Nghiệp lênh đênh

Cảnh cũ, nỗi buồn cũ, chỉ có con người là thay đổi. Tôi đã “nhặt” được điều ấy ở cái xóm ngụ cư xơ xác… trên sông Hồng, ngay giữa lòng phố xá Hà thành. Hơn hai mươi năm rồi, thế hệ này tiếp nối thế hệ kia, họ vẫn lênh đênh, đeo đẳng với nghề buôn gốm sứ.

Bà Tú cùng cháu nội trong khoang thuyền chưa đầy 10m2
Bà Tú cùng cháu nội trong khoang thuyền chưa đầy 10m2

Đời “trôi”

Từ đường Âu Cơ đi vào sâu bên trong, len lỏi qua khắp ngõ ngách nhỏ bé đông đúc người, xóm gốm bến Tứ Liên nằm đìu hưu dọc triền sông ngơm ngam đất đỏ. Gió xé toang hoang từng mét không khí ẩm ướt, vài vạt nắng lập đông rát xuống rặng cúc phần phật trong sa mù, càng tăng thêm vẻ tiêu điều, cô tịch đến nao lòng. Xa xa, lác đác bóng người tưới cây dưới những vườn quất, cảm nhận một chút chộn rộn của ngày tết đang cận kề.

Nghiệp lênh đênh ảnh 1

"Nhà" thuyền ọp ẹp, tạm bợ trên sông Hồng.

Đi hết con đường nhỏ như cánh cửa gỗ thời bao cấp, nhôm nhoam vài chiếc lều tuềnh toàng lợp lá cọ trên bờ, người dân chủ yếu định cư... dưới sông. Những con người nhàu nhĩ sống trong những “nhà” thuyền cũ kỹ, ọp ẹp, hoen gỉ, nằm san sát trên dòng nước quanh năm đục ngầu. Xóm gốm có gần 150 hộ với 300 đến 400 nhân khẩu, phần lớn quê Lập Thạch (Vĩnh Phúc), mỗi “nhà” thuyền là một gia đình, khoảng hai đến ba người.

Chiều vương chậm, bóng người loang vào vách thuyền, đổ dài xuống lòng sông tựa cái nghiệp lênh đênh không bao giờ dứt. Bà Tú thơ thẩn vê đầu ngón tay, lẩm nhẩm, bà cùng gia đình đến bến Tứ Liên này cũng độ vài năm. Ngày đầu đông đủ, giờ, anh Tiến, con trai bà đã vào Sài Gòn làm ăn, sau thời gian phiêu dạt, tứ tán mưu sinh. Nay, "nhà" thuyền chỉ còn bà với đứa con dâu và đứa cháu ốm nhách. Bà Tú năm nay ngoài 50 tuổi, gần ba thập niên vùi mình với nắng gió trung du nơi quê nhà, làn da đen xạm. Bà bảo, nửa đời sau, bớt khổ hơn, com cóp mua được cái thuyền, theo họ hàng làng xóm xuống Hà Nội làm nghề buôn gốm. “Thuyền này mua được ngót 20 năm rồi, hỏng hóc rồi, sửa lại mấy lần, giờ chỉ để... ở, không đi lấy hàng nữa. Được cái, đường sá thuận tiện hơn trước, bà con đi đánh hàng bên Bát Tràng, Mạo Khê (Đông Triều, Quảng Ninh) bằng xe máy hoặc thuê ô-tô". Thời gian, vật đổi sao dời, hầu hết những con thuyền "biến dạng", chẳng khác gì ụ sắt trộn xi-măng, phủ đầy rêu phong.

Nắng xế bịn rịn xuống dòng sông, như vắt cạn khung cảnh thê lương nơi đây. Từ trong khoang thuyền bước ra, xa xa, bóng chị Hằng, con dâu bà Tú, đi bán gốm về, dáng người thấp đậm, mái tóc bù xù, gò má lấm tấm tàn nhang đã trải qua bao mưa nắng cuộc đời. “Ngày hôm nay bán được bao nhiêu?”- tôi hỏi. “Cũng vài trăm, có ngày không đồng nào. Thi thoảng bị công an thu hết cả xe lẫn hàng, lỗ bốn, năm triệu, có nơi nộp phạt, có nơi lấy trắng... Mỗi chuyến đánh hàng bên Bát Tràng, vốn cũng phải bảy, tám triệu đồng, mỗi ngày bán được 400 đến 500 nghìn đồng, trừ các chi phí, còn hơn trăm nghìn, khổ mãi cũng quen, thiếu thốn mãi cũng quen”- vừa bế con, chị Hằng chỏng lỏn một thôi dài. Bóng hai người đàn bà gập vào mui thuyền. Tối rất nhanh!

