Sinh năm 1940 tại tỉnh An Giang, một vùng đất giàu truyền thống nông nghiệp, từ nhỏ Giáo sư Võ Tòng Xuân đã sớm gắn bó với ruộng đồng và người nông dân.
Năm 1961, ông nhận được học bổng du học tại Đại học Nông nghiệp Philippines ở Los Banos. Sau khi tốt nghiệp với bằng cử nhân Hóa nông năm 1966, ông được mời làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI), một cơ sở nghiên cứu hàng đầu về lúa gạo trên thế giới.
Năm 1971, Giáo sư Võ Tòng Xuân trở về Việt Nam theo lời mời của Viện trưởng Viện đại học Cần Thơ tham gia đào tạo kỹ sư nông nghiệp và nâng cao chất lượng sản xuất nông nghiệp tại Đồng bằng sông Cửu Long.
Năm 1975, ông bảo vệ thành công luận án tiến sĩ tại Nhật Bản và trở về Việt Nam tiếp tục nghiên cứu và giảng dạy, phát triển và phổ biến các giống lúa mới như: Thần Nông, IR36, IR33, IR64 và MTL30. Những giống lúa này đã giúp tăng sản lượng, mùa màng bội thu và cải thiện đời sống nông dân.
Nhờ những thành tích nổi bật, ông được phong tặng danh hiệu Giáo sư Nông học năm 1980 và nhận nhiều huân, huy chương, giải thưởng cao quý như: Anh hùng Lao động (1985), Huân chương Lao động hạng nhất (1986), và Nhà giáo Nhân dân (1999)…
Năm 2023, Giáo sư Võ Tòng Xuân trở thành nhà khoa học Việt Nam đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng VinFuture với công trình "Phát minh và phổ biến giống lúa kháng bệnh". Những giải thưởng này đã khẳng định uy tín và tầm ảnh hưởng của ông trên trường quốc tế và góp phần đưa Việt Nam trở thành quốc gia đi đầu trong nghiên cứu nông nghiệp và bảo vệ môi trường.
Giáo sư Võ Tòng Xuân: "Mơ ước lớn nhất đời tôi là giúp người nông dân bớt khổ"
Trong suốt sự nghiệp của mình, Giáo sư Võ Tòng Xuân đã giữ nhiều vị trí quan trọng trong các cơ sở giáo dục như: Phó Hiệu trưởng Trường đại học Cần Thơ (từ năm 1982 đến 1997); Hiệu trưởng Trường đại học An Giang (từ tháng 12/1999 đến tháng 11/2007); Hiệu trưởng Trường đại học Tân Tạo (từ năm 2010 đến tháng 10/2013); năm 2013, ông là thành viên Hội đồng sáng lập, quyền Hiệu trưởng Trường đại học Nam Cần Thơ và tiếp tục đảm nhận vai trò Hiệu trưởng danh dự của trường này. Ông cũng từng là Ủy viên Hội đồng chức danh Giáo sư Nhà nước trong vòng 10 năm (từ năm 1996 đến 2006).
Giáo sư Võ Tòng Xuân không chỉ là một nhà sư phạm tài năng mà còn là một nhà khoa học tâm huyết, với những đóng góp quan trọng cho nền nông nghiệp Việt Nam và cả quốc tế. Những công trình nghiên cứu của ông không chỉ giúp cải thiện sản xuất nông nghiệp trong nước mà còn mang lại lợi ích cho các nước nghèo ở châu Phi, chứng minh tinh thần quốc tế và tấm lòng rộng mở của một nhà khoa học Việt Nam đối với thế giới.
Đối với vùng Đồng bằng sông Cửu Long, nông nghiệp là một ngành kinh tế quan trọng và là nền tảng cho đời sống của hàng triệu người dân. Sự phát triển nông nghiệp bền vững giúp cải thiện thu nhập cho người nông dân, góp phần ổn định đời sống xã hội và bảo vệ môi trường. Giáo sư Võ Tòng Xuân hiểu rất rõ điều này và luôn nỗ lực hết mình để mang lại những giá trị bền vững cho người dân trong vùng. Một trong những đóng góp lớn nhất của ông là phát triển và phổ biến các giống lúa mới có năng suất cao và khả năng chống chịu tốt với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như hạn hán và ngập lụt. Những giống lúa này đã giúp tăng sản lượng, nâng cao giá trị gạo Việt Nam trên thị trường quốc tế, cải thiện thu nhập của người nông dân.
Ngoài việc phát triển giống lúa, Giáo sư Võ Tòng Xuân còn tiên phong trong việc nghiên cứu và áp dụng các kỹ thuật canh tác bền vững, thân thiện với môi trường. Ông đã giới thiệu và khuyến khích người nông dân áp dụng các phương pháp canh tác hạn chế sử dụng hóa chất, thay vào đó là sử dụng phân bón hữu cơ, thuốc trừ sâu sinh học. Điều này giúp bảo vệ môi trường và bảo đảm an toàn thực phẩm cho người tiêu dùng, đồng thời góp phần quan trọng trong việc bảo vệ hệ sinh thái, bảo đảm sự phát triển bền vững cho cả vùng.
Không chỉ dừng lại ở việc nghiên cứu và phát triển kỹ thuật, Giáo sư Võ Tòng Xuân còn luôn quan tâm đến việc phổ biến kiến thức và nâng cao nhận thức cho người nông dân. Thông qua nhiều buổi hội thảo, lớp tập huấn và chương trình tư vấn kỹ thuật, rất nhiều người dân đã nắm bắt được những kiến thức mới nhất trong lĩnh vực nông nghiệp.
Bao thế hệ học trò đều nhớ đến thầy không chỉ vì tài năng mà còn vì sự tận tụy. Ngoài việc truyền đạt kiến thức, ông còn khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, khuyến khích sinh viên tìm tòi và áp dụng kiến thức vào thực tiễn; đưa sinh viên và cộng sự ra ngoài phòng thí nghiệm, đến các cánh đồng để thực hiện thử nghiệm và cải tiến kỹ thuật. Tinh thần cống hiến đó đã truyền cảm hứng cho nhiều thế hệ học trò. Ông khuyến khích sinh viên tự tin, mạnh dạn đặt câu hỏi và sáng tạo. Những câu chuyện thực tế từ cuộc đời mình đã truyền cảm hứng cho sinh viên, giúp họ hiểu rằng, thành công cần kiên trì và nỗ lực không ngừng.
Đối với đồng nghiệp, Giáo sư Võ Tòng Xuân là một người lãnh đạo có tầm nhìn xa, biết lắng nghe và chia sẻ, không ngần ngại hướng dẫn, truyền đạt kinh nghiệm cho các nhà nghiên cứu trẻ, giúp họ phát triển sự nghiệp. Với phong cách lãnh đạo gần gũi, chân thành, ông luôn tạo ra một môi trường làm việc tích cực, nơi mọi người đều có thể học hỏi lẫn nhau và cùng nhau phát triển.
Những giá trị mà Giáo sư Võ Tòng Xuân để lại không chỉ là những nghiên cứu khoa học hay những giống lúa mới, mà còn là một tinh thần cống hiến hết mình vì cộng đồng. Những sinh viên mà ông từng giảng dạy, những người dân mà ông từng giúp đỡ, đều mang trong mình sự nhiệt huyết, tình yêu thương và trách nhiệm với xã hội.