Những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình
Công đoàn Ngành giáo dục tỉnh Thừa Thiên Huế vừa tổ chức khánh thành nhà “Mái ấm công đoàn” dành cho đoàn viên Lê Văn Lành, thuộc Công đoàn Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu (huyện Phong Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế). Đoàn viên Lê Văn Lành có hoàn cảnh hết sức khó khăn, anh đang là nhân viên hợp đồng bảo vệ theo Nghị định 68 của Chính phủ, anh sống cùng vợ và hai con nhỏ. Vợ anh đang là nhân viên vệ sinh hợp đồng tại Trường THPT Nguyễn Đình Chiểu, đồng thời phải lo việc nội trợ, cuộc sống của cả gia đình chủ yếu phụ thuộc vào thu nhập hằng tháng của anh. Trong nhiều năm qua, gia đình anh Lành phải sống trong một căn nhà tạm bợ tại thôn Thượng An, xã Phong An, huyện Phong Điền.
Trên nền đất cũ tại thôn Thượng An, xã Phong An, với diện tích 90 m2, căn nhà của anh Lành được xây dựng với tổng kinh phí hơn 180 triệu đồng; trong đó gồm 30 triệu đồng do “Quỹ Mái ấm công đoàn” của Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh Thừa Thiên Huế hỗ trợ, phần còn lại do gia đình vay mượn thêm. Đây là ngôi nhà được LĐLĐ tỉnh hỗ trợ trong dịp “Ngày hội công nhân - Phiên chợ nghĩa tình năm 2019”. Tại lễ khánh thành ngôi nhà mới, anh Lê Văn Lành xúc động, bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đến Ban Giám hiệu, Ban chấp hành Công đoàn nhà trường, đến LĐLĐ tỉnh và Công đoàn Ngành giáo dục tỉnh đã quan tâm, tạo điều kiện cho anh có được ngôi nhà vững chãi, ấm áp khi mùa Xuân về.
Khó có thể nói hết được niềm vui, niềm hạnh phúc lớn lao của những gia đình cán bộ đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn được sống trong những căn nhà ấm áp nghĩa tình. Năm 2019, LĐLĐ thành phố Huế đã tổ chức khánh thành nhiều “Mái ấm công đoàn” dành cho đoàn viên công đoàn có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Trong số đó, có chị Lê Thị Kim Anh - Công đoàn cơ sở Công ty Môi trường và Công trình đô thị Huế và anh Lê Bá Hưng - Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Viễn thông BMVK.
Chị Kim Anh và anh Lê Bá Hưng đều là những đoàn viên có hoàn cảnh rất khó khăn, lâu nay sống trong căn nhà tạm bợ, chật hẹp và xuống cấp trầm trọng. Chồng của chị Kim Anh và vợ của anh Hưng là lao động tự do, thu nhập của hai gia đình này chỉ khoảng 6 triệu đồng/tháng, trong khi phải nuôi hai con nhỏ. Vì hoàn cảnh khó khăn, các gia đình chị Kim Anh hay anh Bá Hưng đành căng tấm bạt, che tạm mái tôn làm nhà để ở. Ước mơ về một mái ấm chỉ có thể thực hiện khi công đoàn các cấp khảo sát, quyết định hỗ trợ 30 triệu đồng, bà con lối xóm, anh em họ hàng góp vật liệu, ngày công xây cho gia đình các anh, chị căn nhà mới khang trang. Mỗi ngôi nhà được xây mới rộng khoảng 70 m2, với tổng kinh phí hơn 200 triệu đồng; trong đó, Quỹ Mái ấm công đoàn của LĐLĐ thành phố hỗ trợ 30 triệu đồng, phần còn lại do gia đình vay mượn từ Quỹ trợ vốn cho công nhân lao động nghèo của LĐLĐ tỉnh và người thân, bạn bè. Cầm trên tay quyết định bàn giao nhà, chị Kim Anh xúc động nói: “Tôi vui mừng và hạnh phúc lắm, Tết này gia đình tôi đã được đón Giao thừa trong nhà mới rồi”.