Bên cạnh "nhà" thuyền bà Tú là vợ chồng anh Hà, quê Sông Lô (Vĩnh Phúc). Thân hình gầy gò, khuôn mặt sạm nắng gió, lưỡng quyền nhô cao, anh Hà kể: "Trước đây bố mẹ đều làm nghề bán gốm rong, nhưng giờ già rồi, các cụ về quê. Trước, thuyền mua gần 20 triệu đồng, phải thế chấp cả đất ở quê, giờ còn nợ hơn năm triệu, mà thuyền thì không dùng nữa... Hôm nay lỗ tới một triệu rưỡi, người ta hẹn lấy hàng rồi lại đổi ý". "Một tháng bỏ ra được bao nhiêu?" - tôi hỏi. "Tính chi li được bốn, năm trăm ngàn đồng, không khéo thì hòa, thậm chí lỗ. Hằng tháng phải nộp hơn trăm nghìn tiền thuế đăng kiểm, 120 nghìn phí đi lại, tiền môi trường, rồi xăng, dầu, khấu hao máy móc, thậm chí phải tính cả tiền hàng hóa vỡ, không ngày nào tránh khỏi". “Ở trên sông, lấy nước sinh họat từ đâu?”- tôi hỏi. “Các hộ đều dùng chung nước giếng khoan, mỗi tháng một gia đình đóng 200 nghìn đồng”.

Tuy không phải dân miền biển, nhưng cuộc sống của người dân xóm ngụ cư chẳng khác vùng làng chài. Mọi sinh hoạt đều diễn ra trên chiếc thuyền chưa tới 10 m2, không nhà vệ sinh, không nguồn nước sạch và không nơi đổ rác. Nhìn các chậu nước sủi đầy bọt đen ngòm, tôi liên tưởng hàng trăm con loăng quăng đang lặn ngụp trong đó. Trước, tôi nghe kể, có bé Nga, mắt mờ dần, mọi người bảo, do dùng nước sông ô nhiễm; có trường hợp người loét ra, bác sĩ bảo bị uốn ván.

“Thời chưa xa vắng”

Hạnh kể, từ lúc sinh ra, đời em đã gắn liền với sông rồi. Năm 13, 14 tuổi, mỗi lần nghe đài báo lũ về, người dân Đức Bác, nơi miền đá dựng Lập Thạch, quê Hạnh, không những lo lắng mà còn mừng rỡ, khấp khởi ngóng chờ, bởi gỗ từ các cánh rừng thượng nguồn sẽ đổ về nhiều hơn, cái nghề duy nhất vớt củi trên dòng Lô của bà con sẽ "được mùa", dù năm nào cũng có vài mạng người bị "hà bá" đem đi. Giờ, Hạnh đã tuổi 20 rồi, đã sống ở cái xóm ngụ cư dọc bãi An Dương (Hà Nội) này được hai mùa nước nổi rồi, nhưng đời em như đời bao thương thuyền khác, không còn trôi theo những cành củi lạc nữa, mà gắn duyên với nghề buôn gốm sứ, long đong dọc dải sông Hồng.

Sắp Tết, người xóm gốm tận dụng đủ mọi phương tiện để đi đánh hàng, khoảng chục thuyền vẫn còn dùng được. Hôm nay là ngày thứ 11 kể từ khi bảy chiếc thuyền đi Đông Triều, Mạo Khê (Quảng Ninh) nhặt hàng. "Đáng ra phải về lúc trưa, chắc gặp gió mùa nên trễ đây" - bà Vân, mẹ Hạnh sốt ruột, hết nằm lại ngồi. Tôi và Hạnh lặng lẽ như tịnh thiền trên cái ang sành phụ da nâu bóng. Mắt Hạnh đăm đăm ngập trong làn mưa lây phây. Không gian liêu trai. Sông Hồng nhỏ lại. Tôi chưa biết tìm câu hỏi gì đánh thức cái khoảng tâm trạng quen thuộc của Hạnh, em đứng dậy bảo:

- Anh muốn xem nhật ký em viết không?

- Về cuộc đời Hạnh?

- Về em và tất cả thành viên ở "xóm thuyền" này. Về cái nghề của "thời chưa xa vắng”.

- Sao lại là "chưa xa vắng"?

- Vì bây giờ họ vẫn "say" nghề, còn có cả một đội quân chuyên "săn" gỗ trên sông đấy.

