Rừng tràm phòng hộ tại Tiểu khu 34, ấp Cán Gáo, xã Đông Hưng B, huyện An Minh có diện tích 1.296 ha do Ban Quản lý rừng Kiên Giang quản lý. Bên cạnh việc cân bằng hệ sinh thái, rừng giúp địa phương phát triển du lịch trải nghiệm như câu cá, hái rau rừng, xem gác kèo ong mật…
Được người dân chở bằng vỏ lãi len lỏi qua những dòng kênh nhỏ, chúng tôi vào tận vùng lõi của Tiểu khu 34. Trên bờ bao là những ngôi nhà cũ kỹ của người dân nhận giao khoán đất rừng để trông giữ và chăm sóc được dựng bằng cột tràm, mái lợp tôn đơn sơ. Từ năm 1990 đến 2009, nơi đây có 145 hộ dân và bốn doanh nghiệp nhận sổ giao khoán rừng; trung bình mỗi hộ nhận khoán khoảng 5 ha với cam kết chỉ được khai thác nhiều nhất 30% trong tổng số diện tích rừng nhận khoán và phải trồng cây tràm lại.
Theo nhiều hộ dân, thời gian đầu tràm có giá, việc nhận khoán mang lại hiệu quả. Thế nhưng, từ năm 2012 đến nay, tràm rớt giá liên tục khiến cuộc sống của người dân gặp khó khăn. Ông Huỳnh Văn Duẩn, người dân ấp Cán Gáo cho biết, ông là một trong những hộ được nhận giao khoán rừng gần 5 ha từ năm 2009 đến nay. Thời gian đầu, mỗi lần thu hoạch tràm được khoảng 7 triệu đồng/công. Từ năm 2012 đến nay, cây tràm rớt giá liên tục cộng với vật giá, chi phí sinh hoạt leo thang. Để xoay xở, ông và nhiều người đã tận dụng bờ bao trồng thêm chuối, các loại hoa màu.
"Một số hộ không trụ nổi phải đi ra huyện An Minh buôn bán để kiếm thêm thu nhập. Ở đây, có nhiều hộ dân đã bỏ nhà đi các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Thành phố Hồ Chí Minh lao động kiếm sống", ông Duẩn cho biết.
Năm 2010, ông Du Tấn Sấy cũng ở ấp Cán Gáo được nhận giao khoán 4 ha trồng tràm. Hiện nay, tràm rớt giá thê thảm cho nên 4 ha của ông đã trồng 10 năm tuổi vẫn chưa bán được. Theo ông Sấy, tràm rớt giá có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do nhiều công trình xây dựng sử dụng cừ bê-tông, ít sử dụng cừ tràm. Bên cạnh đó, việc phải vào tận rừng để vận chuyển khi thu hoạch tốn nhiều chi phí, khó khăn khiến cho tràm rớt giá.
Một số hộ nhận khoán rừng ở đây cho biết, nhiều người dân ở Cà Mau cũng nhận giao khoán rừng nhưng trồng keo lai trên bờ bao mang lại hiệu quả cao. Cây keo lai trồng khoảng từ 3-4 năm sẽ cho thu hoạch, có lợi nhuận 200-300 triệu đồng/ha. Để bám trụ đất rừng, ông Sấy tận dụng bờ bao trồng từ 5-6 công keo lai trong diện tích 4 ha được giao khoán, qua khoảng 3-4 năm cho thu nhập 50 triệu đồng/công.
"Nếu không trồng một ít keo lai trên bờ bao, chắc giờ này tôi phải bỏ xứ ra đi rồi. Trồng keo lai hiệu quả là vậy, thế nhưng Ban Quản lý rừng Kiên Giang và chính quyền vẫn chưa đồng ý cho người dân chuyển đổi", ông Sấy nói.
Ông Trần Hồng Đảo, nguyên cán bộ Hạt Kiểm lâm An Biên-An Minh, người cũng được nhận giao khoán 10 ha rừng cho biết, theo chu kỳ 10 năm trồng cây tràm thì nông dân thu hoạch khoảng 30 triệu đồng/ha, nếu so với thu nhập từ trồng cây keo lai hơn 200 triệu đồng/ha trong bốn năm thì quá thấp. Hiện tại, cây keo lai được bán cho các nhà máy chế biến gỗ dăm rồi xuất khẩu cho nên có giá cao.
