Người đảng viên tâm huyết xây dựng làng nghề trên đảo xa

Thời gian qua, xã đảo Song Tử Tây (huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa) đã thu hút một số lượng lớn cư dân đến sinh sống, lập nghiệp. Xuất phát từ mong muốn tạo thêm công ăn việc làm cho người dân, đảng viên Cao Văn Giáp thực nghiệm ý tưởng phát triển làng nghề gắn với kinh tế biển. Do nhiều năm công tác liên tục trên quần đảo, đồng chí có nhiều vốn sống để chăm lo, giúp đỡ cư dân đảo và ngư dân.
0:00 / 0:00
0:00
Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Cao Văn Giáp với món đồ thủ công mỹ nghệ vừa được chế tác.
Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Cao Văn Giáp với món đồ thủ công mỹ nghệ vừa được chế tác.

Không gian giới thiệu sản phẩm độc đáo

Chúng tôi gặp đồng chí Cao Văn Giáp tại trụ sở UBND xã Song Tử Tây nằm trên đảo Song Tử Tây. Trong căn phòng làm việc cũng là nơi sinh hoạt ngủ nghỉ, anh vẫn dành ra một khoảng không gian khá lớn để làm khu vực giới thiệu sản phẩm.

Mặt hàng chính là các sản phẩm thủ công mỹ nghệ bằng vỏ ốc, vỏ sò, đá san hô được sưu tầm chung quanh đảo. Nhìn ngắm những sản phẩm này có thể thấy được sự tỉ mỉ, khéo léo và tài hoa của người làm. Có sản phẩm còn được đặt tên, cho thấy tâm huyết rất lớn của chủ nhân.

Thấy được sự tò mò của chúng tôi, đồng chí Giáp tươi cười nói: “Đây là sản phẩm để bán, không phải sản phẩm biếu tặng. Tất nhiên, có khách quý, cửa hàng tôi cũng có quà tặng kèm theo, đó là những sản phẩm được làm phỏng theo mái ngói chùa Song Tử Tây ghi dấu mốc chủ quyền biển đảo Việt Nam”.

Cách nói rất thẳng thắn này khiến cả chủ lẫn khách bật cười phá tan cảm giác e ngại ban đầu. Đây có thể chưa được gọi là cửa hàng đúng nghĩa bởi chưa có bất kỳ hoạt động kinh doanh thực tế nào. Song, nếu một ngày “trung tâm kinh tế Trường Sa” hình thành, người ta ắt hẳn phải ghi nhận cửa hàng này là mô hình kinh tế cá thể đầu tiên của quần đảo, việc kinh doanh của cửa hàng trước mắt vẫn dừng lại ở việc giới thiệu sản phẩm.

Là người có thời gian công tác nhiều năm liên tục trên quần đảo Trường Sa, Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây Cao Văn Giáp rất tâm huyết với Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28/1/2022 của Bộ Chính trị về phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn năm 2045, trong đó chủ trương tổ chức hoạt động hỗ trợ dân sự, du lịch biển, đảo, phát triển ngư nghiệp để xây dựng huyện đảo Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội của cả nước.

Trả lời câu hỏi về định hướng phát triển kinh tế của địa phương, đồng chí Cao Văn Giáp nói: “Xã đảo Song Tử Tây thuộc địa bàn đặc thù là đảo tiền tiêu với nhiều hoạt động quân sự cho nên nhiều chỉ tiêu phát triển kinh tế, xã hội chưa được đặt ra. Song tất cả đều phải có sự khởi đầu. Thí dụ như gian giới thiệu sản phẩm thủ công mỹ nghệ này có thể là sự khởi đầu của một làng nghề trên biển, nếu có nhiều người cùng tham gia. Qua quá trình tìm hiểu, tôi được biết cư dân trên các đảo cũng tranh thủ thời gian rảnh rỗi để gia công những mặt hàng thêu thùa gửi về đất liền tăng thêm thu nhập. Hay một số hộ dân có hoạt động trao đổi rau xanh lấy hải sản với ngư dân vào tránh trú tại các âu tàu. Như vậy nhu cầu về trao đổi, mua bán, việc làm trong dân có cơ sở tồn tại. Nếu có chủ trương, cơ chế phù hợp từ cấp ủy, chính quyền các cấp và các đơn vị liên quan, xã sẽ huy động mọi nguồn lực để thực hiện các mục tiêu kinh tế, xã hội nghị quyết Đảng bộ xã đề ra”.

Từ 15 năm trước, đồng chí Cao Văn Giáp đã mơ ước tổ chức một làng nghề phục vụ du khách tham quan quần đảo Trường Sa. Trước năm 2008, anh là công chức tư pháp, hộ tịch của thị trấn Vạn Giã, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa. Sau khi đơn tình nguyện ra công tác tại huyện Trường Sa được chấp thuận, anh được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Sinh Tồn giai đoạn 2008-2013.

