Người lao động làm thêm không quá 300 giờ một năm

NDO -

Từ ngày 1/2/2022, tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng không quá 300 giờ. 

Sản xuất tại Công ty OrionVina ở Bình Dương. (Ảnh minh họa: Trịnh Bình).
Sản xuất tại Công ty OrionVina ở Bình Dương. (Ảnh minh họa: Trịnh Bình).

Ngày 15/12, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm các công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng.

Đối tượng áp dụng:
1. Người lao động làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng và hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm công việc sau:
a) Sản xuất có tính thời vụ trong ngành nông - lâm - ngư - diêm nghiệp, đòi hỏi phải thu hoạch ngay hoặc sau khi thu hoạch phải chế biến ngay không để lâu dài được;
b) Gia công hàng theo đơn đặt hàng, bị phụ thuộc vào thời điểm chủ hàng yêu cầu.
2. Người sử dụng lao động theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Bộ luật Lao động sử dụng người lao động làm các công việc nêu tại khoản 1 Điều này.

Văn bản quy định giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn hằng ngày và giờ làm thêm.

Theo đó, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một ngày không quá 12 giờ.

Giới hạn giờ làm việc tiêu chuẩn và giờ làm thêm theo tuần, tháng được quy định cụ thể như sau.

Thứ nhất, tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong một tuần không quá 72 giờ.

Thứ hai, tổng số giờ làm thêm trong một tháng không quá 40 giờ.

Thứ ba, người sử dụng lao động quyết định lựa chọn áp dụng một trong hai quy định trên.

Tổng số giờ làm thêm trong một năm đối với mỗi người lao động không quá 300 giờ.

Hằng tuần, người lao động được nghỉ ít nhất một ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không thực hiện được nghỉ hằng tuần, phải bảo đảm hằng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho người lao động.

Việc nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca đối với từng người lao động thực hiện theo quy định của Bộ luật Lao động và Nghị định số 145/2020/NĐ-CP.

Người sử dụng lao động phải bố trí để người lao động được nghỉ ngày nghỉ lễ, tết, nghỉ hằng năm và các ngày nghỉ có hưởng lương khác. Việc rút ngắn giờ làm việc và bảo đảm thời giờ nghỉ ngơi của lao động nữ, lao động chưa thành niên, lao động là người cao tuổi; quyết định việc nghỉ không hưởng lương đúng theo quy định của Bộ luật Lao động.

Căn cứ vào kế hoạch sản xuất, kinh doanh, hằng năm, người sử dụng lao động chủ động quyết định áp dụng chế độ thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi bình thường theo quy định của Bộ luật Lao động hoặc áp dụng chế độ thời giờ làm việc quy định tại Thông tư này.

Thông tư này có hiệu lực kể từ ngày 1/2/2022.

Thông tư số 54/2015/TT-BLĐTBXH ngày 16/12/2015 của Bộ trưởng Lao động - Thương binh và Xã hội hướng dẫn về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với người lao động làm công việc sản xuất có tính thời vụ và công việc gia công hàng theo đơn đặt hàng hết hiệu lực kể từ ngày Thông tư này có hiệu lực.

Ngày 8/12, Nghị quyết số 155/NQ-CP Phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11 năm 2021 nêu rõ, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các cơ quan, địa phương rà soát tổng thể các chính sách an sinh xã hội đang triển khai để kịp thời cập nhật, điều chỉnh phù hợp với tình hình thực tế và đề xuất bổ sung các biện pháp mới cần thiết; khẩn trương hoàn thành cơ chế, chính sách điều chỉnh tăng thời gian làm thêm giờ/tháng phù hợp với diễn biến dịch Covid-19 với điều kiện bảo đảm tổng số giờ làm thêm không quá 300 giờ/năm.

Lao động và việc làm