Ngổn ngang dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7

Sau khi hoàn thành việc cải tạo, nâng cấp, Quốc lộ 7 sẽ kết nối với đường cao tốc bắc-nam, nâng cao năng lực khai thác trên hành lang vận tải từ Cửa khẩu quốc tế Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (thông thương với Lào) tới các tỉnh ven biển miền trung, tạo động lực lớn trong phát triển kinh tế-xã hội,…
0:00 / 0:00
0:00
Quốc lộ 7, đoạn Km0+500 qua địa bàn huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) bị đình trệ do vướng mắc giải phóng mặt bằng.
Quốc lộ 7, đoạn Km0+500 qua địa bàn huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An) bị đình trệ do vướng mắc giải phóng mặt bằng.

Chính vì vậy, Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 đoạn Km0-Km36 và xử lý sụt trượt do bão lũ đoạn Khe Thơi-Nậm Cắn, tỉnh Nghệ An (dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7) là dự án quan trọng, mang tính cấp bách. Được khởi công từ tháng 9/2022, dự kiến hoàn thành trước ngày 31/12/2023, thế nhưng đến nay, dự án này còn dang dở do “tắc” ở khâu giải phóng mặt bằng.

Nắng bụi, mưa bùn và tai nạn giao thông rình rập

Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 7 được Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 333/QĐ-BGTVT ngày 18/3/2022, có tổng mức đầu tư 1.300,27 tỷ đồng, với tổng chiều dài 27,5 km, đi qua địa bàn ba huyện Diễn Châu, Yên Thành và Đô Lương (tỉnh Nghệ An).

Dự án được chia làm ba gói thầu xây dựng, tổng giá trị 778,724 tỷ đồng (bao gồm chi phí dự phòng). Một trong những hạng mục quan trọng của Dự án đó là cầu vượt đường sắt ở xã Diễn Phúc, huyện Diễn Châu. Cầu được thiết kế 2 làn, 8 nhịp, song đến nay mới chỉ có ba nhịp được hoàn thành.

Trong số năm nhịp còn lại, một nhịp đang được hoàn thiện, bốn nhịp chưa có mặt bằng để thi công móng (ghi nhận ngày 14/6).

Anh Trương Quang Long, Chỉ huy trưởng gói thầu XD02 cho biết: Cầu vượt đường sắt thuộc hạng mục đường găng tiến độ của Dự án, dự kiến sẽ được hoàn thành vào tháng 9/2023, nhưng do không được bàn giao mặt bằng nên tiến độ thi công không đạt được theo kế hoạch đề ra. Chưa kể, mỗi lần huy động máy móc, thiết bị vào làm được một đoạn nhỏ, rất vất vả, tốn kém, khiến các nhà thầu gặp nhiều khó khăn vì chi phí bị đẩy lên cao.

“Thời gian hoàn thành cầu được gia hạn đến tháng 11/2024, tuy nhiên, việc có hoàn thành được hay không thì cũng không thể nói trước, nó phụ thuộc vào việc có mặt bằng để thi công hay không”, anh Long chia sẻ.

Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu Lê Mạnh Hiên cho biết: Trong thời gian qua, địa phương đã đẩy mạnh triển khai công tác giải phóng mặt bằng, tích cực thực hiện công tác vận động, đối thoại với các hộ dân để người dân hiểu rõ các quy định, chính sách hỗ trợ, đền bù, giải phóng mặt bằng của Nhà nước, nhờ đó nhiều đoạn tuyến đã được bàn giao.

Nhiều hộ dù chưa nhận tiền bồi thường nhưng đã bàn giao mặt bằng trước để triển khai thi công. Tính đến thời điểm ngày 10/6, đã có gần 17 km/18,36 km được bàn giao (trái và phải tuyến), đạt hơn 92,5% chiều dài toàn tuyến. Tuy vậy, trên địa bàn huyện còn 35 thửa đất thuộc các xã Diễn Thành, Diễn Phúc, Diễn Cát và Minh Châu chưa được bàn giao mặt bằng.

Trong số 35 thửa đất này, có một thửa nằm ngay cầu vượt đường sắt chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, huyện và xã đã củng cố, hoàn thiện hồ sơ, đang thực hiện các thủ tục xác định điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất để xác định điều kiện bồi thường.

Ba thửa đất giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ cấp đất vườn không có đất ở, nay lập phương án thì chỉ bồi thường bằng giá trị đất nông nghiệp ngoài đồng thì các hộ này không thống nhất và ba thửa đất có sai lệch diện tích giữa giấy tờ giao đất và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cấp lần đầu.