Nhớ lại khoảng thời gian công tác này, đồng chí nói: “Gian khổ, thiếu thốn nhưng toại nguyện vì đã cống hiến một phần sức lực cho Tổ quốc. Thời điểm đó, đảo Sinh Tồn đang rất thiếu cơ sở vật chất, điện và nước. Nhiều công trình kiến trúc đang được kiên cố hóa cho nên rất nhiều đầu việc”. Bản thân đồng chí Cao Văn Giáp kiêm nhiệm nhiều chức vụ trong UBND xã, đồng thời là giáo viên của Trường tiểu học xã Sinh Tồn. Mặc dù vất vả nhưng với ý chí cầu tiến, đồng chí đã không ngừng học hỏi về chuyên môn, nghiệp vụ hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Quá trình công tác, đồng chí nhận thấy tại các đảo có nhiều nguyên vật liệu để người dân có thể chế tác sản phẩm như thêu thùa, đan lát, ghép những con ốc biển thành đồ lưu niệm, và ý tưởng dựng làng nghề trên biển lớn dần theo thời gian.

Tích cực đi đầu nêu gương, tận tụy cống hiến

Ngày 17/5/2011, kỷ niệm 56 năm Ngày truyền thống của Hải quân nhân dân Việt Nam cũng là ngày anh thanh niên Cao Văn Giáp được vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng. Ngay trên bục tuyên thệ, đồng chí đã rơi nước mắt. Cao Văn Giáp là quần chúng ưu tú được tham gia lớp bồi dưỡng nhận thức về Đảng trước khi ra Trường Sa.

Song quá trình kết nạp lại rất khó khăn vì ở đảo chỉ có các chi bộ quân sự. Các chi bộ này không có chức năng giới thiệu người ngoài quân đội vào Đảng. Cuối cùng, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Khánh Hòa đã vào cuộc, ra quyết định kết nạp đảng viên mới và chỉ định đảng viên mới Cao Văn Giáp sinh hoạt tại Chi bộ Chỉ huy đảo Sinh Tồn.

Đứng trong hàng ngũ của Đảng, đảng viên Cao Văn Giáp có điều kiện cống hiến hơn, thông qua những ý kiến tâm huyết tham mưu cho cấp ủy, ban chỉ huy đảo, như: Việc hỗ trợ ngư cụ cho người dân vươn khơi bám biển; đề xuất cấp phát thuốc cho trẻ em; đề xuất đưa những cư dân có tay nghề sản nhi ra đảo...

Đồng chí Cao Văn Giáp kể: Thực ra đó đều là vấn đề nhỏ, chỉ cần chú ý và tiếp xúc với dân nhiều sẽ thấy được ngay. Thí dụ như quân y thường không có thuốc dành cho bệnh nhân là trẻ em; hay trong quá trình đánh bắt xa bờ, ngư cụ của ngư dân có nguy cơ hỏng hóc, mất mát khiến hiệu quả đánh bắt giảm... Hết nhiệm kỳ công tác tại xã Sinh Tồn, Cao Văn Giáp trở về đất liền với công việc cũ là công chức tư pháp-hộ tịch.

Đến tháng 6/2023, đồng chí được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây. Khi được hỏi về động cơ của lần công tác này, đồng chí cho biết, có quá nhiều điều mình mong muốn được thực hiện tại Trường Sa, trong đó một trong những thôi thúc lớn nhất là đặt mình ở tuyến đầu trong thực hiện Nghị quyết số 09 của Bộ Chính trị, đưa Trường Sa trở thành trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.

Đồng chí chia sẻ: “Là người con của quê hương Khánh Hòa tôi nhận thức sâu sắc về trách nhiệm của mình với sự nghiệp phát triển biển, đảo quê hương. Trước khi nhận công tác, người thân cho rằng cống hiến một nhiệm kỳ ở đảo là đủ rồi. Tuy vậy, tôi thấy mình vẫn có thể tiếp tục cống hiến, vẫn còn nhiều ý tưởng, ước mơ cần thực hiện”.

Điều đáng buồn nhất trước chuyến đi, người cha - cựu chiến sĩ Thành cổ Quảng Trị - bỗng trở bệnh ốm nặng và qua đời 3 tháng sau đó. Đồng chí gạt nước mắt bước xuống tàu vì biết đây là lần cuối thấy gương mặt người cha thân yêu. Những chuyến đi biển là thế! Không có trì hoãn, không có thoái lui, tất cả là kế hoạch phải thực hiện.

Trở lại với Trường Sa lần này, đảng viên Cao Văn Giáp đã nhanh chóng nhập cuộc. Đồng chí mang đến nhiều dụng cụ, công cụ để thỏa mãn ước mơ sáng tạo, như: Hệ thống điện ắc-quy nạp bằng năng lượng mặt trời và máy phát điện; thiết kế sản phẩm đồ lưu niệm riêng của đảo Song Tử Tây... được nhiều hộ dân học tập làm theo; hướng dẫn mọi người chế tác đồ thủ công mỹ nghệ từ vỏ sò, quả bàng vuông, đá san hô... Đó là một cuộc sống đầy tích cực và ý nghĩa.