Trong những ngày nghỉ Tết, theo đánh giá của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tai nạn giao thông tuy tăng về số vụ nhưng số người chết giảm. Lực lượng chức năng quyết liệt xử lý vi phạm của người tham gia giao thông, nhất là vi phạm về nồng độ cồn.
Các cửa ngõ đô thị ùn tắc
Ăn vội bữa trưa, anh Trần Nam Khánh (trú tại thành phố Thanh Hóa, tỉnh Thanh Hóa) nhờ người thân chở ra bến để bắt xe khách ra Hà Nội. Lúc mới bước chân lên, anh thấy chỗ ngồi còn khá thoải mái. Tuy nhiên, suốt dọc hành trình, xe liên tục tạt vào lề đường đón khách cho đến tận Hà Nam, lúc xe không thể nhồi thêm nữa mới thôi.
Anh cho biết: Khi xe đã đầy khách rồi, phụ xe còn xếp thêm cả một hàng ghế nhựa dọc lối đi để “nhồi” thêm khách. Dọc đường, cứ thỉnh thoảng lái xe lại tấp vào lề đường để đón khách, cả một hành trình lên Hà Nội nhốn nháo, mệt mỏi. Theo anh Nam, giá vé xe khách ngày thường cho hành trình Thanh Hóa-Hà Nội khoảng 100 nghìn-120 nghìn đồng, nhưng thời điểm Tết, nhà xe nâng giá vé lên tới 160 nghìn đồng, kể cả đón xe từ Ninh Bình với cung đường ngắn hơn cũng phải chịu chung mức giá này.
Tại nút giao Liêm Tuyền trên tuyến cao tốc Ninh Bình-Cầu Giẽ bị ùn tắc cục bộ, lượng xe từ các tỉnh Nam Định, Thái Bình từ Quốc lộ 21 lên cao tốc quá đông, phương tiện phải nhích từng chút một. Tại trạm thu phí BOT Pháp Vân-Cầu Giẽ, phương tiện dồn về Hà Nội với mật độ rất đông.
Điểm cuối tuyến cao tốc Pháp Vân giao với đường vành đai 3 trên cao, xe xếp dài hàng cây số theo hướng về nội thành. Đầu giờ chiều, các tuyến đường cửa ngõ Thủ đô bắt đầu ùn tắc. Lúc 15 giờ, ô-tô di chuyển rất chậm, kéo dài hàng ki-lô-mét từ Pháp Vân hướng vào nội đô, đến cuối giờ, ùn tắc càng nghiêm trọng hơn. Trên Quốc lộ 1 (cũ), càng về chiều, lượng xe máy đổ về càng đông, gây tắc nghẽn khu vực bến xe Nước Ngầm. Lực lượng cảnh sát giao thông, cảnh sát trật tự và thanh tra giao thông phải căng mình điều tiết giao thông.
Từ khoảng 15 giờ ngày 14/2, tại bến xe Giáp Bát (Hà Nội), xe khách từ các tỉnh Thái Bình, Nam Định, Thanh Hóa, Ninh Bình lần lượt xếp hàng vào trong khu vực trả khách. Các xe khách liên tục vào bến, hành khách ai cũng lộ rõ vẻ mệt mỏi sau hành trình về Thủ đô chuẩn bị cho ngày làm việc mới.
Dọc trục đường Giải Phóng, nhiều xe không vào bến mà tấp ngay lề đường để trả khách. Lãnh đạo bến xe Giáp Bát cho biết, thời điểm đông khách nhất ngày cuối kỳ nghỉ Tết rơi vào khung giờ từ 15 đến 19 giờ và đến sáng 15/2. So với ngày thường, lượng khách đổ về bến tăng khoảng gấp 2 lần và tập trung chủ yếu ở các tuyến hành trình ở các tỉnh Nam Định, Thanh Hóa, Thái Bình,...
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, trong chiều 14/2, bến xe Miền Đông có rất đông người dân từ các tỉnh lỉnh kỉnh đồ đạc quay lại thành phố chuẩn bị cho ngày làm việc đầu tiên sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán. Càng về cuối ngày, các xe khách đổ về bến xe với tần suất dày đặc hơn.
Theo dự báo của đại diện bến xe, lượng khách từ các tỉnh quay về thành phố sau Tết sẽ đạt cao nhất vào ngày cuối tuần (18/2). Còn tại Cảng Hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, ngày 14/2 đã đón 934 chuyến bay đi, đến với 148 nghìn lượt hành khách. Tuy lượng hành khách tăng cao, nhưng sân bay đã điều phối hợp lý phương tiện dịch vụ vận chuyển, cho nên không gây tình trạng ùn tắc tại khu vực ra, vào sân bay.
Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, nhiều du khách, người dân đã rời thành phố Đà Nẵng để chuẩn bị trở lại với công việc. Ghi nhận tại ga đường sắt Đà Nẵng, khu vực chờ ken kín khách. Ông Đoàn Kim Tuấn, Trưởng đội khách vận Ga Đà Nẵng cho biết, từ mồng 3 Tết, lượng khách đi từ Đà Nẵng tăng đột biến, vé tàu từ Đà Nẵng đi các tỉnh phía nam đã được bán hết đến ngày 17/2, chỉ còn một số ghế ngồi phụ. Trong những ngày Tết, lượng khách lên xuống tại ga Đà Nẵng đạt hơn 2.200 lượt khách/ngày và chủ yếu là khách nội địa. Trong ngày 14/2, lượng khách đi vào phía nam chiếm gần 50% tổng lượng khách lên xuống.
Tại sân bay Đà Nẵng, lượng khách làm thủ tục rất đông, chủ yếu đi Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh. Theo đại diện Cảng Hàng không quốc tế Đà Nẵng, trong 7 ngày nghỉ Tết, có 777 chuyến bay nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng. Trên đường bộ, lượng khách từ các địa phương trở lại Đà Nẵng cũng rất đông.
Bến xe Trung tâm Đà Nẵng chiều 14/2 bình quân cứ 5 phút có một chuyến vào bến với lượng khách chật kín; xe xuất bến đi các tỉnh phía nam cũng rất đông. Tuy nhiên, việc nhồi nhét khách ít xảy ra do lực lượng chức năng kiểm tra nghiêm ngặt, xử phạt nặng trường hợp vi phạm. Tại các cửa ngõ ra, vào thành phố, lượng xe khá đông, nhưng không xảy ra ùn tắc.
Số người chết do tai nạn giao thông giảm sâu
Ông Khuất Việt Hùng, Phó Chủ tịch chuyên trách Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn (từ ngày 8 đến 14/2), số vụ tai nạn giao thông tăng nhưng số người chết giảm sâu so với kỳ nghỉ Tết năm trước.
Báo cáo của Văn phòng Bộ Công an, cả nước xảy ra 541 vụ tai nạn giao thông, làm chết 214 người và 504 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết, tăng 177 người bị thương so với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Quý Mão). Trong đó, đường bộ xảy ra 538 vụ, làm 212 người chết, 502 người bị thương (tăng 83 vụ, giảm 69 người chết và tăng 176 người bị thương so với cùng kỳ). Ngày 14/2 cả nước xảy ra 75 vụ tai nạn giao thông, làm 27 người chết và 69 người bị thương, giảm 20 vụ, giảm 7 người chết, 18 người bị thương so với ngày mồng 4 Tết.
Mặc dù trật tự an toàn giao thông trong 7 ngày nghỉ Tết cơ bản bảo đảm, tuy nhiên, Tiến sĩ Hùng cho rằng, số vụ và số người bị thương do tai nạn vẫn tăng cao so với kỳ nghỉ Tết năm trước; tình hình ùn tắc giao thông vẫn diễn biến phức tạp trên các trục chính, các đầu mối, cửa ngõ giao thông của Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh cũng như tại một số trạm thu phí.
Về vận tải, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia đánh giá, năng lực vận chuyển và chất lượng dịch vụ vận tải đường bộ, đường sắt và hàng không cơ bản đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân trong dịp Tết, không xảy ra hiện tượng người dân không có phương tiện đi lại. Tình trạng ùn tắc được các lực lượng chức năng xử lý kịp thời, giảm tối đa các vụ ùn tắc giao thông kéo dài.
Trong 7 ngày nghỉ Tết, lực lượng cảnh sát giao thông, công an các địa phương đã phát hiện và xử lý hơn 71.400 trường hợp vi phạm giao thông, phạt tiền 182,4 tỷ đồng, tạm giữ 1.864 ô-tô, hơn 34 nghìn xe máy và 140 phương tiện khác, tước gần 19 nghìn giấy phép lái xe các loại.
Trong đó, cảnh sát giao thông đã phát hiện, xử lý gần 29.100 trường hợp vi phạm nồng độ cồn (tăng gần 21.400 trường hợp so với dịp Tết năm 2023), 114 trường hợp dương tính với ma túy, 16.756 trường hợp vi phạm tốc độ.
Ông Khuất Việt Hùng nhận định, sau Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng phương tiện cá nhân của người dân tăng cao, ùn tắc giao thông tiếp tục diễn biến phức tạp. Để bảo đảm trật tự an toàn giao thông dịp sau Tết và mùa Lễ hội xuân, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục triển khai phương án tăng cường năng lực vận tải, siết chặt kiểm tra an toàn kỹ thuật phương tiện và người lái, xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, ô-tô chở quá số người; tăng cường tổ chức giao thông một cách khoa học, thuận lợi.
Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cũng đề nghị các bộ, ngành, địa phương chú trọng việc cung ứng dịch vụ vận tải hành khách công cộng đường bộ để đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, giảm các chuyến đi bằng phương tiện cơ giới cá nhân ở cự ly dài trên các quốc lộ, cao tốc, đáp ứng tốt nhu cầu vận tải khi học sinh đi học trở lại và mùa Lễ hội xuân bắt đầu tại nhiều địa phương. Lực lượng chức năng cần tiếp tục duy trì tuần tra, kiểm soát, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm giao thông, nhất là hành vi vi phạm có tính phổ biến trong dịp lễ hội,...