Trong ngày 9/5, tại Nga đã diễn ra nhiều hoạt động kỷ niệm, nhằm tôn vinh những giá trị đích thực của thắng lợi lịch sử này, tri ân sự hy sinh to lớn của các thế hệ đi trước, đồng thời giáo dục các thế hệ trẻ về những điều không được phép lãng quên.
Trước màn hình lớn đang chiếu lễ duyệt binh kỷ niệm 77 năm Ngày Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại (9/5/1945 - 9/5/2022), ông Alexey Zakharov dù đã 98 tuổi và ngồi trên xe lăn, vẫn đánh tay theo nhạc. Không khí rộn ràng tại công viên Gorky ở trung tâm thủ đô Moskva làm sống lại những ngày tháng hào hùng trong ông.
Năm 17 tuổi, ông A.Zakharov đã tham gia chiến đấu bảo vệ Moskva ngay từ những ngày đầu của Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại. Sau đó, ông được điều động đến Kaluga, rồi kết thúc chiến tranh với vết thương nặng năm 1945. Chiếc xe lăn đồng hành cùng ông bấy lâu nay.
Ngày 9/5/1945 (giờ Moskva), Đức quốc xã ký biên bản đầu hàng vô điều kiện quân đội Liên Xô và quân Đồng minh, đánh dấu Chiến tranh thế giới thứ hai chấm dứt tại châu Âu. Ông A.Zakharov vẫn nhớ như in cảm giác hạnh phúc ngày ấy. Ông gọi ngày 9/5 là ngày hòa bình cho cả thế giới.
Sau chừng ấy năm, mỗi lần đến ngày 9/5, lòng ông lại bồi hồi. Năm nay, được hai người cháu dẫn đến công viên tham gia kỷ niệm Ngày Chiến thắng, cảm xúc đó trong ông lại như cũ. Ông cũng chia sẻ cảm thấy rất vui vì “mọi người không quên chúng tôi. Tôi hạnh phúc vì hằng năm được tham gia Lễ kỷ niệm trọng đại Ngày Chiến thắng - ngày hòa bình thế giới”.
Trên khán đài, ông Ivan Budylin cõng con gái 4 tuổi lên vai. Hai bố con chăm chú vào màn hình lớn. Ngày trước, ông I.Budylin cũng thường đi cùng người ông của mình, sau đó là mẹ mình đến công viên để cùng người thân ôn lại những tháng năm lịch sử. Đó là truyền thống gia đình. Năm nay, ông dẫn 2 người con gái theo.
“Tôi luôn mang con mình theo để chúng hiểu rõ về Ngày Chiến thắng, cũng như lịch sử của dân tộc, của cha ông mình. Việc giáo dục thế hệ trẻ hiểu về lịch sử rất quan trọng”, ông I.Budylin chia sẻ.
Trong những người Nga đến công viên Gorky ngày 9/5, có nhiều người mang ảnh của ông bà, cha mẹ mình. Đó là chân dung những cựu chiến binh hoặc đã nằm lại chiến trận, hoặc đã anh dũng vượt qua bom đạn, nhưng mất vì tuổi già. Những con, những cháu tập trung lại thành từng “gia đình nhỏ”, kể với nhau những câu chuyện của người đã khuất.
Bà Anastasia kéo 2 người con đến gần những “gia đình nhỏ”, chúc mừng Ngày Chiến thắng và nói lời tri ân, cảm ơn. Với bà Anastasia, ngày 9/5 là ngày quan trọng thứ 2 cuộc đời mình, chỉ sau ngày sinh những đứa bé. Là một người mẹ, bà khẳng định, việc đưa các con nhỏ đến lễ kỷ niệm ngày Chiến thắng là việc cần thiết. Theo bà, người Nga không cho phép mình lãng quên những gì đã diễn ra.
“Chúng tôi cũng không cho phép những đứa con mình quên lịch sử. Chúng tôi muốn thế hệ trẻ hiểu rõ những gì đã diễn ra, và truyền cho các thế hệ tiếp theo. Hiểu rõ lịch sử, để yêu cuộc sống này hơn”, bà Anastasia nói.
Cứ mỗi một năm, số cựu chiến binh tham gia Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại có mặt tại lễ kỷ niệm Ngày Chiến thắng lại ít đi. Người Nga nhắc nhở nhau rằng, cần đến thăm, động viên, giúp đỡ những cựu chiến binh thường xuyên hơn, kể cả những ngày không phải ngày lễ. Truyền thống đó đang được ông I.Budylin, bà Anastasia, và những bậc cha mẹ truyền lại cho các thế hệ con em, để cùng hướng đến cuộc sống tốt đẹp hơn.