Có lẽ, thời gian cùng tập thể cơ quan cùng thành phố phòng, chống dịch Covid-19 là dấu ấn khó quên trong cuộc đời của bác sĩ chuyên khoa I Trần Công Thông. Từ đợt dịch đầu tiên, Trung tâm là đơn vị duy nhất ở tuyến đầu thực hiện vận chuyển cấp cứu tất cả bệnh nhân Covid-19 để tránh lây lan dịch rộng trong cộng đồng. Lúc đó, mọi người, kể cả nhân viên y tế đều chưa hiểu rõ về Covid-19, cho nên không tránh khỏi tâm lý lo sợ, mặc dù tất cả đều được trải qua những khóa tập huấn, có tài liệu hướng dẫn cụ thể trong công tác phòng bị, vận chuyển bệnh nhân, sát khuẩn để không lây nhiễm.
Bác sĩ Trần Công Thông đã nghĩ, mình phải làm gì, làm như thế nào để có thể hoàn thành được nhiệm vụ được giao, cũng như đồng hành cùng nhân viên của mình, không để xảy ra tình trạng “vỡ trận” khi vận chuyển bệnh nhân. Vì vậy, bên cạnh những giải pháp sẽ triển khai, lãnh đạo đơn vị đã tiên phong khi đón những ca F0 đầu tiên; qua đó, tạo cho lực lượng nhân viên sự yên tâm, tin tưởng hơn với những phần việc tiếp theo. Rồi những phần việc cứ như vậy được mọi người cùng nhau thực hiện từ đợt dịch đầu tiên, tới đợt hai, đến những ngày phong tỏa thành phố, những đợt thực hiện “3 tại chỗ”. Đến khi Đà Nẵng tạm ổn, lực lượng của Trung tâm đi chi viện cho Thành phố Hồ Chí Minh.
Bác sĩ Nguyễn Cứ, Trưởng phòng Tổ chức hành chính chia sẻ: Bác sĩ Thông luôn hòa mình với tập thể Trung tâm như một nhân viên trong công tác chuyên môn, cũng như những ngày cùng chống dịch, cùng ăn ở với anh em trong cơ quan trong 20 ngày đóng quân tại chỗ. Bên cạnh đó, bác sĩ Thông còn luôn sát sao trong công việc, có những chỉ đạo kịp thời, kiểm tra giám sát, định hướng những chủ trương, chính sách để Trung tâm ngày càng phát triển một cách bền vững. Qua đó, Trung tâm đạt được khá nhiều thành tích cả về công tác đảng, chính quyền và đoàn thể.
Là người đứng đầu, bác sĩ Trần Công Thông cũng đẩy mạnh ứng dụng khoa học-công nghệ để thực hiện các nhiệm vụ quản lý, điều hành như: Nâng cấp hệ thống định vị trên các xe cấp cứu tích hợp camera để điều hành và hỗ trợ chuyên môn từ xa; triển khai ứng dụng đặt lịch vận chuyển cấp cứu và phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông thành phố Đà Nẵng xây dựng hệ thống quản lý điều hành cấp cứu ứng dụng hệ thống định vị trên các xe cấp cứu đã được trang bị.
Việc xây dựng hệ thống điều hành cấp cứu đã cơ bản được số hóa quá trình điều hành, xử trí cấp cứu và thí điểm chia sẻ vị trí các xe cấp cứu khi thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ, cấp cứu người dân. Qua đó giúp người dân, người bệnh và người nhà yên tâm hơn, phối hợp tốt hơn với lực lượng nhân viên y tế của Trung tâm trong quá trình thực hiện cấp cứu.
Trong nhiều năm qua, bác sĩ Trần Công Thông đã nghiên cứu và có những sáng kiến kỹ thuật thiết thực được áp dụng, hiệu quả vào hoạt động của đơn vị. Nhằm khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tế vận chuyển cấp cứu bệnh nhân tại hiện trường, bác sĩ Thông đã có sáng kiến “Lắp đặt trục lăn trên băng ca đẩy bệnh nhân của xe cứu thương để tiếp đỡ băng ca rời”. Nhờ đó, khi sử dụng có thể chuyển tiếp bệnh nhân cấp cứu nằm trên băng ca rời tại hiện trường lên băng ca đẩy một cách nhanh chóng và ổn định vị trí của hai băng ca.
Bác sĩ Thông còn có sáng kiến “Cải tiến lắp đặt đồng hồ oxy hoạt động liên hoàn bảo đảm sử dụng liên tục khí oxy giữa các bình oxy trên xe cứu thương”. Sáng kiến này đã giúp khắc phục tình trạng gián đoạn cung cấp oxy đột ngột cho người bệnh cấp cứu được chỉ định phải thở oxy liên tục đang vận chuyển trên xe cứu thương; hạn chế tình trạng lãng phí thể tích khí thở oxy.
Khi bình khí oxy số 1 đang sử dụng gần hết khí theo chỉ báo trên đồng hồ đo áp lực oxy, điều dưỡng chăm sóc bệnh nhân trên xe cứu thương chỉ cần thực hiện thao tác mở van bình khí oxy số 2 là đã bảo đảm cung cấp đầy đủ lượng khí oxy cho bệnh nhân, đồng thời bảo đảm áp lực oxy khi sử dụng cho máy thở. Cùng với đó, sáng kiến “Cải tiến lắp đặt máy bóp bóng tự động trợ thở cấp cứu hồi sức bệnh nhân vận chuyển trên xe cứu thương” cũng đang được sử dụng tại đơn vị.
Là một trong năm cá nhân của thành phố Đà Nẵng tham dự Hội nghị biểu dương, tôn vinh điển hình tiên tiến toàn quốc, bác sĩ Trần Công Thông cho biết: Cá nhân tôi chỉ là người đại diện tập thể hơn 100 viên chức, người lao động của Trung tâm cấp cứu nhận phần thưởng này, bởi nếu không có cả tập thể cùng chung tay thì tôi cũng không có được vinh dự như vậy. Đây cũng là sự ghi nhận nỗ lực phấn đấu của toàn thể Trung tâm trong nhiều năm qua và cũng sẽ là một động lực mạnh mẽ để bản thân tôi cùng tập thể cùng nỗ lực hơn nữa để hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình trong giai đoạn tiếp theo.