Nghiên cứu ban hành mới “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi”

NDO -

“Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” với 28 chuẩn và 120 chỉ số, sau 10 năm thực hiện được Bộ GD-ĐT đề nghị điều chỉnh hoặc ban hành mới để đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ em hiện nay.

Nghiên cứu ban hành mới “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi”

Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi được ban hành ngày 22-7-2010. Sau 10 năm thực hiện, theo báo cáo của Vụ Giáo dục mầm non, Bộ GD-ĐT, Bộ chuẩn đóng góp vai trò quan trọng cho phát triển trẻ em năm tuổi trong việc xác định mục tiêu, xây dựng kế hoạch, lựa chọn nội dung chăm sóc, giáo dục và đánh giá sự phát triển của trẻ năm tuổi. Bộ chuẩn cũng là căn cứ để xây dựng chương trình, tài liệu tuyên truyền, hướng dẫn các bậc cha mẹ và cộng đồng trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ em năm tuổi.

Tuy nhiên, bên cạnh những ưu điểm, Vụ Giáo dục mầm non cho biết trong nội dung và hình thức của Bộ chuẩn cũng cũng còn một số bất cập.  

Nghiên cứu “Điều chỉnh Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” thực hiện năm 2015 của Trung tâm Giáo dục mầm non, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho thấy, 120 chỉ số về cơ bản vẫn đảm bảo sự phù hợp, thậm chí dưới ngưỡng đạt được trong mức độ phát triển của trẻ em năm tuổi Việt Nam.

Nghiên cứu cũng chỉ ra cách sử dụng Bộ chuẩn để hỗ trợ thực hiện Chương trình Giáo dục mầm non chưa hoàn toàn phù hợp, như lấy 120 chỉ số trong Bộ chuẩn làm mục tiêu giáo dục và tổ chức rèn luyện từng chỉ số, coi chuẩn là để đánh giá trẻ.

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị, Bộ chuẩn cần định kỳ điều chỉnh hoặc xây dựng mới cho phù hợp với sự phát triển của trẻ em trên toàn lãnh thổ, đồng thời là căn cứ để điều chỉnh Chương trình Giáo dục mầm non. Đặc biệt, cần xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em mang tính liên thông ở tất các độ tuổi và có sự kết nối với yêu cầu đầu vào của học sinh lớp 1. Cấu trúc và số lượng của các tiêu chuẩn, chỉ số cần xem xét sao cho phù hợp, phản ánh và bao hàm được sự phát triển toàn diện của trẻ.

Nghiên cứu ban hành mới “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” -0
Thứ trưởng GD-ĐT Ngô Thị Minh

Thứ trưởng GD-ĐT Ngô Thị Minh, trong phát biểu tại Hội thảo khoa học về “Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi” do Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức, đề nghị, trong thời gian tới Vụ Giáo dục mầm non xây dựng kế hoạch triển khai điều chỉnh/ban hành mới Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi dựa trên những bằng chứng khoa học gắn với kinh nghiệm triển khai thời gian qua.

Theo Thứ trưởng, cần thành lập nhóm chuyên gia bao gồm các chuyên gia, các nhà khoa học, các cơ quan nghiên cứu, đào tạo, quản lý và cơ sở giáo dục mầm non, tham khảo kinh nghiệm một số nước, bảo đảm phản ánh đầy đủ năng lực và sự phát triển toàn diện của trẻ em năm tuổi.

Thứ trưởng lưu ý quá trình nghiên cứu, xem xét, đề xuất điều chỉnh hoặc ban hành mới Bộ chuẩn phải lưu ý, kết quả/chuẩn đầu ra cho cấp học mầm non cần phù hợp với sự phát triển kinh tế - khoa học kỹ thuật - công nghệ và mong đợi về trẻ năm tuổi Việt Nam với năng lực, phẩm chất của công dân trong tương lai.

Để việc điều chỉnh nội dung Bộ chuẩn phù hợp với mong muốn của quốc gia về những gì trẻ năm tuổi nên biết và có thể làm, cần tiến hành xác định các giá trị mong đợi của trẻ, có thể bổ sung các chỉ số về khả năng thích ứng, sự sáng tạo, tổ chức thực hiện công việc, kỹ năng giải quyết vấn đề, tính tự tin và tự trọng.

Đồng thời, cần xây dựng bộ công cụ đánh giá tính xác thực về nội dung Bộ chuẩn, tiến hành đo trên trẻ thuộc các thành phần, vùng miền khác nhau để đánh giá về mức độ đạt chuẩn để điều chỉnh, bổ sung các chỉ số mới phù hợp với bối cảnh giáo dục hiện nay.

Bên cạnh đó, cần tổ chức thử nghiệm, đánh giá tính xác thực về độ tuổi của Bộ chuẩn.

Thứ trưởng đề nghị các chuyên gia, các nhà khoa học các Bộ, ngành, các tổ chức quốc tế chung tay hỗ trợ về chuyên gia, kỹ thuật, tài chính và các nguồn lực khác... để Bộ GD-ĐT từng bước xây dựng Bộ chuẩn phát triển trẻ em năm tuổi, trẻ em mầm non nói chung đáp ứng yêu cầu phát triển của trẻ em hiện nay.