Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải nhấn mạnh, đây mới chỉ là những nhận định sơ bộ, chưa thể đầy đủ các điều kiện để hình thành được cảng hàng không. Các vị trí quy hoạch cảng hàng không đề xuất cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng cả về điều kiện địa hình và tổ chức vùng trời.
Hai vị trí sân bay không đáp ứng yêu cầu
Nhằm hoàn thiện Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải đã chỉ đạo Cục Hàng không Việt Nam chủ trì, phối hợp các đơn vị liên quan tổ chức làm việc với địa phương có kiến nghị bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không, cũng như đánh giá sơ bộ khả năng hình thành cảng hàng không tại các địa phương. Qua kết quả rà soát, trong 10 vị trí được các địa phương đề xuất, có hai trong số đó (tại Hà Giang, Tuyên Quang) không khả thi để bố trí đường cất-hạ cánh, thiết kế phương thức bay do địa hình hiểm trở, địa phương cần nghiên cứu khảo sát thêm, có thể đề xuất ở vị trí khác khả thi hơn.
Cụ thể, tại Hà Giang, địa phương đề xuất vị trí quy hoạch cảng hàng không tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang có địa hình phức tạp, núi non hiểm trở, vùng trời và phương thức bay không thuận lợi dẫn tới việc quy hoạch cảng hàng không là khó khả thi; có thể nghiên cứu vị trí tại xã Đồng Tâm, cách xã Tân Quang khoảng 2km về phía đông nam, cách thành phố Hà Giang khoảng 40km theo hướng bắc-đông bắc. Tại tỉnh Tuyên Quang, địa phương đề xuất vị trí quy hoạch cảng hàng không tại xã Năng Khả, huyện Na Hang. Vị trí này cũng không khả thi vì điều kiện địa hình nhiều núi cao, không xây dựng được phương thức bay; có thể cân nhắc nghiên cứu vị trí khác tại xã Thái Hòa, huyện Hàm Yên, cách thành phố Tuyên Quang 20km về phía tây bắc.
Tám trong số 10 vị trí còn lại, tuy có khả năng bố trí đường cất-hạ cánh, thiết kế phương thức bay nhưng phần lớn xung đột và chồng lấn về vùng trời. Một số vị trí cần có số liệu khảo sát, đánh giá cụ thể về tĩnh không đầu, tĩnh không sườn để đánh giá khối lượng san, gạt và số liệu liên quan khác. Theo đánh giá của lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải, về cơ bản, các vị trí đề xuất cần tiếp tục được nghiên cứu, đánh giá kỹ lưỡng cả về điều kiện địa hình và tổ chức vùng trời.
Trên cơ sở kết quả làm việc, Bộ đã nhận được ý kiến của chín trong số 10 địa phương (Sơn La, Hà Giang, Yên Bái, Hà Tĩnh, Quảng Ngãi, Kon Tum, Đắk Nông, Khánh Hòa, Tây Ninh) với nội dung bổ sung quy hoạch cảng hàng không mới. Trong đó, tỉnh Sơn La đề nghị tiếp tục quy hoạch Cảng hàng không Nà Sản trong quy hoạch hệ thống cảng hàng không và đề xuất quy hoạch sân bay Mộc Châu theo hướng là sân bay chuyên dùng, phục vụ mục tiêu phát triển du lịch.
Sân bay Mộc Châu có thể thiết lập được, tuy nhiên vị trí khu đất hiện tại trong khu vực rừng quốc gia Mộc Châu, điều kiện thời tiết không thuận lợi với số liệu thống kê ban đầu là khoảng năm tháng có sương mù, khó khăn khi khai thác. Sân bay Yên Bái khả thi cho khai thác hàng không dân dụng. Tương lai Cảng hàng không Sa Pa hoạt động, cần thiết lập phương thức bay bổ sung và sẽ nghiên cứu thống nhất công tác phối hợp điều hành vùng chồng lấn giữa hai sân bay. Với vị trí nghiên cứu quy hoạch ở xã An Hải, huyện Lý Sơn (Quảng Ngãi) khả thi về thiết kế phương thức cất, hạ cánh bằng thiết bị, khi hình thành sân bay sẽ chồng lấn vào vùng trời, gây ảnh hưởng hoạt động bay tại sân bay Chu Lai khi khai thác đồng thời,...
Chuyển đổi hai sân bay quân sự thành lưỡng dụng
Căn cứ ý kiến đề xuất của các địa phương, lãnh đạo Bộ Giao thông vận tải cho rằng, nhu cầu quy hoạch kết cấu hạ tầng giao thông nhằm phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương là chính đáng, bởi đây đều là các tỉnh có tiềm năng về thị trường vận tải hàng không.
