Ngư dân vượt khó, vươn khơi bám biển

Nửa đầu năm 2022, do giá nhiên liệu tăng cao, kéo theo cơn "bão giá" của nhiều mặt hàng thiết yếu khác, ngành khai thác thủy, hải sản là một trong những lĩnh vực bị tổn thương đầu tiên.
0:00 / 0:00
0:00
Cảng cá Bình Thắng (huyện Bình Ðại, tỉnh Bến Tre).
Cảng cá Bình Thắng (huyện Bình Ðại, tỉnh Bến Tre).

Ðời sống của hàng triệu ngư dân trở nên bấp bênh khi hàng nghìn tàu cá phải nằm bờ, nhiều nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản thiếu nguyên liệu... Gần đây, giá xăng dầu tuy hạ nhiệt, nhưng bài toán phát triển bền vững của ngành khai thác thủy sản và sinh kế lâu dài cho ngư dân vẫn còn đó, cần thiết và cấp bách. Ðiều này đòi hỏi sự vào cuộc ráo riết và những chính sách hỗ trợ kịp thời, bền vững của Chính phủ, các địa phương và các cấp, ngành hữu quan...

Bài 1: Khó khăn bủa vây

Bước sang quý III/2022, dù giá xăng dầu có giảm nhưng giá cả các mặt hàng thiết yếu phục vụ đi biển dài ngày khác vẫn ở mức cao. Trong khi đó, sản lượng khai thác hải sản giảm, giá thu mua không tăng, ngư dân ở nhiều địa phương ven biển vẫn đối mặt với những khó khăn. Tàu khai thác nằm bến lại kéo theo hàng loạt ngành nghề khác trên bờ như: buôn bán thủy sản, làm cá khô, dịch vụ hậu cần nghề biển... cũng ế ẩm theo. Chưa kể nhiều ngư dân còn phải gánh chịu những khó khăn kép, đó là những chủ nhân của "con tàu 67" vốn chưa thoát khỏi nợ nần, nay phải chịu thêm "bão giá"...

TỈNH Bến Tre có 3.780 tàu đánh bắt thủy sản ngoài biển chủ yếu tập trung tại ba huyện Bình Ðại, Ba Tri và Thạnh Phú. Ngư dân Trương Thanh Tiến, ngụ xã Bình Thắng, huyện Bình Ðại (Bến Tre) có hai chiếc tàu đánh bắt xa bờ, cho biết: "Mấy chuyến biển gần đây hầu như bị lỗ do chi phí dầu, nước đá, thực phẩm phục vụ đánh bắt thủy sản đều tăng. Trước đây, một chuyến đi biển khoảng ba tháng, chi phí khoảng hai tỷ đồng nhưng giờ đội giá lên ba tỷ đồng. Bây giờ, nếu định vị được luồng cá thì tôi mới đánh bắt, còn không thì neo tàu lại chứ không dám di chuyển như trước đây vì tốn kém". Theo ông Tiến, vừa rồi giá dầu giảm khoảng hai, ba đợt, ngư dân phấn khởi vì đỡ gánh nặng chi phí. Hiện nay, đang vào vụ chính của mực ống nên hy vọng trúng mùa sẽ bù lại các chuyến biển trước.

Với chủ những tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ còn có thể cầm cự được để giữ chân lao động. Còn những tàu công suất nhỏ, do thua lỗ phải nằm bờ khá nhiều. Tại xã An Thủy, nơi có lượng tàu đánh cá xa bờ lớn nhất huyện Ba Tri (803/965 tàu), mấy tháng nay tàu nằm bờ nhiều hoặc chỉ hoạt động cầm chừng vì giá nhiên liệu tăng cao. Chủ tịch UBND xã An Thủy Trần Văn Hồng cho biết: "Thường mỗi chuyến biển, bị lỗ vài chục triệu đồng là bình thường nhưng chủ tàu phải chấp nhận để giữ chân lao động. Nếu không có việc làm, họ bỏ việc thì những chuyến biển sau, việc kiếm lao động lại càng khó khăn hơn". Theo ông Hồng, hiện không chỉ tàu của địa phương nằm tại bến mà còn có cả các tỉnh lân cận như Bạc Liêu, Cà Mau...

Tàu khai thác nằm bến nhiều sẽ kéo theo hàng loạt ngành nghề khác trên bờ như buôn bán thủy sản, làm cá khô, dịch vụ hậu cần nghề biển... cũng ế ẩm theo. Ðiều này tác động mạnh mẽ tới tất cả các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống của người dân vùng ven biển. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bến Tre Nguyễn Văn Buội cho biết: "Hiện nay, lỗ nặng nhất là các tàu đánh lưới đơn ở biển Tây. Theo thống kê, có khoảng 60% tàu đánh cá khai thác ở biển Tây phải nằm bờ với khoảng 300 chiếc; còn lại các tàu cào đôi, câu mực cũng hoạt động cầm chừng".

Tại Phú Yên, đang giữa mùa khai thác, nhưng nhiều tàu đánh bắt xa bờ hành nghề lưới kéo vẫn phải neo bờ. Các doanh nghiệp chế biến thủy, hải sản cũng tăng giá thu mua nguyên liệu đầu vào nhưng không đủ bù với tốc độ tăng giá xăng dầu. Tàu cá nằm bờ, không chỉ chủ tàu lao đao mà cuộc sống của nhiều gia đình bạn thuyền đi biển cũng bị ảnh hưởng. Bà Trần Thị Gái, ngư dân phường 6, thành phố Tuy Hòa cho hay: "Mọi năm giá xăng dầu thấp, đi biển về còn dư được một ít để trích ra chi phí sinh hoạt nhưng năm nay rất là khó, từ nghề lớn đến nghề nhỏ. Nhiều tàu khai thác xa bờ tại Phú Yên đã chuyển sang đi khai thác dài ngày trên biển. Thay vì một chuyến biển 20 ngày như trước, từ đầu năm đến nay, phần lớn tàu câu cá ngừ đại dương đã phải chuẩn bị nhu yếu phẩm, nhiên liệu cho chuyến biển 40 ngày trở lên...".

