Tọa đàm được điều hành bởi Nhà sử học Dương Trung Quốc, Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký Hội Sử học Việt Nam, Tổng Biên tập Tạp chí Xưa & Nay; và Nghiên cứu sinh, Thạc sĩ Nguyễn Trọng Mạnh, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Xherozone.
Phát biểu đề dẫn Tọa đàm, ông Nguyễn Trọng Mạnh cho biết: Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng tổ tiên của các dòng họ là một lĩnh vực nghiên cứu không chỉ gắn liền với văn hóa tín ngưỡng mà còn phản ánh bề dày lịch sử, sự phát triển của kiến trúc truyền thống và bản sắc từng vùng miền trên khắp đất nước Việt Nam. Đây không chỉ là nơi kết nối tâm linh của các thế hệ con cháu trong dòng họ, mà còn là không gian lưu giữ những giá trị văn hóa, nghệ thuật và tri thức dân gian quý giá.
Theo ông Nguyễn Trọng Mạnh, trong bối cảnh hiện nay, khi xã hội hiện đại hóa và các mô hình sinh sống có nhiều thay đổi, việc bảo tồn và phát huy giá trị của kiến trúc nhà thờ họ, cũng như không gian thờ cúng truyền thống, đang đứng trước nhiều thách thức, đòi hỏi phải có những giải pháp phù hợp để vừa bảo tồn những giá trị nguyên bản, vừa đáp ứng những nhu cầu thực tiễn của đời sống hiện đại.
Đó là lý do Tọa đàm Khoa học “Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng các dòng họ ở Việt Nam” được tổ chức nhằm tạo diễn đàn tham vấn các chuyên gia, nhà khoa học về ý nghĩa văn hóa và xã hội của kiến trúc nhà thờ họ trong từng vùng miền, các tôn giáo. Từ đó, tìm ra các giải pháp ứng dụng hiệu quả nhằm phục dựng kiến trúc và phát triển những không gian thờ cúng đáp ứng cả nhu cầu thẩm mỹ, tâm linh lẫn tính thực tiễn trong thời đại mới; đặc biệt, làm nổi bật sự khác biệt trong nghệ thuật kiến trúc, trang trí mỹ thuật giữa các vùng miền, các triều đại lịch sử, các tôn giáo...
Ông Nguyễn Trọng Mạnh phát biểu. |
Tọa đàm là sự kiện nằm trong chuỗi hoạt động nghiên cứu khoa học thuộc Dự án “Dòng chảy thời gian” được Xherozone triển khai thời gian gần đây, nhằm khảo cứu, hệ thống lại những giá trị lịch sử, văn hoá, kiến trúc, phong thủy, mỹ thuật…, với sự đồng hành của các chuyên gia, nhà khoa học. Dự án không chỉ gìn giữ những tư liệu, di sản văn hóa vật chất, tinh thần của cha ông ta để lại, mà còn lan tỏa những giá trị tốt đẹp, truyền cảm hứng tới cộng đồng trong lưu giữ truyền thống văn hoá, kiến trúc dân tộc Việt Nam.
Trong đó, chủ đề nghiên cứu “Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng các dòng họ ở Việt Nam” được các chuyên gia, các nhà khoa học đánh giá cao cả về ý nghĩa khoa học và thực tiễn.
Tại Tọa đàm, nhóm nghiên cứu đã trình bày Đề cương nghiên cứu chi tiết về “Kiến trúc nhà thờ họ và không gian thờ cúng các dòng họ ở Việt Nam”, với những nội dung cơ bản như: Tổng luận về truyền thống thờ cúng dòng họ trong văn hóa Việt Nam; Gia phả và điển lễ thờ cúng dòng họ; Các dạng thức nhà thờ họ ở Việt Nam; Thiết kế, xây dựng nhà thờ họ và không gian thờ cúng ở Việt Nam hiện nay; Giới thiệu các mô hình nhà thờ họ, gia phả và văn tự tiêu biểu ở Việt Nam hiện nay.
Trên cơ sở đó, các chuyên gia, nhà khoa học đã cùng trao đổi, chia sẻ về những định hướng nghiên cứu, đặc trưng kiến trúc, chức năng không gian thờ cúng theo các vùng miền và dòng họ cụ thể; đồng thời tham góp thêm các ý kiến chuyên môn khoa học để tiếp tục hoàn thiện các phương pháp tiếp cận của đề tài nghiên cứu, cũng như đề xuất các giải pháp cụ thể nhằm bảo tồn và phát huy các giá trị này trong bối cảnh hiện nay.
Theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ, Kiến trúc sư Khuất Tân Hưng, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội, đề tài nghiên cứu hướng đến đề xuất giải pháp, chỉ dẫn thiết kế không gian kiến trúc nhà thờ họ, không gian thờ cúng các dòng họ nên việc phân vùng nghiên cứu, xác định địa điểm là rất quan trọng. Theo Kiến trúc sư Khuất Tân Hưng, thay vì phân theo địa lý các vùng kinh tế xã hội, nên nghiên cứu theo phân vùng văn hóa tộc người sẽ hợp lý hơn, bởi mỗi tộc người có đời sống văn hóa khác nhau.
Nhà thờ họ Bùi ở Vĩnh Phúc. (Ảnh: Ban tổ chức) |
Nhà sử học Dương Trung Quốc đánh giá đây là công trình nghiên cứu mang tính ứng dụng nên quan trọng nhất là phải dựa trên điều tra trực tiếp một cách khoa học và trên cơ sở khai thác nghiên cứu liên quan của những người đi trước. Ông Dương Trung Quốc cũng lưu ý việc phân vùng văn hóa có tính ổn định tương đối, nhưng bối cảnh cuộc sống thường xuyên thay đổi nên đòi hỏi phải có sự nghiên cứu kỹ lưỡng để tìm ra được những yếu tố mang tính cốt lõi, truyền thống.
Giáo sư, Tiến sĩ Đinh Khắc Thuân, Viện Nghiên cứu Hán Nôm lưu ý, để đạt mục tiêu có tính khả thi cao, việc nghiên cứu phải đặc biệt chú trọng các yếu tố về bản sắc văn hóa vùng miền, văn hóa các dòng họ.
Tiến sĩ, Kiến trúc sư Nguyễn Đình Phong, Trường Đại học Kiến trúc Hà Nội đề xuất: trên cơ sở điều tra, thu thập, nghiên cứu các tư liệu, bản vẽ về không gian thờ cúng của các dòng họ, nên ứng dụng thêm công nghệ đồ họa để trực quan hóa các nghiên cứu, tăng hiệu quả thực tiễn.
Ông Phong cũng nhấn mạnh đây là đề tài nghiên cứu mang tính liên ngành, có phạm vi rộng nên cần sự kết nối chặt chẽ, rộng lớn của các chuyên gia đầu ngành thuộc từng lĩnh vực. Nhóm thực hiện đề tài sau đó nên xuất bản thành sách, làm thành bộ dữ liệu đáng tin cậy để các dòng họ có thể tham khảo...