Tuy nhiên, để bảo đảm tính khả thi về quy hoạch, cần tiếp tục nghiên cứu, khảo sát, đánh giá tổng thể các yếu tố về kinh tế-kỹ thuật và cần có đơn vị tư vấn thực hiện để bảo đảm đầy đủ số liệu. Bộ cũng kiến nghị Thủ tướng Chính phủ giao chính quyền các địa phương lập đề án đánh giá khả năng quy hoạch cảng hàng không, bao gồm tính khả thi, hiệu quả, bảo đảm huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác công-tư, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét việc bổ sung quy hoạch và đầu tư xây dựng cảng hàng không. Điều này nhằm phát huy tính chủ động và phù hợp đề xuất của các địa phương. Theo ý kiến của Bộ Quốc phòng, sân bay Biên Hòa (Đồng Nai) và sân bay Thành Sơn (Ninh Thuận) đủ điều kiện khai thác lưỡng dụng, trên cơ sở này, Bộ Giao thông vận tải cũng kiến nghị xem xét, báo cáo Thủ tướng Chính phủ đưa hai sân bay này vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030.
Sân bay Thành Sơn là sân bay quân sự cấp 1, nằm ở thành phố Phan Rang-Tháp Chàm, hạ tầng chính gồm hai đường cất-hạ cánh (một đường cất, hạ cánh chính, kết cấu bê-tông xi-măng và một đường cất-hạ cánh phụ bằng đất), kích thước 3.050mx45m; ba sân đỗ tàu bay chính; diện tích sân bay gần 2.200ha, tương đối rộng để bảo đảm triển khai các công trình hàng không. Các công trình khu bay được xây dựng từ những năm 1960, đến nay đã xuống cấp cho nên cần khảo sát, tính toán phương án cải tạo, nâng cấp kết cấu hệ thống sân đường khu bay, đầu tư đồng bộ hệ thống thiết bị thông tin liên lạc, dẫn đường, giám sát (radar, đèn đêm, đài không lưu,...); đầu tư đường lăn song song, đường lăn nối và sân đỗ máy bay ở khu vực phía đông, đông-nam. Ngoài các công trình hàng không dân dụng theo phương án đề xuất, cần thực hiện đầu tư các công trình bảo đảm hoạt động bay, đường giao thông kết nối tới cổng số 1 ở phía nam sân bay, ước tính sơ bộ kinh phí đầu tư khoảng 1.500-2.000 tỷ đồng.
Sân bay Biên Hòa là sân bay quân sự cấp 1, hạ tầng chính gồm hai đường cất-hạ cánh, kết cấu bê-tông xi-măng, kích thước 3.050mx45m. Diện tích sân bay gần 1.000ha, có khả năng bố trí khoảng 50ha quy hoạch khu hàng không dân dụng. Hệ thống kết cấu hạ tầng khu bay (đường cất-hạ cánh, đường lăn, sân đỗ) của sân bay Biên Hòa cũng được xây dựng từ những năm 1960, hiện đã xuống cấp cho nên cần khảo sát, tính toán để đánh giá việc cải tạo, nâng cấp bảo đảm khai thác an toàn cho máy bay hàng không dân dụng. Riêng sân đỗ máy bay sẽ phải tiếp tục đầu tư cải tạo, mở rộng.
Về hình thức đầu tư sân bay Thành Sơn và Biên Hòa, Bộ Giao thông vận tải kiến nghị giao Ủy ban nhân dân tỉnh Ninh Thuận và Đồng Nai tổ chức lập đề án đánh giá tính khả thi, hiệu quả, bảo đảm huy động được nguồn vốn để đầu tư theo phương thức đối tác công-tư (PPP), báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, giao cơ quan có thẩm quyền tổ chức nghiên cứu, thực hiện đầu tư.
Hiện nay, các dự án đầu tư, mở rộng hai sân bay quốc tế Long Thành và Tân Sơn Nhất đang được triển khai theo quy hoạch. Trường hợp khai thác hàng không dân dụng tại sân bay Biên Hòa dẫn tới làm giảm hiệu quả khai thác (do phải chia sẻ vùng trời với Biên Hòa) và hiệu quả đầu tư các dự án đang triển khai; nhất là hoạt động của Tân Sơn Nhất. Vì vậy, việc sân bay Biên Hòa khai thác dân dụng cần phải nghiên cứu với quy mô phù hợp để bảo đảm sự phát triển đồng bộ, đồng thời bảo đảm hiệu quả đầu tư giữa cụm ba cảng hàng không gồm Biên Hòa, Tân Sơn Nhất và Long Thành.