan... Rồi mẹ dạy các con học thêu, học vi tính, học vẽ bằng tất cả cảm nhận tươi mới nhất của cuộc đời.
Từ cái nôi đầu tiên là TTNTTT Hà Nội với hơn 20 năm, đến các TTNTTT Ðà Nẵng, Quảng Nam, gần 17 năm qua, bà và các cộng sự đã âm thầm giúp đỡ, dạy nhạc, năng khiếu, ngoại ngữ miễn phí cho hàng trăm trẻ em nghèo bất hạnh, trẻ khuyết tật, trẻ em bị phơi nhiễm chất độc da cam/đi-ô-xin. Bây giờ, tất cả các em đều gọi bà bằng mẹ. Ðến với ngôi nhà lớn của mẹ Tường Vy, tất cả các em đã không còn cô đơn, không còn tự ti, mặc cảm. Em Nguyễn Thị Kim Quý, 25 tuổi, quê Phú Thọ nói về NSND Tường Vy: "Mẹ đã cho chúng em thêm nghị lực sống, cho chúng em chạm được ánh sáng cuộc đời qua lời ca, giọng hát, tiếng đàn. Về với mẹ, như về với ngọn nguồn tình yêu thương và chúng em biết ơn mẹ, biết ơn cuộc đời". Là con của cựu chiến binh Nguyễn Văn Ðoàn, nguyên là cảnh vệ trong Phủ Chủ tịch, năm 15 tuổi, Quý bị tai nạn lao động và vĩnh viễn mất đi cánh tay trái. Ðược NSND Tường Vy đón về TTNTTT Hà Nội, Quý gắn bó với mẹ Vy đến bây giờ. Hiện em là người dẫn chương trình cho Ðội văn nghệ lưu động Những trái tim không tật nguyền của TTNTTT Hà Nội.
Từ ba Trung tâm này, đã có hàng trăm lượt học sinh trưởng thành, 48 em thi đỗ vào nhiều trường âm nhạc, nghệ thuật như: Nhạc viện Hà Nội, Ðại học Âm nhạc Huế, Trường Múa Việt Nam, Nhạc viện Thượng Hải (Trung Quốc), Ðại học Văn hóa nghệ thuật quân đội, Ðại học Nghệ thuật Hà Nội... Hiện có hơn 240 em đang theo học các lớp múa, hát, đàn pi-a-nô, oóc-gan ghi-ta. Bà cũng thành lập và duy trì được bốn đội văn nghệ lưu động Những trái tim không tật nguyền, hằng tháng tổ chức cho các em đi diễn, giao lưu với học sinh các tỉnh, thành phố trong cả nước, nhất là vùng sâu, vùng xa. Các em tự thu tự chi được với mức lương từ 1,5 đến 4 triệu đồng/tháng.
Cảm phục việc làm đầy ý nghĩa của NSND Tường Vy, rất nhiều giáo viên đã tự nguyện tham gia dạy các em mà không lấy thù lao hoặc chỉ lấy một phần để "mẹ Vy đỡ áy náy" và các con vui. Thầy giáo, nhạc sĩ Hồ Văn Dũng đã gắn bó TTNTTT Ðà Nẵng 15 năm. Cứ tối thứ bảy, chủ nhật hằng tuần, xong việc ở cơ quan, anh lại đều đặn lên lớp, lặng thầm giúp các em tiếp cận với đàn oóc-gan, chỉ mong trao cho các em một cái nghề để các em tìm được việc làm, ổn định cuộc sống. Anh chia sẻ: "Tôi muốn góp một phần cùng cô Tường Vy giúp các em có điều kiện tiếp cận nghệ thuật, để các em được sẻ chia, được an ủi và vượt qua mặc cảm tật nguyền. Việc làm xuất phát từ trái tim sẽ đến với trái tim, đó là sự chân thành và tình yêu thương không có bức tường nào ngăn cách". Lớp học gồm 24 em, thầy giáo Dũng phải chia giáo trình thành 24 cách tiếp cận bởi mỗi em có một hoàn cảnh, một khiếm khuyết. Từ phương pháp truyền miệng, đến việc dạy các em cảm nhận bằng thính giác, rồi dạy cảm nhận đàn oóc-gan trên đôi tay, chỉ tình yêu thương mới có thể giúp thầy Dũng gắn bó lâu dài với các em như vậy. Thầy giáo Dũng cũng như cô giáo Nguyễn Thị Thúy Anh, thầy giáo Vũ Ðình Tuấn tại TTNTTT Ðà Nẵng, và hơn 20 giáo viên là những người tâm huyết với nghệ thuật tại hai TTNTTT Hà Nội, Quảng Nam đang tiếp sức cùng NSND Tường Vy.
Nói về những học trò đã thành đạt của mình, NSND Tường Vy nhiều lần nhắc đến những cái tên như Hà Chương, Khánh Thy, Bích Diệp, Hồng Vi, Giáng Son... Rồi bà xúc động hát lại cho chúng tôi nghe ca khúc Em lắng nghe tiếng đời bà sáng tác riêng cho Hà Chương cách đây hơn mười năm: "Em không thấy trời xanh/Em không thấy biển xanh/Mà chỉ nghe lời thì thầm của sóng/Em không thấy Tiên Sa/Không thấy núi Sơn Trà/Mà chỉ nghe lời ru buồn của bà/Lời ru buồn của mẹ/Ðêm đêm ru em trong tiếng dân ca". Bà nói rằng bà và nhiều thầy, cô giáo khác đã giúp đỡ Hà Chương đều rất thương quý Chương. Rất mừng vì từ cái nôi TTNTTT Ðà Nẵng đã đào tạo được cho nền âm nhạc nước nhà những nghệ sĩ đáng quý, đáng trọng như nhạc sĩ Hà Chương. TTNTTT Ðà Nẵng là cái nôi đầu tiên đưa Hà Chương đến với con đường nghệ thuật. Hiện anh là nhạc sĩ khiếm thị thành danh của âm nhạc Việt Nam.
Quyết định gắn bó những năm tháng còn lại của cuộc đời với hàng trăm đứa con, bà vẫn đau đáu vì mình chưa làm được gì nhiều, chưa giúp được gì nhiều để bù đắp hết những mất mát, tổn thương, thiếu thốn đối với các con. Tâm niệm sống của bà là lòng nhân từ biểu hiện một tâm hồn cao thượng, bà gửi lời cảm ơn những cá nhân đã đóng góp tinh thần, vật chất để giúp đỡ các con mình.
"Chúng con đi làm mẹ ạ", "Thưa mẹ chúng con đi làm". Ðó là các em trong đội văn nghệ Những trái tim không tật nguyền của TTNTTT Hà Nội vừa đặt chân vào Ðà Nẵng, đang chào tạm biệt mẹ Vy để vào Ðiện Bàn, (Quảng Nam) biểu diễn giao lưu với các học sinh địa phương. NSND Tường Vy đứng dậy, tiễn các con ra tận xe, rồi vẫy tay tạm biệt và không quên chúc các con thành công. Mắt bà mãi dõi theo chiếc xe đang khuất dần cuối đường Nguyễn Ðình Chiểu.