Nghiên cứu cho thấy lượng băng trong các sông băng ít hơn so với các ước tính trước đây

NDO -

Những tiến bộ trong công nghệ vệ tinh đã chỉ ra rằng lượng băng tồn tại trong các sông băng trên thế giới ít hơn đáng kể so với mức đánh giá trước đây. Tuy nhiên, khối lượng băng thực tế trong các sông băng là bao nhiêu hiện vẫn còn là một ẩn số.

Sông băng Rhone ở Obergoms, Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)
Sông băng Rhone ở Obergoms, Thụy Sĩ. (Ảnh: Reuters)

Thông tin trên là kết quả của một nghiên cứu được tiến hành bởi ông Romain Millan, chuyên gia về sông băng tại Đại học Grenoble Alpes (Pháp) cùng các cộng sự, công bố trên tạp chí Nature Geoscience ngày 7/2.

Nghiên cứu đã đánh giá sự chuyển động của các sông băng cũng như vận tốc di chuyển của chúng. Phương pháp này giúp các nhà khoa học đo đạc chính xác hơn khối lượng của sông băng, bởi cách sông băng di chuyển có thể cho biết lớp băng dày hay mỏng.

Những năm gần đây, việc triển khai các vệ tinh có độ phân giải cao đã cho phép các nhà khoa học phân tích quá trình di chuyển của 98% sông băng trên thế giới, từ những sông băng nhỏ trên dãy Andes tới những sông băng khổng lồ tại vùng Svalbard (Na Uy) và Patagonia (Chile).

Nhóm nghiên cứu đã phân tích hơn 800 nghìn cặp hình ảnh các sông băng được chụp trong 2 năm 2017-2018, và phát hiện ra rằng nhiều hình ảnh nông hơn so với đánh giá trước đây. Các nhà khoa học hiện ước tính lượng băng ở các sông băng có khả năng tan chảy vào các đại dương và khiến mực nước biển dâng cao ít hơn 20% so với mức từng được biết đến. 

Ông Milan và đồng nghiệp cũng phát hiện ra rằng, dãy Himalaya ở châu Á chứa nhiều băng hơn 37% so với ước tính trước đây, trong khi lượng băng trong các sông băng ở khu vực Cộng đồng Andean (Nam Mỹ) ít hơn khoảng 27%. Theo ông Millan, điều này sẽ gây thêm áp lực lên nguồn nước ngọt tại vùng Andes.

Cũng theo nghiên cứu, mực nước biển dâng sẽ giảm khoảng 3 inch (7,62cm) trong trường hợp tất cả các sông băng tan chảy. Tuy nhiên, phát hiện này lại gây lo ngại cho một số cộng đồng phụ thuộc vào sự tan chảy theo mùa của các sông băng để cung cấp nước ngọt cho các con sông và phục vụ tưới tiêu nông nghiệp. Các sông băng chứa ít băng hơn cũng đồng nghĩa rằng lượng nước ngọt cũng sẽ cạn kiệt sớm hơn dự kiến.

Sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu do biến đổi khí hậu đang đẩy nhanh quá trình thu hẹp của các sông băng trên thế giới. Theo thống kê, những sông băng này đã mất xấp xỉ 5,4 nghìn tỷ tấn băng chỉ trong vòng 2 thập kỷ (2000-2019). Nhiều quốc gia đã và đang phải chật vật ứng phó với hậu quả của việc các sông băng dần biến mất. Peru đầu tư vào hệ thống khử mặn nước biển để bù đắp cho lượng nước ngọt suy giảm, trong khi Chile đang tính đến phương án tạo ra sông băng nhân tạo trên các vùng núi của mình.