Người dân Đồng bằng sông Cửu Long tưởng nhớ các Vua Hùng

Như nhiều vùng miền trong cả nước, tục thờ cúng Vua Hùng được duy trì và tiếp nối qua nhiều thế hệ ở miệt sông nước miền Tây, theo lời dạy của các bậc tiền nhân "Con người có tổ, có tông/Như cây có cội, như sông có nguồn".
0:00 / 0:00
0:00
Ðông đảo người dân về dâng hương, dâng lễ tại khu Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ tại Khu du lịch Mũi Cà Mau.
Ðông đảo người dân về dâng hương, dâng lễ tại khu Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ tại Khu du lịch Mũi Cà Mau.

Tại nơi tận cùng cực nam Tổ quốc, hướng về cội nguồn dân tộc, sáng 10 tháng 3 âm lịch, các cấp lãnh đạo Ðảng, chính quyền và nhân dân các địa phương trong tỉnh đã tề tựu đông đảo về dâng hương, dâng hoa… tưởng nhớ, tri ân Vua Hùng tại Di tích Ðền thờ Vua Hùng thuộc ấp Giao Khẩu, xã Tân Phú, huyện Thới Bình, tỉnh Cà Mau.

Trong 13 tỉnh vùng Ðồng bằng sông Cửu Long, Cà Mau tự hào là nơi có Ðền thờ Vua Hùng lâu đời nhất, với lịch sử hình thành hơn 150 năm. Qua bao thăng trầm của thời gian và biến cố lịch sử, hương khói tại đền thờ chưa bao giờ gián đoạn.

Năm 2011, Ðền thờ Vua Hùng tại Cà Mau được công nhận là Di tích Lịch sử-Văn hóa cấp tỉnh. Năm 2022, công trình được trùng tu, nâng cấp hoàn tất, mang lại niềm vui lớn đối với nhân dân địa phương, trở thành địa chỉ hành hương của nhiều khách thập phương khi đến Cà Mau. Ông Phan Văn Do, thành viên Ban Quản lý Ðền thờ Vua Hùng cho biết: "Từ khi được trùng tu, nâng cấp, công tác chuẩn bị ngày Giỗ Tổ bài bản và quy mô hơn, thu hút đông đảo người về hành hương, cúng bái. Giỗ Tổ Hùng Vương cũng trở thành một trong những sự kiện văn hóa tiêu biểu nằm trong Chương trình "Cà Mau - Ðiểm đến" hằng năm của tỉnh".

Trong ngày Giỗ Tổ năm nay tại Cà Mau, các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh mang vật phẩm đặc trưng của các địa phương dâng cúng lên Vua Hùng. Riêng huyện Thới Bình, ngoài lễ vật của huyện còn có sự tham gia của các xã, thị trấn đến dâng lễ. Bà Ðặng Thị Mới, quê Bạc Liêu cho hay: "Vượt đường dài hơn 70 km về Cà Mau lần này, tôi dâng lễ vật và cả tấm lòng thành kính để tưởng nhớ công đức trời biển của tiền nhân, qua đó cầu mong quê hương, đất nước ngày càng giàu mạnh".

Nhân ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được tổ chức thành kính, trang nghiêm, Cà Mau trân trọng nhận lễ vật từ tỉnh Phú Thọ - vùng Ðất Tổ thiêng liêng và được cung thỉnh dâng lên Vua Hùng, cùng bày tỏ tấm lòng tri ân, hướng về nguồn cội của các thế hệ con cháu mang dòng máu Lạc Hồng. Ðây cũng là dịp để thể hiện tinh thần đoàn kết, thể hiện đạo lý "Uống nước nhớ nguồn", nhớ về tổ tông, về nghĩa đồng bào, cầu cho quốc thái dân an, để mọi người cùng nhau góp công, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày phồn thịnh.

Tín ngưỡng thờ cúng các Vua Hùng được trao truyền, vun đắp qua bao thế hệ và duy trì đến ngày nay; như điểm tựa tâm linh vững chắc, nguồn gốc tạo nên sức mạnh để dân tộc Việt Nam đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, thử thách, không ngừng phát triển. Tín ngưỡng thờ cúng Vua Hùng được UNESCO ghi danh là "Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại" vào năm 2012.