Đôi chân cô gái "trí thức" nhất "xóm" thoăn thoắt leo lên những kiện hàng nan tre chật cứng đôn sứ, lục bình giả cổ, hì hụi bóc rơm bọc một chiếc lọ hoa, lôi ra bên trong cuốn sổ đã mất bìa. Vài cái gạt tàn thuốc lá rơi xủng xoảng xuống khoang thuyền, "ngôi nhà say sóng" chưa đầy 2 m2 chao nghiêng chao ngửa, tiếng sành sứ va vào nhau loang choang, lách chách. Bà Vân nhổm dậy, đằng hắng than, ngày nào cũng đổ mới vỡ, ngày nào cũng viết với lách… Hạnh lặng thinh đan năm ngón tay "chải" lên mái tóc rối bù, dè dặt:

- Bắt đầu xuống Hà Nội là em viết, nhưng mới được hơn 60 trang thôi.

- Lý do nào khiến em viết?

- Em thấy thương quê mình.

- Em định viết dài không?

- Khoảng 100 trang. Phần kết, em sẽ kể về cậu bạn học cùng thời phổ thông bị nước cuốn trôi năm ngoái, lúc chết vẫn còn co quắp quanh một thân gỗ mục chìm sâu dưới lòng sông.

Mưa đã ngớt, những cơn gió lạnh theo sóng ùa về, Hạnh lục tục mang nồi niêu ra đầu mui cọ rửa. Nụn rơm ray rả cạo vào thành nhôm roèn roẹt. Nước sông Hồng đỏ lừ, không còn phân biệt được đâu là cái mầu "nguyên chất" sau khi đã "sàng lọc" qua các thứ trong xoong sót lại từ bữa trưa. Vừa vo gạo với dòng "phù sa" đặc trưng ấy, Hạnh mủm mỉm bảo: "Tối nay canh tép nấu me ngon lắm…". Nhìn cái vẻ hồn nhiên của Hạnh, tôi thấy bùi ngùi, sao em lại có một tuổi thơ vất vả đến thế.

Qua những trang nhật ký, ở đó cô bé Hạnh cùng với tụi trẻ làng tóc vàng như lông bò, tờ mờ sớm đã dìm mình trong nước sông Lô, lưng đeo cái gùi to lút người, vừa để bỏ củi vớt, vừa làm phao khi gặp hố sâu. Người lớn thì khác, họ chỉ vớt những cây gỗ to, bán được tới bốn, năm phiên chợ. Có đận, cạn củi, dân làng lo lắm, lũ thì phải chờ tháng 8 ta mới về, giờ mới đầu tháng 5, lấy gì để sống, đàn ông họp lại, bàn tán thâu đêm. Hôm sau, thanh niên trai tráng trong xóm chẳng còn một mống, Hạnh chả hiểu gì, nhưng nghe phong thanh, họ đi lên thượng nguồn để tìm rừng. Ba ngày sau, mới đầu canh hai, đèn đuốc sáng trưng, cả làng hè nhau ra sông vớt gỗ, huyên náo một vùng. Những thân cây lần ấy tươi nguyên, lá bám lại còn xanh ngăn ngắt, toàn là sồi, rẹc nhựa phả ra tím tái hết mặt sông. Từ đó, cứ dịp "tháng ba ngày tám", lũ làng lại bàn, lại vắng rồi lại đông. Nhưng gỗ vớt được thì ngày một giảm đi, xác người vớt được lại tăng lên. Sau mỗi lần "ra quân", họ dần quen với việc vừa thu gom củi, vừa tìm xác người thân, những thi thể nát rữa, bầm dập từ thượng nguồn trôi về. Tiếng khóc lềnh bềnh, loang ra mặt nước, vỡ vụn vào thành sóng. Đêm mịt mùng, não nùng, lê thê, oán thán... Người anh trai của Hạnh cũng ra đi vào một đêm mùa hè như thế.

"Giờ cái nghề vớt củi vẫn còn, nhưng gỗ hết rồi, phải đi mót vất lắm, rừng có chính quyền quản lý, chặt trộm họ bắt ngay, bến sông thì thuyền khai thác cát sỏi đậu kín, không thể tự do sục sạo, cho nên chỉ số ít người còn bám trụ, lập thành đội quân "săn" gỗ chuyên nghiệp. Phần đông bà con ly hương buôn gốm sứ dọc sông Hồng. Ấy vậy, năm nào cũng có người bỏ mạng trên thượng nguồn”. Hạnh thở dài, khuôn mặt nhạt nhòa miên man đầy bóng tối. Những bọt nước lờ đờ, sóng sánh, lênh đênh. Cuốn nhật ký dở dang gấp lại. Mưa tiếp tục rơi.

…Những ánh điện lập lòe nhòa vào sóng nước. Mưa dày thêm. Tôi rời khu xóm nghèo, phía sau khoảng không u tịch, mịt mù, như bao số phận mãi còn trôi nổi, lênh đênh…