"Một số hộ ở đây trồng cây keo lai tự phát trên bờ bao, có người đã bán hai đến ba đợt. Tôi đề nghị ngành chức năng cho người dân chuyển đổi trồng cây keo lai thay cây tràm từ 30-50% diện tích nhận giao khoán để họ có thêm thu nhập, an tâm bám rừng", ông Đảo đề nghị.
Gần đây, người dân nhận giao khoán rừng ở Tiểu khu 34 phản ánh, các hộ trồng cây keo lai thì không được, nhưng doanh nghiệp lại được đưa máy cuốc vào xử lý thực bì, trồng lại tràm mới và trồng keo lai trên bờ bao. Theo ghi nhận của phóng viên, doanh nghiệp Q.V.D. đang thu hoạch tràm và xử lý thực bì trồng tràm mới trên diện tích gần 100 ha. Khu vực này được doanh nghiệp chia làm nhiều bờ bao, nhiều ô khác nhau; trên mỗi bờ bao giữa các khu đất đều được trồng cây keo lai. Người dân thắc mắc, vì sao doanh nghiệp được cấp phép đưa máy vào xử lý thực bì để trồng tràm và keo lai, còn dân lại không được phép?
Giám đốc Ban Quản lý rừng Kiên Giang Nguyễn Minh Trí cho biết, việc người dân kiến nghị xin thay đổi cây trồng, đơn vị đã giải thích đây là khu vực quy hoạch rừng tràm, không tự thay đổi loài cây khác được, vì chưa có chủ trương của Trung ương, của tỉnh và cũng không thuộc thẩm quyền giải quyết của đơn vị.
"Rừng tràm ở Tiểu khu 34 là rừng phòng hộ, việc giao khoán diện tích rừng cho người dân là để giữ rừng. Người dân, doanh nghiệp có thể tận dụng mặt nước nuôi cá, trên bờ trồng các loại hoa màu; chỉ được khai thác rừng tràm tối đa 30% và phải trồng lại, riêng mặt đất rừng là phải giữ nguyên hiện trạng rừng tràm. Gần đây, cây keo lai có giá cho nên bà con trồng trên bờ bao. Người dân phản ánh ưu ái một số doanh nghiệp trồng keo lai là chưa đúng. Đây là các doanh nghiệp nhận giao khoán, họ trồng keo lai trên một số bờ bao chứ không phải cho chặt cây tràm để trồng keo lai", ông Trí giải thích.
Theo lãnh đạo Ban Quản lý rừng Kiên Giang, Công ty Q.V.D. được giao khoán 130 ha rừng tại Tiểu khu 34 đang xử lý thực bì trồng tràm mới. Theo quy định, hộ được giao khoán rừng thu hoạch tràm 10% trong tổng số diện tích nhận giao khoán vẫn được cho xử lý thực bì. Tuy nhiên, hiện tại giá tràm rớt cho nên tiền thuê nhân công thu hoạch tràm sẽ cao hơn tiền bán cây tràm, vì thế nhiều người không mặn mà thu hoạch tràm hay trồng mới.
Giám đốc Ban Quản lý rừng Kiên Giang Nguyễn Minh Trí giải thích thêm, khu vực này là rừng phòng hộ, chỉ trồng cây tràm. Kiên Giang chưa có chủ trương chuyển đổi sang trồng cây keo lai như các tỉnh khác cho nên không thể cho người dân trồng được. Do cây tràm trồng trên đất rừng phòng hộ, người dân không thể tự tiện thay đổi hiện trạng nền đất khi chưa có sự chấp thuận của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền. Ngược lại, nếu không được lên liếp, xử lý thực bì thì khi trồng cây tràm sẽ chậm lớn.
Thời gian qua, cây tràm rớt giá, người dân nhận giao khoán đất rừng rất mong muốn đưa máy vào xử lý thực bì, lên bờ bao để vừa trồng tràm trên nền đất và trồng keo lai trên bờ bao, góp phần giải quyết khó khăn trong cuộc sống, tránh việc bỏ rừng đi tìm sinh kế khác…