Tiếp nối niềm tự hào đó, suốt thời gian qua, các cấp lãnh đạo Ðảng, Nhà nước không chỉ quan tâm tôn tạo không gian thờ cúng trang nghiêm mà còn đưa truyền thuyết Hùng Vương vào chương trình giảng dạy cho thế hệ trẻ. Trong hơn 1.400 di tích, Ðền thờ Hùng Vương trên cả nước, vùng Ðồng bằng sông Cửu Long hiện chỉ có 4 Ðền thờ Vua Hùng tại các tỉnh Cà Mau, Kiên Giang, Vĩnh Long và thành phố Cần Thơ.

Tuy số lượng không nhiều nhưng những Ðền thờ Vua Hùng luôn có vai trò quan trọng trong đời sống tinh thần và tâm linh của người dân miền sông nước. Tại ấp Ðông Bình (thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp, tỉnh Kiên Giang), Ðền thờ Quốc Tổ Hùng Vương khang trang, uy nghiêm suốt hàng chục năm qua. Năm 2004, ngôi đền được Ủy ban nhân dân tỉnh Kiên Giang xếp hạng "Di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh". Năm 2010, Kiên Giang là 1 trong 9 địa phương trong cả nước được phép tổ chức lễ hội Quốc giỗ Hùng Vương theo nghi thức cấp quốc gia. Vào ngày mồng 9 và 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, hàng nghìn người dân Kiên Giang và một số vùng lân cận tìm về Tân Hiệp để dâng hoa, dâng hương bày tỏ lòng tri ân, tôn kính các Vua Hùng.

Tại tỉnh Vĩnh Long, trong khuôn viên Bảo tàng tỉnh dành riêng gian nhà thờ Quốc Tổ Hùng Vương và các bậc tiền hiền thời Vua Hùng. Ðiểm đặc biệt của nơi thờ phụng này là gian nhà mang kiến trúc thuần Việt của người dân Nam Bộ với bộ cột kèo bằng danh mộc, mái ngói âm dương, ba gian rộng rãi thoáng mát. Hằng năm, vào ngày Giỗ Tổ đông đảo người dân mang lễ vật đến dâng Vua Hùng. Ðó có thể là mâm xôi, vài đòn bánh tét được nấu từ nếp trồng ở đồng ruộng quê nhà hay mâm cam, xoài, quýt vừa thu hoạch… Vào mồng 1 Tết hằng năm, gian nhà thờ Vua Hùng còn là điểm để lãnh đạo và nhân dân tỉnh Vĩnh Long đến dâng hương, báo công.

Uy nghi và hoành tráng nhất tại Ðồng bằng sông Cửu Long có lẽ là Ðền thờ Vua Hùng được xây dựng ngay trên mảnh đất Tây Ðô, tọa lạc tại phường Bình Thủy (quận Bình Thủy, thành phố Cần Thơ). Khu đền rộng khoảng 39.000m2 gồm nhiều hạng mục, trong đó, khu thờ chính được thiết kế với hình tượng trống đồng cách điệu, 18 cánh cung tượng trưng cho 18 đời Vua Hùng. Bao quanh đền thờ là 54 trụ đồng tượng trưng cho 54 dân tộc của Việt Nam. Ðền thờ đặt ngay trung tâm vùng này không chỉ như mạch nguồn nam-bắc nối liền một nhà mà còn là điểm nhấn hấp dẫn tại thủ phủ đất Tây Ðô, góp phần giáo dục truyền thống "uống nước nhớ nguồn" đến đông đảo thế hệ trẻ.

Tại nơi tận cùng đất phương nam, ngoài Ðền thờ Vua Hùng tại huyện Thới Bình còn có Ðền thờ Quốc Tổ Lạc Long Quân và cụm Tượng Mẹ - biểu tượng của Quốc Mẫu Âu Cơ tại Khu Du lịch Mũi Cà Mau (xã Ðất Mũi, huyện Ngọc Hiển). Dù mới khánh thành khoảng 5 năm gần đây (năm 2019) nhưng cụm đền thờ nhanh chóng trở thành không gian văn hóa tinh thần linh thiêng với người Cà Mau và là nơi hành hương của đông đảo khách thập phương mỗi khi về vùng đất thiêng liêng tận cùng cực nam Tổ quốc. Từ năm 2021, vào ngày cúng Quốc Tổ Lạc Long Quân và Quốc Mẫu Âu Cơ hằng năm (mồng 6 tháng 3 âm lịch), các địa phương trong tỉnh Cà Mau đều đến dâng hương, vật lễ…