Ngư dân vượt khó, vươn khơi bám biển ảnh 1

Tàu cá Bình Ðịnh nằm bờ vì khó khăn.

Theo Giám đốc Ban quản lý các cảng cá tỉnh Ninh Thuận Nguyễn Kim Long, địa phương này có 2.260 phương tiện tàu thuyền (chiều dài từ 6 mét trở lên), tập trung khai thác hải sản và neo đậu ở các cảng cá trong tỉnh như Cà Ná, huyện Thuận Nam, Ninh Chử, huyện Ninh Hải và cảng Ðông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm. Mặc dù ngư trường hiện đang có cá nổi xuất hiện với sản lượng nhiều, nhưng giá nhiên liệu tăng cao, khiến cho chi phí mỗi chuyến đi đánh bắt xa bờ tăng lên gần gấp đôi, nên ngư dân ngại vươn khơi. Toàn tỉnh có hơn 20% tàu có công suất lớn phải nằm bờ. Riêng cảng cá Ðông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm có hơn 50% tàu công suất lớn dừng vươn khơi. Anh Võ Ngọc Anh, ở phường Mỹ Ðông, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, chủ tàu cá mang số hiệu NT91198 chia sẻ: "Nhiều tháng qua, tôi cố gượng cho tàu vươn khơi để giữ chân lao động. Chuyến biển cuối tháng 6 may mắn khai thác được 20 tấn cá. Nếu như trước đây, sẽ bán hơn 600 triệu đồng, sau khi trừ chi phí cũng lãi hơn 100 triệu đồng; nay do giá nhiêu liệu tăng cao, giá bán cá lại thấp, nên coi như hòa vốn".

Còn anh Trần Công Thắng, ở phường Ðông Hải, thành phố Phan Rang-Tháp Chàm chia sẻ: "Tôi có 4 tàu công suất lớn thường xuyên vươn khơi. Mấy tháng nay giá nhiên liệu tăng cao, nên nhiều chuyến ra khơi đánh bắt hải sản dài ngày không có lãi, nên đành để hai tàu cá nằm bờ. Hai tàu còn lại hoạt động cầm chừng". Chiếc tàu cá mang số hiệu NT02061 của anh Thắng được đóng mới khi thực hiện Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản có mức đầu tư gần 10 tỷ đồng. Nếu vươn khơi thời điểm này phải bỏ ra gần 1 tỷ đồng để đổ đầy thùng nhiên liệu là 30.000 lít dầu. Với chi phí cao như vậy, nhiều chủ tàu khác cũng ngậm ngùi thả neo phơi tàu chứ không dám đánh cược với biển cả.

Bình Ðịnh là địa phương có đội tàu biển hùng hậu hàng đầu đất nước với 5.987 tàu cá đăng ký hoạt động. Trong bảy tháng đầu năm, toàn tỉnh có khoảng 5.300 tàu hoạt động khai thác (chiếm 88,8%), giảm 290 tàu so với cùng kỳ. Trong chuyến biển từ tháng 7 sang tháng 8, toàn tỉnh có khoảng 3.900 tàu cá tham gia hoạt động, giảm 1.000 tàu so với tháng trước.

Vụ trưởng Vụ Khai thác thủy sản (Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) Nguyễn Văn Trung cho hay: Cả nước hiện có khoảng 91.716 tàu cá hoạt động trên các vùng biển. Nhu cầu xăng dầu cho hoạt động khai thác thủy sản trung bình khoảng 330 triệu lít/tháng, trong khi giá dầu diesel 0.05S, nhiên liệu chính cho tàu khai thác thủy sản đã tăng lên 65% (ngày 25/12/2021 là 17.579 đồng/lít đến ngày 20/6/2022 là 29.020 đồng/lít, tăng thêm 11.441 đồng/lít). Chi phí nhiên liệu để bảo đảm cho hoạt động khai thác thủy sản bình thường tăng thêm khoảng 3.776 tỷ đồng/tháng.

Chi phí nhiên liệu thường chiếm từ 45 đến 60% chi phí đầu vào phục vụ sản xuất cho tàu cá khai thác thủy sản, tùy theo từng nghề. Ngoài ra, do giá nhiên liệu tăng nên giá các mặt hàng khác phục vụ cho hoạt động khai thác thủy sản tăng theo khoảng từ 10 đến 15%, kéo theo chi phí đầu vào tăng từ 35 đến 48%. Giá bán hải sản lại tăng không đáng kể. Những khó khăn trên dẫn đến tình trạng nhiều tháng qua rất nhiều tàu cá phải ngừng hoạt động khai thác do thu không đủ bù chi. Tính chung cả nước, lúc cao điểm nhất, lượng tàu cá ngừng hoạt động chiếm khoảng 40-55%...

Cũng theo lãnh đạo Vụ Khai thác thủy sản, ngoài khó khăn của đội tàu cá chung, ở một số địa phương khá nhiều con tàu được đóng mới theo Nghị định 67/2014/NÐ-CP ngày 7/7/2014 (gọi tắt là NÐ 67) của Chính phủ còn phải gánh khó khăn kép do hoạt động không hiệu quả không trả được nợ ngân hàng, lại gánh luôn "bão giá" từ đầu năm đến nay, nên càng gian khó hơn nữa...

(Còn nữa)