Một số thửa có diện tích giấy tờ giao lớn hơn diện tích giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, các hộ đòi bồi thường theo diện tích giấy tờ giao…

“Dù chưa thống nhất với phương án hỗ trợ, đền bù của huyện, nhưng sau khi phối hợp đo đạc, kiểm đếm xong, gia đình đã bàn giao mặt bằng để dự án thi công. Tôi cũng vận động mọi người nên sớm bàn giao mặt bằng thi công, chứ đường cứ ngổn ngang thế này, nắng thì bụi, mưa thì bùn, rất ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt và nguy cơ cao về tai nạn giao thông”, ông Hoàng Trọng Hòa, thôn Tràng Thân, xã Diễn Phúc cho biết.

Không chỉ đoạn qua huyện Diễn Châu, tiến độ thi công đoạn qua thị trấn Đô Lương và các xã Hòa Sơn, Lưu Sơn của huyện Đô Lương cũng không khá hơn. Đoạn qua xóm Lưu Diên (xã Lưu Sơn) chỉ dài khoảng 300m, được thiết kế hai làn đường có hình vòng cung hướng từ thị trấn lên cầu Đô Lương, do vướng mắc trong giải phóng mặt bằng nên hoạt động thi công bị đình trệ, trở thành nút thắt cổ chai, nguy hiểm cho người và phương tiện tham gia giao thông.

Theo quan sát của phóng viên tại hiện trường, diện mạo công trường không khác gì so với nửa năm về trước; chỉ khác thời điểm này đang là mùa hè, gió phơn tây nam thổi mạnh khiến bụi bay mù mịt. Ông Trần Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Lưu Sơn cho biết: Trên địa bàn xã còn chín hộ dân chưa thống nhất phương án hỗ trợ, không bàn giao mặt bằng cho dự án.

Tương tự, Dự án đoạn đi qua địa bàn huyện Yên Thành còn vướng tới 98 thửa đất (81 hộ dân). Cụ thể, xã Công Thành có 10 thửa đất các hộ dân không đồng ý giá trị đền bù, hỗ trợ.

Xã Mỹ Thành có 17 thửa theo phương án đền bù không bị ảnh hưởng nhưng thực tế ảnh hưởng đến đất và tài sản đang sử dụng của hộ dân; 41 thửa còn lại không đồng ý giá trị đền bù, hỗ trợ…

Theo lãnh đạo UBND huyện Yên Thành, nhiều hộ dân yêu cầu đền bù cả phần đất lấn chiếm và tài sản hình thành sau ngày 1/7/2004. Có hộ còn đề nghị được đền bù cả phần đất nằm trong lưu không bảo vệ đường bộ (phần đất không được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và không phải thực hiện nghĩa vụ tài chính).

Đối với tài sản hình thành trên đất sau ngày 1/7/2004, sau khi huyện có đề xuất, UBND tỉnh đã phê duyệt phương án hỗ trợ 30%. Những yêu cầu đền bù này của các hộ dân nằm ngoài khung quy định bồi thường của Nhà nước.

Sẽ tiến hành bảo vệ thi công dự án

Mới đây, Bộ Giao thông vận tải đã gia hạn thời gian hoàn thành đối với dự án. Cụ thể, Gói thầu XD03 được gia hạn chậm nhất đến ngày 30/10/2024 phải hoàn thành. Gói thầu XD01, XD02 chậm nhất đến ngày 30/11/2024 phải hoàn thành.

Tại Thông báo kết luận số 1290-TB/TU ngày 10/4/2024 sau buổi kiểm tra và làm việc về tình hình triển khai các công trình trọng điểm trên địa bàn tỉnh, Bí thư Tỉnh ủy Nghệ An Thái Thanh Quý yêu cầu huyện Diễn Châu phải di dời các công trình kỹ thuật và bàn giao mặt bằng các đoạn còn lại xong trước ngày 30/5/2024.

Đối với huyện Yên Thành, bàn giao cơ bản mặt bằng xong trước ngày 30/4/2024; các đoạn còn lại trước ngày 15/5/2024. Huyện Đô Lương, bàn giao mặt bằng xong trước ngày 15/5/2024.