Chủ tịch LĐLĐ thành phố Huế, Hoàng Như Thanh cho biết: Hỗ trợ “Mái ấm công đoàn” là hoạt động thường xuyên của LĐLĐ thành phố, thể hiện vai trò và trách nhiệm của tổ chức công đoàn trong công tác chăm lo đời sống cho đoàn viên, người lao động. Tại các buổi sinh hoạt, các hội nghị, LĐLĐ thành phố cùng phối hợp UBND các phường tìm hiểu, điều tra, thống kê, đánh giá thực trạng tình hình nhà ở của CNVCLĐ, bàn bạc tháo gỡ những khó khăn vướng mắc về thủ tục xây dựng để đề nghị LĐLĐ tỉnh hỗ trợ xây nhà và sửa chữa nhà ở.
Giấc mơ “an cư lạc nghiệp”
Chủ tịch LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế Nguyễn Khoa Hoài Hương cho biết, từ năm 2006 đến nay, chương trình “Mái ấm Công đoàn” đã nhận được sự tham gia của đông đảo cán bộ đoàn viên, CNVCLĐ, các tổ chức cá nhân trong và ngoài tỉnh, qua đó đã giúp cho LĐLĐ tỉnh triển khai xây mới nhà ở và sửa chữa hàng trăm ngôi nhà cho các đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn. Riêng trong năm 2019, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế đã trao tặng kinh phí hỗ trợ xây dựng 48 “Mái ấm công đoàn” và hỗ trợ sửa chữa 12 ngôi nhà, đạt 133,3% so chỉ tiêu của Tổng LĐLĐ Việt Nam giao với tổng số tiền 1,72 tỷ đồng từ nguồn đóng góp của đoàn viên công đoàn trong chương trình “Mái ấm công đoàn” và từ nguồn hỗ trợ của các cơ quan, doanh nghiệp.
Tuy nhiên, chương trình “Mái ấm công đoàn” vẫn còn những khó khăn vướng mắc do nhu cầu hỗ trợ xây dựng nhà ở cho đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh là khá lớn; bên cạnh đó, việc huy động xây dựng quỹ hỗ trợ chưa thường xuyên dẫn đến việc nguồn quỹ không đủ hỗ trợ cho đoàn viên; việc triển khai hỗ trợ đầu tư xây dựng nhà Mái ấm công đoàn của các đơn vị chưa xem xét hết các điều kiện, cho nên khi triển khai xây dựng kéo dài thời gian, bàn giao nhà ở chậm tiến độ.
Để bảo đảm CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn có thêm nhiều mái ấm, thời gian tới, LĐLĐ tỉnh Thừa Thiên Huế xác định việc chăm lo đời sống, đại diện bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người lao động là nhiệm vụ trọng tâm; tiếp tục hướng về cơ sở để tuyên truyền mục đích, ý nghĩa của chương trình nhà ở “Mái ấm công đoàn” nhằm dấy lên phong trào xóa đói, giảm nghèo, giúp đỡ đoàn viên, CNVCLĐ có hoàn cảnh khó khăn đang ở nhà tạm, nhà tranh vách đất, bị thiên tai, bão lũ.
Chương trình “Mái ấm công đoàn” với số tiền hỗ trợ làm nhà không lớn, nhưng đó là những tấm lòng đầy tình nghĩa, sẻ chia của CNVCLĐ, là sự vui mừng, niềm hạnh phúc lớn lao của những gia đình CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Điều này đã làm nổi bật vị trí của công đoàn các cấp với chức năng chăm lo và bảo vệ quyền lợi cho người lao động, là ngôi nhà, là tổ ấm, là người bạn đồng hành của giai cấp công nhân và người lao động.
Những CNVCLĐ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại Thừa Thiên Huế lại hân hoan niềm vui trong những ngôi nhà mơ ước, góp phần hiện thực hóa giấc mơ “an cư lạc nghiệp” nhờ sự quan tâm từ “mái nhà chung”.