Tuy nhiên, kết quả đánh giá thực hiện của Ban Quản lý dự án 4 (Cục Đường bộ Việt Nam) đến ngày 11/6 vừa qua cho thấy, trên địa bàn huyện Diễn Châu hiện còn vướng mặt bằng khoảng 2,625 km; huyện Yên Thành còn vướng 1,455 km; huyện Đô Lương còn vướng mặt bằng khoảng 0,361 km. Như vậy, cả ba địa phương này đều không bảo đảm được tiến độ thực hiện giải phóng mặt bằng theo yêu cầu của Bí thư Tỉnh ủy tại Thông báo kết luận số 1290.

Ban Quản lý dự án 4 nhận định, với tình hình bàn giao mặt bằng chậm như hiện nay, trong khi thời gian thi công còn lại của dự án không còn nhiều, khó có thể thi công hoàn thành toàn bộ các hạng mục công trình của dự án chậm nhất đến 30/11/2024 theo tiến độ được Bộ Giao thông vận tải gia hạn.

Ông Hoàng Văn Châu, Giám đốc Điều hành dự án Quốc lộ 7, Ban Quản lý dự án 4 cho biết: Đến nay công tác giải phóng mặt bằng của các huyện đã có chuyển biến và đạt được những kết quả đáng ghi nhận.

Tuy nhiên, theo tiến độ thực hiện mà các huyện cam kết vẫn còn chậm, ảnh hưởng đến tiến độ hoàn thành dự án.

Do vậy, Ban Quản lý dự án 4 đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An chỉ đạo các sở, ngành và các huyện tiếp tục huy động toàn bộ hệ thống chính trị tập trung tuyên truyền, vận động người dân chấp hành chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư theo quy định của Nhà nước, tạo sự đồng thuận của người dân để sớm bàn giao mặt bằng thi công.

“Chậm nhất trong tháng 6 này, nếu các huyện không bàn giao toàn bộ mặt bằng các đoạn còn vướng mắc, Cục Đường bộ Việt Nam sẽ báo cáo Bộ Giao thông vận tải về việc không thi công các đoạn còn vướng mặt bằng”, ông Châu nhấn mạnh.

Trước thực tế đòi hỏi đền bù các hộ dân nằm ngoài khung quy định bồi thường của Nhà nước, để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống nhân dân, thúc đẩy tiến độ bàn giao mặt bằng thi công dự án, phương án bảo vệ thi công, cưỡng chế thu hồi đất cũng đã được các địa phương xây dựng. Riêng kế hoạch cụ thể bảo vệ thi công dự án đoạn qua địa bàn xã Lưu Sơn dự kiến sẽ thực hiện trong ngày 18/6/2024.

Theo đại diện lãnh đạo UBND huyện Đô Lương, các hộ chưa bàn giao mặt bằng cơ bản là phần diện tích đất hành lang bảo vệ đường bộ (phần diện tích này năm 1996, UBND huyện Đô Lương không giao đất cho các hộ gia đình sử dụng, mà thuộc quỹ đất được quy hoạch vào mục đích mở rộng đường giao thông được quy định tại Điều 61 và Điều 62, Luật Đất đai năm 2013) không đủ điều kiện cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, vì vậy khi Nhà nước thu hồi diện tích đất này sẽ không bồi thường, hỗ trợ về đất. Do đó, kiến nghị của các hộ dân không có cơ sở xem xét, giải quyết.

Đối với các công trình nhà cửa, vật kiến trúc xây dựng trên đất không đủ điều kiện bồi thường về đất (phần diện tích đất trừ hành lang đường giao thông, Nhà nước không giao cho các hộ gia đình) nếu xây dựng trước ngày 1/7/2004, khi tiến hành xây dựng không bị cơ quan có thẩm quyền thông báo đình chỉ thì được hỗ trợ bằng 50% giá trị bồi thường; còn những công trình, vật kiến trúc xây dựng sau ngày 1/7/2004 sẽ không được bồi thường, hỗ trợ.

Ông Trần Văn Hiến, Phó Chủ tịch UBND huyện Đô Lương cho biết: Qua nhiều cuộc gặp gỡ, đối thoại, giải thích, vận động, thuyết phục, nhưng các hộ dân vẫn không hợp tác và đòi hỏi mức bồi thường, hỗ trợ ngoài quy định của Nhà nước.

Do vậy, để có mặt bằng bàn giao thực hiện dự án, chúng tôi buộc phải áp dụng biện pháp bảo vệ thi công dự án trên phần diện tích hành lang Quốc lộ 7 mà các hộ gia đình, cá nhân đã lấn đất để sử dụng. Việc này được thực hiện theo đúng trình tự và các quy định của pháp luật.